Phóng viên (PV): Dịch bệnh đang có xu hướng lan rộng, vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp gì để bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho người dân, thưa Thứ trưởng?
 |
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải.
|
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã xây dựng một kịch bản tổng thể và có chương trình hành động để xác định những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Bộ Công Thương khẳng định, kể cả trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại các địa phương vẫn có những kịch bản và kế hoạch để đối phó, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu của người dân.
Hiện, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố và đầu mối là Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường cùng các doanh nghiệp (DN) phân phối trên toàn bộ hệ thống phân phối tại Việt Nam để tìm được nguồn hàng cung cấp cho nhu cầu của người dân cũng như người tiêu dùng. Theo báo cáo của các DN phân phối tại Việt Nam, nguồn hàng dành cho nhu cầu của người dân cũng như người tiêu dùng Việt Nam rất dồi dào.
Bộ Công Thương rất mong người dân trong cả nước, nhất là người dân Thủ đô cần hết sức bình tĩnh và tuyệt đối tin tưởng vào sự chỉ đạo cũng như những giải pháp đã được Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra. Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng lưu ý người dân, trong trường hợp chưa cần thiết cần hạn chế tập trung đông người tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ truyền thống… để tránh nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây. Điều này quyết định tới việc bảo đảm chính sức khỏe của chúng ta, cộng đồng và hành động này cũng góp phần ổn định tâm lý của toàn xã hội.
PV: Theo Thứ trưởng, việc Hà Nội nhanh chóng bổ sung nguồn cung hàng hóa, ổn định tâm lý tiêu dùng của người dân sẽ đưa ra kinh nghiệm gì trong công tác bảo đảm hàng hóa cho người dân?
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Việc kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền từ Trung ương với chính quyền ở địa phương, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và DN rất đáng được hoan nghênh, vừa kịp thời, vừa quyết liệt. Ví như tại Hà Nội, từ ngày 7-3, hệ thống các siêu thị triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân. Từ ngày 8-3, các siêu thị, cửa hàng đã nhập bổ sung và cam kết cung cấp đủ hàng hóa phục vụ nhân dân. Không có hiện tượng tăng giá bất hợp lý trên địa bàn. Hiện tượng người dân mua thực phẩm tích trữ đã giảm rõ rệt, nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, dịch lan rộng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, trước mắt các địa phương cần xây dựng kế hoạch tập trung vào dự trữ đầy đủ những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, nhu cầu của người dân. Đây là điều rất quan trọng. Đặc biệt, việc chuẩn bị, cung ứng mặt hàng thiết yếu cho người dân không chỉ được quan tâm, thực hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... mà kể cả những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
PV: Thưa Thứ trưởng, Chính phủ có kế hoạch thực hiện gói hỗ trợ trị giá 280 nghìn tỷ đồng và hàng loạt biện pháp khác để giúp DN vượt khó. Bộ Công Thương triển khai các giải pháp như thế nào để DN tiếp cận hiệu quả gói tín dụng và các biện pháp hỗ trợ nêu trên.
 |
Hàng hóa được các hệ thống phân phối lớn chuẩn bị dồi dào. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại Siêu thị Big C Thăng Long, TP Hà Nội. Ảnh: MINH ĐỨC
|
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải: Các chỉ đạo, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ vừa qua là rất kịp thời, và chắc chắn đây là những hỗ trợ hết sức cần thiết, hiệu quả đối với các DN Việt Nam. Đây được ví như liều thuốc bổ kịp thời cho người đang ốm, giúp họ có thể vực lại sức khỏe.
Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Bộ Công Thương đã kịp thời đẩy mạnh các hoạt động, đề xuất những biện pháp, giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền và trực tiếp là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để gỡ khó cho DN. Bộ Công Thương hiện tập trung ưu tiên hỗ trợ các DN trong nước, bởi các DN của Việt Nam vẫn là những DN còn nhỏ, siêu nhỏ nên rất cần sự hỗ trợ càng sớm càng tốt. Trong khi đó, những DN đầu tư nước ngoài có tiềm lực rất mạnh về kinh tế, nguồn nhân lực và cũng có sự hỗ trợ của chính các quốc gia của họ. Theo đó, Bộ Công Thương tập trung hỗ trợ tìm kiếm, kết nối đầu vào cho DN; yêu cầu toàn bộ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tìm những nguồn hàng thay thế hàng hóa tương đối phụ thuộc vào một số thị trường. Song, cũng phải lường trước đây không phải là việc dễ dàng và có thể thực hiện được ngay. Nếu có tìm được thì phải xác định giá đầu vào chắc chắn sẽ cao hơn, do ảnh hưởng chung của thị trường. Bộ Công Thương cho rằng đây là khó khăn DN phải thích nghi và cần nỗ lực đa dạng hóa thị trường cả xuất và nhập khẩu, về lâu dài đây là giải pháp để DN và nền kinh tế tránh bị tổn thương trước biến động của thị trường.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
KHÁNH AN (thực hiện)