QĐND - “Chúng tôi tự hào rằng, cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn vẫn viết tiếp truyền thống Trường Sơn. Những bước đi hôm nay của Binh đoàn được khởi nguồn, tiếp nối sức mạnh từ những bước chân Trường Sơn năm xưa của các thế hệ cha anh…”- Thiếu tướng Đỗ Giang Nam, Tư lệnh Binh đoàn 12, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã khẳng định với chúng tôi như vậy.

Thiếu tướng Đỗ Giang Nam nhận lẵng hoa chúc mừng của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Ảnh: Đoàn Danh Bình

 

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí! Xin đồng chí cho biết, sự tiếp nối truyền thống Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đối với Binh đoàn 12?

Thiếu tướng Đỗ Giang Nam: Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng mới, một số đơn vị của Bộ đội Trường Sơn được chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế và Binh đoàn 12 được thành lập trên cơ sở lực lượng xây dựng cầu, đường của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Trong đội hình của Binh đoàn hiện nay, phần lớn các đơn vị đều đã từng chiến đấu, lao động trên tuyến đường Trường Sơn thời chống Mỹ, trong đó có Công ty Xây dựng 470 tiền thân là Sư đoàn 470 Anh hùng, Công ty Xây dựng 98 tiền thân là Trung đoàn 98 Anh hùng, Công ty Xây dựng 99 tiền thân là Trung đoàn 99 Anh hùng, Công ty 185 tiền thân là Trung đoàn 185 Anh hùng…

PV: Thưa đồng chí! Truyền thống của Bộ đội Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh rất đáng tự hào. Vậy đơn vị đã phát huy truyền thống đó như thế nào trong giai đoạn hiện nay?

Thiếu tướng Đỗ Giang Nam: Chúng tôi đã, đang và sẽ nỗ lực phấn đấu để xứng danh với tên gọi Trường Sơn. Mỗi khi khó khăn, gian khổ, truyền thống Trường Sơn lại thôi thúc chúng tôi cố gắng để vượt qua. Điều đáng tự hào là từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là trong mấy năm gần đây, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ cả kinh tế và quốc phòng. Lực lượng thi công của Binh đoàn đã có mặt trên nhiều công trình trọng điểm quốc gia và quốc tế. Binh đoàn đã tham gia xây dựng 3 nhà máy thủy điện lớn nhất nước là: Hòa Bình, Sơn La và Lai Châu; tham gia xây dựng một nhà máy thủy điện ở Tây Nguyên, trong đó làm tổng thầu xây dựng thủy điện Sê-rê-pốc 3 (Đắc Lắc); tham gia xây dựng đường dây 500kV Bắc-Nam. Các công trình giao thông lớn của đất nước như: Quốc lộ 1, Quốc lộ 5, Quốc lộ 6, Quốc lộ 18, Đường Hồ Chí Minh, đường Bắc Thăng Long-Nội Bài; cầu và đường dẫn hầm đường bộ Hải Vân, cầu Bãi Cháy; đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Hà Nội-Thái Nguyên, TP Hồ Chí Minh-Trung Lương, TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây; đường tuần tra biên giới, đường trục Nam-Bắc đảo Phú Quốc... Binh đoàn 12 đều có mặt. Binh đoàn còn tham gia xây dựng các sân bay như: Buôn Ma Thuột, Vinh, Điện Biên, Chu Lai, Xa-vẳn-na-khệt (Lào)… Trên mặt trận xây dựng kinh tế, đã có nhiều tập thể, cá nhân thuộc Binh đoàn được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Trong mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của đơn vị luôn duy trì ở mức từ 10 đến 15 %/năm.

PV: Vừa là một đơn vị quân đội đồng thời là một doanh nghiệp, như vậy, đơn vị vừa làm nhiệm vụ kinh tế, vừa làm nhiệm vụ quốc phòng. Hai nhiệm vụ này có gì mâu thuẫn với nhau và ảnh hưởng đến đơn vị, thưa đồng chí ?

