Thời gian tới, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, trong đó triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Chung sức vươn lên trong đại dịch

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, thách thức bủa vây bởi đại dịch Covid-19, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, huy động nguồn lực đầu tư, phát triển khu vực nông thôn nhưng phong trào xây dựng NTM trên địa bàn TP Hà Nội vẫn giữ được “lửa”.

Chia sẻ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của Thủ đô năm 2021, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chánh văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Ban chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, 18 huyện, thị xã xây dựng kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu chương trình đề ra.

 Hoạt động sản xuất rau hữu cơ tại Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất, TP Hà Nội).

Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành và địa phương, sự chung sức, vượt khó, sáng tạo của bà con nông dân, phong trào xây dựng NTM của Thủ đô có nhiều khởi sắc. Đến nay, thành phố có 382/382 xã về đích NTM, 12/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM, 47 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 5 xã của huyện Đan Phượng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2021 của Hà Nội đạt 39.568,4 tỷ đồng, tăng 3,46% so với năm trước. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 54,07 triệu đồng/người/năm.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, thành phố đã thực hiện các chính sách tín dụng, khuyến khích, thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (CNC). Theo báo cáo của Sở NN&PTNT TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, trong đó có 105 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 39 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 15 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi.

Các mô hình đang ngày càng chứng minh được hiệu quả hoạt động nhờ tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản, bảo vệ môi trường...

Phát triển kinh tế tập thể, ứng dụng công nghệ cao

Nhìn nhận về bức tranh xây dựng NTM của Hà Nội, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU cho rằng, kết quả thực hiện trong năm 2021 có nhiều khởi sắc và thực chất.

Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa rõ nét, nhất là chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi, từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, từ sản xuất hộ gia đình sang sản xuất tập trung quy mô lớn. Bên cạnh đó, hoạt động của các hợp tác xã (HTX) còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chưa đạt kế hoạch, đầu tư cho xây dựng NTM, nhất là các xã NTM nâng cao chưa rõ.

Để khắc phục những hạn chế, đồng thời phát huy những kết quả đạt được, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương, nhất là hai huyện chưa về đích NTM (Ba Vì, Mỹ Đức) cần quyết liệt, tập trung hoàn thành các tiêu chí xây dựng xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện NTM trong năm 2022; phấn đấu đến hết năm 2022, Hà Nội có thêm 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 15 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và hai huyện đạt chuẩn NTM.

Bên cạnh đó, cần thay đổi về tư duy, nhận thức một cách toàn diện về phát triển nông nghiệp cho phù hợp với tình hình mới, trên cơ sở phát huy tối đa đặc thù, lợi thế của nông nghiệp Thủ đô. Kiện toàn, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nghiên cứu xây dựng chính sách tạo điều kiện hỗ trợ kinh tế tập thể, HTX, trang trại; đặc biệt là việc giải thể, chuyển đổi các HTX ngừng hoạt động theo hướng liên doanh, liên kết giữa các HTX. Tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa công tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp.

Hiện nay, phát triển nông nghiệp CNC đang là xu thế tất yếu để xây dựng một hệ thống sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả, bền vững, mang lại năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, trong thời gian tới, thành phố sẽ đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng CNC; khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị (sản xuất, chế biến, tiêu thụ) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản, phù hợp với lợi thế và nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu...

Đồng thời, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và tạo đà phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.

Bài và ảnh: ĐOÀN THẢO