QĐND - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu đạt 50,1 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014; kim ngạch nhập khẩu đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau thời gian dài xuất siêu, 4 tháng qua, ta đã nhập siêu 3 tỷ USD, bằng 6% kim ngạch xuất khẩu. Bên cạnh niềm vui vì kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng là không ít nỗi lo…
Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng tăng cao
Đầu tuần này, trong Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình bày báo cáo bổ sung của Chính phủ về việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2014, tình hình những tháng đầu năm 2015, trong đó có đề cập đến kim ngạch xuất, nhập khẩu từ đầu năm đến nay.
Theo báo cáo, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng cao. Cụ thể, điện tử, máy tính và linh kiện tăng 62,9%; sắn và sản phẩm của sắn tăng 44,6%; hạt điều tăng 25,1%; giày dép tăng 19,1%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 13,9%... Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm với 9,9 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp đến là thị trường EU với 9,4 tỷ USD, tăng 10,6%; ASEAN đạt 6,2 tỷ USD, tăng 2,7%...
 |
Xuất khẩu gạo trong tháng 4-2015 sụt giảm. Ảnh: Tiến Dũng
|
 |
Xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn. Ảnh: Nghinh Xuân
|
 |
Xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng Vũng Tàu. Ảnh: Hải Hà
|
Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 4 tháng đầu năm nay tăng khá mạnh, ước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 20,7 tỷ USD, tăng 9,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,4 tỷ USD, tăng 27,8%. Phần lớn những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng cao là nguyên vật liệu, đó là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ sản xuất công nghiệp và xây dựng đang phục hồi và tăng trưởng mạnh.
Vì sao xuất khẩu nông sản giảm?
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản từ đầu năm đến nay giảm 6% so với cùng kỳ. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh trong tháng 4-2015. Trong đó, gạo giảm 9,2%, cà phê giảm tới 39,3% so với cùng kỳ năm 2014. Hạt điều là mặt hàng nông sản chính duy nhất trong 4 tháng đầu năm 2015 tăng cả về khối lượng (85 nghìn tấn, tăng 14,1%) lẫn giá trị xuất khẩu (635 triệu USD, tăng 36,3%). Trong 4 tháng, cao su có khối lượng xuất khẩu tăng 37,7% (259 nghìn tấn) nhưng lại giảm 0,6% về giá trị (371 triệu USD)…
Lý giải về tình trạng xuất khẩu nông, thủy sản giảm trong 4 tháng qua, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng: Năm 2015, trên thế giới biến động về nông, lâm, thủy sản rất lớn, nguồn cung tăng. Ví dụ Ấn Độ gia tăng xuất khẩu thủy sản. Thái Lan, Cam-pu-chia đều tăng sản lượng gạo bán ra. Trong khi đó, cầu của thế giới lại đang tương đối yếu. Nguyên nhân chủ quan do trình độ sản xuất chế biến của Việt Nam còn nhiều hạn chế, dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam bị sụt giảm.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Các thị trường chính nhập khẩu thủy sản của Việt Nam như: Nhật, EU, Mỹ đều sụt giảm mạnh. Năm 2015, thị trường xuất khẩu thủy sản rất khó khăn.
Nỗi lo tiêu thụ sản phẩm cho nông dân
Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội mấy tháng đầu năm nay, nhiều ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, nếu tiếp tục tổ chức sản xuất theo cách như hiện nay thì những thế mạnh nông nghiệp của Việt Nam như lúa gạo, tiêu, điều, cà phê cũng như những nông sản khác sẽ còn gặp khó khăn, sản xuất ra nhưng không tiêu thụ được. "Có những mặt hàng Việt Nam thậm chí thua ngay trên sân nhà. Khi tham gia sâu vào TPP, sẽ không còn một hàng rào nào để bảo vệ, tình trạng có thể còn căng hơn"- ông Hiển lo ngại.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cảnh báo: "Người nông dân không thể tiếp tục làm ra những thứ mà mình không biết sẽ bán cho ai, bán đi đâu. Tích cực mua dưa hấu đi chăng nữa thì như nhà tôi cũng chỉ ăn được một quả dưa một ngày, chứ không thể ăn được quả thứ hai. Cách làm như thế không thể ổn được".
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa phân tích: Từ câu chuyện dưa hấu, hành tím, hành tây… gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ giúp các bộ, ngành nhìn lại trách nhiệm của mình. Bởi các sản phẩm này, việc tiêu thụ chủ yếu vẫn do thương lái chi phối, nông dân cứ sản xuất, thương lái thu mua mà không tính đến thị trường dẫn đến ế thừa, không tiêu thụ được sản phẩm.
Đứng trước tình hình khó khăn trong tiêu thụ nông sản, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp tháo gỡ về cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu, mở thị trường, cân đối cung cầu. Riêng vấn đề cung cầu, dự báo thị trường, hằng tháng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều thông tin dự báo để doanh nghiệp và nông dân tự điều chỉnh sản xuất.
Đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu
Vấn đề tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu cũng đã được Chính phủ thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 4 vừa qua. Trong Nghị quyết của phiên họp này, Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập siêu. Tổ chức theo dõi, nắm bắt kịp thời thông tin thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy đàm phán với các đối tác tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối, lưu thông, bảo đảm tốt cung cầu, nhất là các mặt hàng nông sản. Kích thích tiêu dùng nội địa, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Nguyên nhân của nhập siêu 4 tháng đầu năm nay chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu thấp do giá dầu thô giảm, làm kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 1 tỷ USD; xuất khẩu nhóm hàng nông sản giảm cả về lượng và giá trong khi nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là nhóm máy móc thiết bị với kim ngạch tăng gần 3 tỷ USD.
Nguồn: Tổng cục Thống kê
|
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phân tích: Nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn nên sẽ chịu tác động không nhỏ từ diễn biến thị trường thế giới. Với 7 Hiệp định Thương mại (FTA) mà Việt Nam đã ký kết là cơ hội lớn cho nền kinh tế, tuy nhiên, bên cạnh cơ hội cũng có những thách thức không nhỏ. Vì vậy, phải tính đến quy hoạch lại sản xuất, dự báo thị trường. Đặc biệt, quy hoạch trong sản xuất nông, lâm, thủy sản không chỉ tính đến phạm vi quốc gia mà phải tính đến các quốc gia khác cùng sản xuất một mặt hàng, cung cầu của thế giới. Ví dụ cao su, cà phê, gạo… Việt Nam là một trong những quốc gia đứng hàng đầu về sản lượng nhưng diễn biến của thị trường thế giới còn phụ thuộc nhiều quốc gia khác. Vì vậy, để tránh cảnh ế thừa, rớt giá thì phải tính toán quy hoạch ở tầm cung cầu thế giới, phối hợp với các quốc gia khác để điều tiết (ví dụ Việt Nam - Thái Lan đang nghiên cứu, xem xét thành lập sàn giao dịch cao su ở khu vực Đông Nam Á-PV). Khi mở cửa hội nhập kinh tế thì chúng ta phải chấp nhận cuộc chơi chung chứ không thể một mình một chợ.
PHÚ THỌ-NGUYỄN KIỂM