Thiếu tướng Đỗ Giang Nam: Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Sự phát triển và tăng trưởng kinh tế sẽ tăng năng lực về thiết bị, con người, góp phần giữ gìn và tăng cường tiềm lực quốc phòng. Các thiết bị của chúng tôi có thể chuyển ngay sang làm nhiệm vụ mở đường, vận tải quân sự, phục vụ chiến đấu. Trong thời bình, các thiết bị này lại phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Tổ chức quân đội làm kinh tế là kế thừa kế sách “Ngụ binh ư nông” trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Đơn vị cơ sở của chúng tôi vừa tổ chức theo mô hình một doanh nghiệp, vừa theo mô hình một đơn vị quân đội theo hướng tinh gọn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng kinh tế, do đó đã phát huy những ưu điểm nổi trội mà các doanh nghiệp ngoài quân đội không có được. Ví dụ như chúng tôi có hệ thống tổ chức chỉ huy rất chặt chẽ, kỷ luật nghiêm, lực lượng lao động trẻ, khỏe, đội ngũ cán bộ có bản lĩnh vững vàng… Khi chuyển trạng thái, tổng công ty lại trở thành một lực lượng công binh mạnh để mở đường, bảo đảm giao thông quân sự vận tải, phục vụ chiến đấu. Trong đội hình của Binh đoàn 12 hiện nay có các công ty đồng thời cũng là những lữ đoàn dự bị động viên. Các lữ đoàn này hằng năm đều tổ chức luyện khung dự bị động viên, sẵn sàng tham gia làm nhiệm vụ quốc phòng khi cần thiết. Trong năm 2013 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức diễn tập chỉ huy-tham mưu một bên hai cấp trên bản đồ, có một phần thực binh, được các cơ quan Bộ Quốc phòng đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PV: Vậy, với tư cách là một doanh nghiệp quân đội, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có gì được ưu ái hơn các doanh nghiệp khác?

Thiếu tướng Đỗ Giang Nam: Chúng tôi thực hiện hạch toán tự trang trải, không được ưu ái gì so với các doanh nghiệp ngoài quân đội. Lương của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ trong Binh đoàn cũng như các chế độ, tiêu chuẩn bảo đảm khác đều lấy từ hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Vay vốn ngân hàng cũng phải tính toán cân nhắc để phát huy hiệu quả vốn vay, rồi làm nghĩa vụ thuế, đấu thầu cũng rất rành mạch, cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp khác. Không có năng lực, không có uy tín thì không thể thắng thầu.

PV: Kế tục truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng, vinh dự rất lớn nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề, trong đó có việc giải quyết các chế độ chính sách đối với những người đã từng công tác, chiến đấu trên tuyến đường lịch sử. Binh đoàn 12 đã thực hiện nhiệm vụ này như thế nào ?

Thiếu tướng Đỗ Giang Nam: Với truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, bằng tình cảm và trách nhiệm của thế hệ đi sau, chúng tôi luôn xác định phải có trách nhiệm với thế hệ đi trước và phải bằng những việc làm và hành động cụ thể. Chúng tôi luôn trân trọng và biết ơn các thế hệ cha anh, luôn ủng hộ cả về vật chất và tinh thần đối với các hoạt động nghĩa tình của cựu chiến binh Trường Sơn; luôn tận tình, chu đáo và có trách nhiệm cao trong việc giải quyết các tồn đọng về chính sách như: Thương binh, tìm mộ liệt sĩ, xác nhận thời gian công tác, địa bàn hoạt động vùng nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, xác nhận khen thưởng; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đồng đội…

PV: Đề nghị đồng chí cho biết “những trang viết tiếp truyền thống Trường Sơn” sắp tới của đơn vị?

Thiếu tướng Đỗ Giang Nam: Phát huy truyền thống Bộ đội Trường Sơn Anh hùng, Binh đoàn 12-Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn tiếp tục phấn đấu và khẳng định là một doanh nghiệp mạnh của Bộ Quốc phòng, không ngừng nâng cao khả năng cạnh tranh trong cơ chế thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; đẩy mạnh sắp xếp, tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp theo quy định của Bộ Quốc phòng; tập trung xây dựng nguồn lực con người, đổi mới thiết bị, công nghệ tiên tiến; đầu tư thích đáng cho chiến lược thị trường tìm việc làm; tăng cường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước; có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới cơ chế quản lý, điều hành sản xuất, nâng cao chất lượng hạch toán; tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ Binh đoàn Công binh cầu đường dự bị chiến lược của Bộ Quốc phòng, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng giao trong mọi tình huống.

PV: Cảm ơn đồng chí Tư lệnh!

ĐỖ PHÚ THỌ (thực hiện)