Tư tưởng bao cấp còn đè nặng

Nhắc đến tình hình sản xuất kinh doanh của ngành đường sắt, một thực tế có thể thấy rõ là hành khách ngày càng ít lựa chọn phương thức vận tải này, thay vào đó, hàng không và đường bộ được sử dụng phổ biến hơn. Điều này thể hiện qua các chỉ tiêu tài chính của Tổng công ty ĐSVN. Doanh thu của tổng công ty có xu hướng giảm trong những năm gần đây, trong đó, năm 2016 doanh thu đạt khoảng 6.500 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2015. Thị phần đường sắt giảm dần qua các năm mà nguyên nhân chính là do chất lượng dịch vụ còn kém, thiếu tính cạnh tranh, hạ tầng lạc hậu, đầu máy, toa xe ít được quan tâm nâng cấp chất lượng... "Trong thời buổi kinh tế thị trường phát triển mạnh nhưng tư tưởng bao cấp dường như còn đè nặng với ngành đường sắt", đồng chí Mai Tiến Dũng bày tỏ. Bên cạnh đó, dư luận cũng rất lo ngại đến vấn đề an toàn giao thông đường sắt. Tuy trong quý II-2017, tai nạn giao thông đường sắt có giảm nhưng vẫn còn sự cố xảy ra, điều đáng bàn là sự cố do nguyên nhân chủ quan gia tăng. Trên hệ thống đường sắt dài hơn 3.000km có đến hơn 4.000 đường ngang dân sinh, lối đi tự mở, gây nguy cơ lớn ảnh hưởng đến an toàn giao thông cũng như khó rút ngắn thời gian chạy tàu.

Tổng công ty ĐSVN là một trong những đơn vị thực hiện cổ phần hóa từ sớm với số lượng lớn đơn vị thành viên được cổ phần hóa, tuy nhiên, tỷ lệ thoái vốn Nhà nước chưa đạt yêu cầu. Đánh giá về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho rằng, tổng công ty cần đẩy mạnh thoái vốn, nhất là với các công ty dịch vụ, quá trình cổ phần hóa cần có sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế.

Liên hệ đến lĩnh vực vận tải hàng không, sau khi có sự tham gia của các hãng hàng không tư nhân, đi lại bằng máy bay được bình dân hóa, Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc đường sắt bị thu hẹp trong khi đường bộ, đường hàng không phát triển là do những lĩnh vực này có sự cạnh tranh mạnh mẽ, còn đường sắt thực ra vẫn độc quyền. “Trong nội bộ không có cạnh tranh nên không có sự thay đổi để nâng cao hiệu quả. Trong khi, nhu cầu đi lại bằng đường sắt ví dụ từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang (Khánh Hòa), Mũi Né (Bình Thuận) rất cần”, Phó chủ nhiệm VPCP Lê Mạnh Hà chia sẻ.

leftcenterrightdel
Ngành Đường sắt đổi mới để phát triển. Ảnh: TTXVN.
Khai thác tối đa thế mạnh hiện có

Nhìn nhận những ưu thế cũng như nhược điểm của ngành đường sắt, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN cho rằng, ưu điểm của đường sắt là vận tải khối lượng lớn, an toàn, nhà ga ở trung tâm đô thị, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, chỉ số đúng giờ cao. Tuy nhiên, nhược điểm hiện nay là tốc độ chậm, trung bình hơn 60km/giờ với tàu khách, tàu hàng chỉ 30-40km/giờ. Chất lượng dịch vụ ngành đường sắt còn kém, hạ tầng rất lạc hậu nên khó thu hút khách. "Khách bỏ đi không phải bởi giá vé mà do chất lượng dịch vụ, chất lượng vệ sinh", ông Vũ Anh Minh chia sẻ. Do vậy, muốn ngành đường sắt phát triển phải giữ những lợi thế và khắc phục nhược điểm, bắt đầu từ vấn đề vệ sinh, nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung khai thác các tuyến có cự ly trung bình 300-500km để cạnh tranh với các loại hình vận tải khác. Cũng theo ông Vũ Anh Minh, tổng công ty phấn đấu đến năm 2021 sẽ thay thế toàn bộ toa xe khách cũ và đã lập dự án đóng mới 100 đầu máy.

Nhu cầu đầu tư cho hạ tầng đường sắt cần số vốn rất lớn, tuy nhiên, nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, thu hút từ xã hội hóa gặp khó khăn do khó thu hồi vốn. Trong bối cảnh đó, ngành đường sắt cần đẩy mạnh khai thác hạ tầng hiện có, duy trì an toàn, tập trung tối đa năng lực trên từng tuyến cụ thể; thực hiện các dự án nâng cấp, cải tạo hạ tầng, nhất là xây dựng đường gom để xóa đường ngang dân sinh. Ông Vũ Anh Minh cho biết: Trong thời gian tới, ngành đường sắt được đầu tư 7.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Nguồn vốn này được tập trung cho 4 dự án cấp thiết, gồm: Cải tạo các cầu yếu, hầm yếu trên tuyến; cải tạo tuyến đường sắt Sài Gòn-Nha Trang (Khánh Hòa); nâng cao năng lực cho tuyến Hà Nội-Vinh (Nghệ An) và một số hạng mục bảo đảm an toàn giao thông. Với các dự án này, có thể nâng năng lực thông qua của hệ thống đường sắt lên gấp đôi so với hiện nay.

Ngành đường sắt hiện đang tích cực thu hút các nguồn lực từ xã hội hóa, kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia quản lý, khai thác các dịch vụ trên tuyến. Đối với vận tải hàng hóa, Tổng công ty ĐSVN sẽ phối hợp với nhà đầu tư xây dựng hai cảng cạn (ICD) tại ga Sóng Thần (Bình Dương) và ga Đông Anh (Hà Nội). Đồng thời, tổng công ty sẽ triển khai lập quy hoạch, lập thiết kế 10 nhà ga lớn trên cả nước, từ đó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia kinh doanh dịch vụ tổng hợp. Ngoài ra, còn có nhiều hình thức thu hút vốn khác như cho thuê toa xe, cho thuê hạ tầng hoặc cho thuê cả bộ máy trên tàu.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nêu rõ: Ngành đường sắt đứng trước những khó khăn như hiện nay, ngoài yếu tố khách quan, còn có nguyên nhân quan trọng từ yếu tố chủ quan. Đồng chí Mai Tiến Dũng đề nghị Tổng công ty ĐSVN mạnh dạn đổi mới, tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng cường áp dụng công nghệ điều hành hiện đại, thay thế thủ công. Đề xuất những cơ chế đột phá để thu hút vốn đầu tư, nếu vẫn tư duy bao cấp thì không ổn vì nguồn ngân sách Nhà nước hạn chế. Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng yêu cầu tổng công ty đặc biệt quan tâm đến năng lực quản trị, điều hành, ý thức thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để thay đổi tư duy, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.

MẠNH HƯNG