QĐND Online - Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 9 chương trình ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Mục đích hướng đến của chương trình nhằm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm 2015 và dưới 2% vào năm 2020.
Nhân Tháng Cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) về vấn đề này.
PV: Thưa ông, Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có vai trò như thế nào?
 |
TS Hoàng Đình Cảnh. |
TS Hoàng Đình Cảnh: Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một chương trình có ý nghĩa hết sức nhân văn và kết quả thu được rất tốt. Như chúng ta đã biết, nếu không có chương trình này thì tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đối với những người nhiễm HIV mang thai là 36%. Tuy nhiên nếu điều trị tốt, điều trị đúng và điều trị sớm, kết hợp việc không cho con bú thì tỉ lệ này giảm xuống còn khoảng 2%. Giai đoạn điều trị tốt nhất là giai đoạn 3 tháng đầu của thời kỳ mang thai, điều trị càng sớm càng tốt.
PV: Trong quá trình điều trị dự phòng thì người mẹ cần lưu ý đến những vấn đề nào, thưa ông?
TS Hoàng Đình Cảnh: Chương trình này có một số vấn đề cần quan tâm như người mẹ phải biết đến giá trị của điều trị dự phòng cho nên tất cả những người phụ nữ mang thai cần phải xét nghiệm sớm để biết tình trạng nhiễm của mình. Khi biết được tình trạng nhiễm thì phải tiếp cận ngay với những dịch vụ cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền từ mẹ sang con để điều trị sớm. Khi dùng đúng phác đồ điều trị 3 thuốc thì khi sinh và nuôi con cũng cần phải chú ý và có những tư vấn hợp lý của cán bộ y tế để có những biện pháp dự phòng cho con.
PV: Ông có thể cho biết tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm nay chủ đề, mục đích đặt ra như thế nào?
TS Hoàng Đình Cảnh: Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vẫn tiếp tục thực hiện chủ đề: Tiếp cận sớm, xét nghiệm sớm và điều trị sớm. Hiện tại mới có 58% phụ nữ HIV được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con. Chúng ta cũng đang đặt mục tiêu là 80% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV và 90% những người nhiễm HIV khi mang thai được điều trị dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con.
PV: Thưa ông, hiện nay kinh phí cho công tác điều trị HIV đang bị cắt giảm. Việc này có ảnh hưởng đến hiệu quả của việc dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
TS Hoàng Đình Cảnh: Việc thiếu hụt nguồn lực tài chính để thực hiện cho việc dự phòng này là cả một vấn đề. Thứ nhất là thiếu nguồn lực cho việc xét nghiệm sớm vì đến nay nguồn hỗ trợ cho người mẹ xét nghiệm sớm HIV rất ít mà chủ yếu là do người dân tự bỏ tiền ra để xét nghiệm. Thứ hai, thuốc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con cho đến nay chúng ta vẫn đang bảo đảm 100% điều trị miễn phí, tuy nhiên trong thời gian tới khi nguồn lực tài chính của thế giới bị cắt giảm thì chúng ta phải tính đến nguồn của Chính phủ để bảo đảm cho Chương trình này được triển khai hoạt động hiệu quả.
PV: Ông có thể nói rõ hơn những hoạt động, chiến lược cùng những giải pháp để bảo đảm cho việc điều trị HIV nói chung và điều trị dự phòng cho lây truyền HIV từ mẹ sang con khi nguồn kinh phí đang bị cắt giảm?
TS Hoàng Đình Cảnh: Nguồn kinh phí bị cắt giảm hiện nay không ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bởi chủ trương của chúng ta là đang điều trị miễn phí và số lượng này cũng không lớn cho nên Chính phủ sẽ bảo đảm thuốc miễn phí để điều trị. Những việc chúng ta đang làm, đặc biệt trong tháng chiến dịch hành động về dự phòng lây truyền từ mẹ sang con là cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân hiểu được hiệu quả của việc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Người phụ nữ mang thai cũng phải xét nghiệm sớm để biết được tình trạng nhiễm và tiếp cận sớm với các dịch vụ điều trị dự phòng. Chúng ta phải sẵn sàng các dịch vụ để phục vụ cho người dân như xét nghiệm, điều trị, tư vấn… để khi người dân có nhu cầu là họ được sử dụng ngay các quy trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Những công việc như thế này chúng tôi đã triển khai từ năm 2004 cho đến nay và kết quả rất tốt.
PV: Những khó khăn trong công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiện nay là như thế nào, thưa ông?
TS Hoàng Đình Cảnh: Khó khăn lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy đó là người phụ nữ tiếp cận muộn với chương trình phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS nói chung, công tác điều trị và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng. Theo quy định, 100% phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cần xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm. Tuy nhiên, tình trạng này ở nhiều nơi không được thực hiện. Cho nên có những người nhiễm HIV không biết tình trạng nhiễm của mình nên khi mang thai tiếp cận với điều trị muộn. Mặt khác, ở Việt Nam rất nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV đến lúc sinh mới tiếp cận với phương pháp điều trị nên kết quả thu được không cao. Có những người phụ nữ mang thai nhiễm HIV khi biết được tình trạng nhiễm của mình lại giấu do sợ sự kỳ thị phân biệt đối xử, một phần do người phụ nữ chưa hiểu biết đầy đủ về hiệu quả của việc dùng thuốc điều trị. Bởi vậy, con của họ cũng không được tiếp cận với phương pháp dự phòng, điều trị đúng, điều trị đủ liều nên tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con còn cao.
PV: Đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, việc kiểm soát tỉ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV còn nhiều khó khăn. Ông có thể giải thích về vấn đề này như thế nào?
TS Hoàng Đình Cảnh: Công tác phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam hết sức nhân văn, trong đó có yêu cầu Chính phủ sẽ miễn phí xét nghiệm HIV cho những phụ nữ mang thai. Tuy nhiên do điều kiện kinh tế của chúng ta đang còn khó khăn nên phần lớn người dân vẫn phải bỏ tiền ra để tự xét nghiệm. Ở thành thị dịch vụ sẵn có, điều kiện kinh tế của người dân cũng khá hơn thì họ làm xét nghiệm đầy đủ hơn. Ở vùng sâu, vùng xa, miền núi thì dịch vụ không sẵn có trong khi hiểu biết của họ chưa đầy đủ về tầm quan trọng trong việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con nên việc xét nghiệm rất muộn nên có nhiều trường hợp không được điều trị đúng cách.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.
THU HƯƠNG (thực hiện)