Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc, đến chiều 22-8 Vĩnh Phúc có 137 nhà bị ngập nước dưới 1m; hơn 4.300ha lúa, 1.320 ha rau màu bị ảnh hưởng; hơn 1.220 con gia súc, gia cầm bị chết; hàng trăm mét kênh mương, đường giao thông bị sạt lở; nhiều ao, hồ, đầm khoanh nuôi thủy sản bị nước dâng cao phá vỡ bờ đập gây thiệt hại lớn cho nông dân trong tỉnh. Các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên bị ảnh hưởng mưa lũ nặng nhất. Trong đó, huyện Vĩnh Tường có gần 1.500 ha lúa bị ngập sâu trong nước; hơn 1.550 ha ngô, rau màu bị thiệt hại; trên 883 ha thủy sản bị tràn bờ; nhiều nhà bị ngập nước. Huyện Bình Xuyên có hơn 350 ha lúa, rau màu và 345 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập úng...

Đến sáng 23-8, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng và nước ở nhiều sông, ngòi, kênh, ao, hồ...cao hơn so với mặt nước tại đồng ruộng và điều này cũng đồng nghĩa với nguy cơ úng ngập cây trồng vẫn còn diễn ra. Trong khi đó, khả năng đón nước và trữ nước của nhiều công trình thủy lợi điển hình (ao, hồ, đầm) trên địa bàn tỉnh ngày càng giảm vì nước trong các công trình thủy lợi dâng nhanh và đến khi mức nước lên cao nguy hiểm thì Vĩnh Phúc phải đồng loạt xả nước các công trình thủy lợi ở mức cao nhất để bảo vệ các công trình.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương phối hợp ứng phó với tình hình mưa lũ đang diễn ra; tổ chức túc trực tại tất cả các điểm có đập tràn, các tuyến đường dưới dãy núi Tam Đảo; thông tin kịp thời và hướng dẫn người dân tránh lũ ở các khu vực nguy hiểm, không để người dân, các phương tiện đi qua đập tràn. Tỉnh yêu cầu các địa phương chuẩn bị nguồn lực, trang thiết bị để phòng chống mưa lũ tốt nhất, những địa phương mưa lũ nặng huy động các trạm bơm hoạt động hết công suất để bảo vệ cây trồng, tài sản...Vĩnh Phúc đã điều tiết cắt lũ, ngăn nước lũ từ thượng nguồn vào huyện Vĩnh Tường, phân lũ từ lũ nguồn Tam Đảo vào kênh Bến Tre./.

TTXVN