QĐND - Ngồi trong “nhà nổi” trên sông Thái Bình ở xã Trung Kênh, nghe người dân ở đây nói chuyện và nhìn những lồng cá tiếp nối nhau dài hàng cây số, chúng tôi thực sự vui cùng những thành quả của địa phương-một xã nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. Đặc biệt, địa phương này đã "cán đích" 19/19 tiêu chí nông thôn mới nhờ biết phát triển ngành nghề gắn với sông nước.
Sớm đạt các chỉ tiêu nông thôn mới
Những con đường được trải bê tông phẳng lỳ vươn ra tận cánh đồng xanh ngát, dọc theo đó là các ngôi nhà cao tầng khang trang cho thấy sự đổi thay tích cực, một diện mạo mới trên vùng quê giàu truyền thống văn hiến. Vừa rót chén nước chè nóng hổi mời chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Trung Kênh Phạm Văn Vy vừa phấn khởi nói: “Sau khi được cấp trên tin tưởng giao là xã điểm về xây dựng nông thôn mới, cả hệ thống chính trị đã khẩn trương vào cuộc bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể, phù hợp. Chúng tôi triển khai theo phương châm việc nào dễ, tốn ít kinh phí thì làm trước; việc nào khó, cần nhiều kinh phí thì thực hiện sau. Vì thế, chỉ sau 4 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, năm 2014, Trung Kênh đã hoàn thành 19/19 tiêu chí quốc gia về nông thôn mới”.
 |
Ông Đỗ Văn Lên cho cá ăn ở khu nuôi cá lồng xã Trung Kênh.
|
Trong tỷ trọng cơ cấu kinh tế của xã, hiện thương mại, dịch vụ chiếm tới 85%; nông nghiệp chỉ còn 15%. Trên địa bàn xã đang có 36 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 11 hợp tác xã với hơn 200 phương tiện vận tải thủy có tổng trọng tải trên 110.000 tấn, 32 ô tô vận tải, 500 hộ kinh doanh nhỏ… “Nhận ra ưu thế của vị trí nằm ven sông Thái Bình, xã chúng tôi đã đẩy mạnh phát triển dịch vụ đường thủy, đường bộ, bến bãi với các ngành nghề nổi bật là vận tải thủy và các mô hình nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, tổng thu nhập toàn xã đạt 235 tỷ đồng, trong đó dịch vụ vận tải đạt 164,2 tỷ đồng, ngành nghề khác là 70,8 tỷ đồng”, ông Phạm Văn Vy cho biết.
Mô hình nuôi cá lồng trên sông Thái Bình
Băng qua những cánh đồng bạt ngàn màu xanh của ngô, khoai, cà rốt, chúng tôi đến khu nuôi cá lồng lớn nhất trong xã của ông Đỗ Văn Lên (45 tuổi, thôn Cáp Trên, xã Trung Kênh). Chỉ tay về phía những lồng cá nối tiếp nhau, ông Lên cho biết: “Hiện nay, gia đình tôi có 84 lồng cá, trong đó chủ yếu là cá chép, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá lăng. Mỗi lồng ở đây có khoảng 500-700 con. Đợt vừa rồi, nhà tôi bán được khoảng 30 tấn cá, đem về doanh thu 2 tỷ đồng”.
Tuy cho doanh thu lớn, nhưng nuôi cá lồng cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn. Theo ông Lên: “Khó khăn của người nuôi cá lồng hiện nay là chi phí lớn nên cần có nguồn vốn. Đó là chưa kể có thể gặp rất nhiều rủi ro khác như giá cả bấp bênh, thời tiết không thuận lợi… Để phòng, tránh gió bão, gia đình tôi phải dùng 120 cái neo và dây buộc, dọc chiều dài gần 1km của khu nuôi cá”.
Cũng thực hiện mô hình nuôi cá lồng, hộ gia đình anh Cao Văn Mạnh (32 tuổi, thôn Cáp Điền) hiện đang sở hữu 45 lồng cá, trong đó có 40 lồng nuôi cá lăng. Anh Mạnh cho hay: “Chi phí đầu tư cho một lồng cá khoảng 160 triệu đồng/năm. Một con cá lăng khi bán ra có trọng lượng từ 2,5kg trở lên. Sắp tới, nhà tôi sẽ có 4 lồng cá đủ điều kiện để bán với sản lượng khoảng 20 tấn. Giá cá lăng năm nay giảm, bán buôn chỉ còn 50 nghìn đồng/kg, nhưng tôi vẫn phải chấp nhận bán để trả tiền thức ăn nuôi cá. Hy vọng, những hộ nuôi cá lồng như gia đình tôi sẽ có được sự hỗ trợ về nguồn vốn để tiếp tục phát triển”.
Đề cập tới việc hỗ trợ người nông dân làm giàu trên quê hương, Chủ tịch UBND xã Trung Kênh Phạm Văn Vy tỏ rõ sự thấu hiểu. Ông nói rằng, cũng giống như những vấn đề khác được đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, chính quyền xã đã tích cực đề nghị trên hỗ trợ vốn và đang được giải quyết, giúp người dân ổn định sản xuất.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng những người nông dân Trung Kênh không ỉ lại, vẫn đang miệt mài vượt khó, tận dụng lợi thế tự nhiên thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá lồng, từng bước nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình. Nếu như năm 2013, xã có 144 lồng cá thì năm 2015 đã tăng lên 308 lồng cá, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm cho các hộ nuôi. Các hộ cũng đã áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật mới, tận dụng thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp, nhờ đó nhiều giống cá đã cho năng suất, hiệu quả cao như: Cá lăng, chim trắng, trắm cỏ, chép lai… Hình thức nuôi cũng chuyển từ nuôi thả quảng canh sang thâm canh. Giá trị sản xuất 1ha nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 286,1 triệu đồng/năm.
Để lại đằng sau những cánh đồng trù phú và cảng sông Kênh Vàng tấp nập thuyền bè, chúng tôi rời xã Trung Kênh với một tâm trạng đầy phấn khởi khi thấy đời sống của người dân nơi đây đang thay đổi từng ngày. Xã Trung Kênh hôm nay đã khẳng định được vị thế của một xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của huyện Lương Tài.
Bài, ảnh: NGUYỄN VŨ