Doanh nghiệp nhỏ gặp khó
Báo cáo “Tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với DN Việt Nam, phát hiện chính từ điều tra DN năm 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, qua khảo sát 10.197 DN, trong đó có 8.633 DN tư nhân và 1.564 DN thuộc khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết, có gần 90% DN ở hầu hết các ngành, nghề bị ảnh hưởng tiêu cực do Covid-19. Những ảnh hưởng chủ yếu là DN gặp trở ngại khi tiếp cận khách hàng, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mất cân đối dòng tiền, khó khăn trong quản trị lao động. Nhiều DN đã phải cho lao động nghỉ việc, ngừng hoạt động, thậm chí phá sản và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là các DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ, các DN trẻ chưa đầy 3 năm tuổi. Đặc biệt, từ cuối tháng 4 đến nay, khi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó có một số khu công nghiệp, không ít DN vốn đã gặp rất nhiều khó khăn từ những đợt dịch trước, nay lại tiếp tục gánh chịu thiệt hại. Báo cáo “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam” của WB ngày 17-5-2021 cũng nhận định, sự phục hồi kinh tế đang diễn tại Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này.
 |
Công ty TNHH May Tinh Lợi (Hải Dương) bảo đảm tốt các điều kiện phòng, chống dịch Covid-19 trong sản xuất. Ảnh: VIẾT CHUNG
|
Trao đổi với phóng viên, TS Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết: "Hầu hết DN nhỏ và vừa đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều DN bị giảm đơn hàng, giảm sản lượng, phải trì hoãn, giãn tiến độ đầu tư, thậm chí hủy dự án đang hoặc sẽ thực hiện, đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột". Bà Trịnh Thị Ngoan, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và Truyền thông Newstar (Hà Nội) chia sẻ: "Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, chúng tôi bị giảm nhiều đơn hàng về cung cấp thực phẩm cho bếp ăn công nghiệp; cung cấp nguyên liệu, sản phẩm thứ cấp; các hợp đồng về tổ chức sự kiện đón Tết, chào xuân... cũng bị hủy. Là DN nhỏ, phụ thuộc vào hệ sinh thái của các DN khác nên thời gian qua chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh gây ra". Trong lĩnh vực vận tải-du lịch, ông Đỗ Văn Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và Vận tải Hoàng Dương (Hà Nội) cho biết: "Công ty chúng tôi có 4 xe limousine, trước đây thường kín lịch cho thuê theo hợp đồng vận tải thì nay chỉ hoạt động cầm chừng. Tôi mong tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát để công ty hoạt động ổn định trở lại".
"Tiếp sức" để doanh nghiệp phục hồi
Theo ông Tô Hoài Nam, mặc dù thời gian qua Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ kịp thời, giúp DN từng bước vượt khó khăn, hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, tuy nhiên, sau hơn một năm chịu tác động của dịch Covid-19, tình hình của DN và người lao động hiện đã khác so với năm 2020. Rất nhiều DN đã không thể trụ vững, phải cắt giảm lao động, thậm chí đóng cửa hoặc chuyển sang ngành, nghề khác. Về phía người lao động cũng không thể ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc vì diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và kéo dài, buộc họ phải tìm kiếm việc làm mới để duy trì thu nhập. Bởi vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ thanh khoản giúp DN cầm cự như năm 2020 thì việc xây dựng chính sách cần thay đổi theo hướng hỗ trợ phục hồi và phát triển, như: Xây dựng các chính sách giãn thuế, hoãn thuế để DN có đủ thời gian khôi phục sau dịch bệnh; tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả các đối tượng chịu ảnh hưởng sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả. Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới... Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư, rào cản trong tiếp cận các chính sách tín dụng để DN nhỏ và vừa bứt phá nắm bắt cơ hội kinh doanh trong tình hình mới...
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết: "Rút kinh nghiệm từ các chính sách hỗ trợ DN thời gian qua, tôi cho rằng các gói hỗ trợ phải tiếp cận theo hướng công bằng hơn, tiêu chí dễ dàng hơn, thực sự thiết thực cho DN. Nếu chúng ta mạnh dạn giảm thuế, hỗ trợ DN chi phí PCD thì sẽ công bằng hơn cho các DN đang tiếp tục trụ vững trong dịch Covid-19. Đồng thời, các DN cần tích cực hơn trong chuyển đổi mô hình, tổ chức lại SXKD, tái cơ cấu để thích ứng với tình hình mới. Một vấn đề quan trọng là vaccine. Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, điều này sẽ góp phần quan trọng để DN ổn định SXKD".
Về góc độ chính sách, TS Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, VCCI, chia sẻ: "Góp phần tạo điều kiện để DN nhỏ và vừa phát triển, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu. Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các đối tác lớn, như: Nhật, Mỹ, EU... đang tìm kiếm địa điểm để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi sản xuất ra khỏi các cứ điểm sản xuất chính. Chính phủ cần có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho DN Việt Nam và thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên".
DƯƠNG SAO