QĐND - Hạ tầng cảng hàng không, sân bay (CHK, SB) vốn là lĩnh vực mang nhiều đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh của đất nước, cung cấp những dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đi lại bằng đường hàng không. Vì vậy, vấn đề đặt ra khi thực hiện chủ trương xã hội hóa (XHH) hạ tầng hàng không, bên cạnh bảo đảm an toàn-an ninh, còn phải tránh tạo độc quyền, bảo vệ quyền lợi của hành khách.

Để không còn bát mỳ ăn liền giá 100.000 đồng!

Giá dịch vụ “cắt cổ” ở một số nhà ga SB tại nước ta từng làm nóng dư luận một thời gian khá dài. Chẳng hạn như câu chuyện bát mỳ ăn liền được bán với giá 100.000 đồng ở CHK quốc tế Nội Bài, cao hơn gấp nhiều lần so với mức giá thông thường khiến hành khách không khỏi bức xúc. Người dân cũng từng kêu ca về tình trạng có nhà ga hư hỏng, thấm dột không được sửa chữa kịp thời, khu vệ sinh quá tải, hệ thống biển chỉ dẫn quá ít, lại thiếu thông tin... Vấn đề của bát mỳ ăn liền, bát phở tưởng như là chuyện nhỏ nhặt, nhưng phần nào phản ánh hệ quả của việc các đơn vị cung ứng dịch vụ ở CHK, SB đang “một mình một ngựa”. Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) nhìn nhận, các CHK, SB ở nước ta đều mang vị thế độc quyền tự nhiên. Ví dụ như, muốn bay đến Hà Nội thì phải qua sân bay Nội Bài, không có sự lựa chọn nào khác. Không chỉ hành khách mà các hãng hàng không đều phải sử dụng dịch vụ của sân bay.

Nhà ga hành khách T1, CHK quốc tế Nội Bài đang được một số nhà đầu tư đề nghị nhượng quyền khai thác.

 

Toàn bộ hệ thống 22 CHK, SB của nước ta hiện nay đều do doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác. Khi thực hiện chủ trương XHH, các thành phần kinh tế khác ngoài Nhà nước có thể tham gia vào đầu tư xây dựng và quản lý kinh doanh. Là đơn vị sớm đặt vấn đề được nhượng quyền khai thác Nhà ga hành khách T1, CHK quốc tế Nội Bài, ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietjet bày tỏ, XHH sẽ đưa ngành HKVN phát triển nhanh chóng, vừa thu hút vốn đầu tư, hình thành được hạ tầng hàng không hiện đại, vừa tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh hạ tầng, đóng góp cho ngân sách. Cũng theo ông Nguyễn Đức Tâm, nếu có điều kiện về mặt bằng tại nhà ga, bãi xe trong sân đỗ, khu kỹ thuật máy bay... sẽ bảo đảm dịch vụ của Vietjet được chủ động, đồng bộ, chắc chắn nâng cao chất lượng phục vụ hành khách. Đại diện Vietjet khẳng định không quan ngại vấn đề xung đột lợi ích giữa các đơn vị đang hoạt động trong ngành hàng không, sẵn sàng hợp tác, liên minh, liên kết với doanh nghiệp khác.

Phải tạo được áp lực cạnh tranh

Hiện nay, nhiều phương án thực hiện XHH hạ tầng hàng không đang được đưa ra, như: Ký hợp đồng để nhà đầu tư được xây dựng công trình trong CHK, SB hoặc cổ phần hóa doanh nghiệp quản lý khai thác công trình đó để các nhà đầu tư khác tham gia góp vốn. Theo ông Lại Xuân Thanh, phương án nào cũng phải đặt ra vấn đề chống lạm dụng vị thế độc quyền. Ví dụ, chủ trương cho phép một hãng hàng không được nhượng quyền khai thác, quản lý nhà ga phải bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bởi không chỉ có đơn vị được nhượng quyền hoạt động tại nhà ga đó mà còn nhiều doanh nghiệp khác.

Một số ý kiến bày tỏ lo ngại, việc nhượng quyền quản lý, khai thác hạ tầng hàng không chỉ là chuyển từ đơn vị độc quyền Nhà nước sang độc quyền tư nhân do vị thế tự nhiên, sẵn có của các sân bay. Để bảo đảm cạnh tranh, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trước hết phải tuân thủ nguyên tắc minh bạch, đầy đủ thông tin; thứ hai là giám sát, trong đó có vai trò của cơ quan chuyên môn, đơn vị bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức chuyên nghiệp độc lập khác. “Đấu thầu cạnh tranh để chọn được nhà đầu tư là một bước nhưng chưa đủ, mà phải tạo ra áp lực cạnh tranh trong quá trình họ trở thành nhà cung ứng dịch vụ, tức là quá trình vận hành, khai thác. Luôn phải đặt nhà đầu tư vào tình huống có thể bị loại khỏi thị trường, bị thay thế bởi người khác nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn, quy chuẩn”, ông Võ Trí Thành chia sẻ.

Cục HKVN hiện đang xây dựng dự thảo nghị định về quản lý, khai thác CHK, SB. Trong đó, việc XHH phải bảo đảm một số nguyên tắc cơ bản như: Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia; duy trì sân bay là nơi phục vụ chung cả hàng không dân dụng và quân sự; không chuyển giao hoặc làm ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước… Để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, chống lạm dụng vị thế độc quyền, dự thảo cụ thể hóa bằng những quy định như: Doanh nghiệp chỉ được giao hoặc thuê đất, không được tự quyết định, từ chối hoặc phân biệt đối xử đối với hãng hàng không được cấp phép; Nhà nước quy định phí, giá dịch vụ hàng không cùng một số dịch vụ phi hàng không thiết yếu... Việc hoàn thiện cơ sở pháp lý sẽ là điều kiện tiên quyết để tiến trình XHH hạ tầng hàng không sớm đi vào thực tế.

Bài, ảnh: MẠNH HƯNG