Bước chuyển mình đáng giá

Theo đó, Việt Nam tăng 2,9 điểm và tăng 15 bậc so với thứ hạng năm 2020. Nếu xét trong nhóm 40 nền kinh tế ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương về chỉ số này, Việt Nam cũng đứng thứ 17 với tổng điểm cao hơn mức trung bình của khu vực và thế giới.

Chỉ số tự do kinh tế do Heritage Foundation đo lường dựa trên 12 yếu tố định lượng và định tính của một nền kinh tế và được xếp thành 4 trụ cột của tự do kinh tế. Bốn trụ cột này bao gồm Nhà nước pháp quyền (quyền tài sản, tính liêm chính của chính phủ, hiệu lực tư pháp); quy mô chính phủ (chi tiêu chính phủ, gánh nặng thuế, sức khỏe tài chính); hiệu quả quản lý (tự do kinh doanh, tự do lao động, tự do tiền tệ); thị trường mở (tự do thương mại, tự do đầu tư, tự do tài chính).

Mỗi quyền tự do kinh tế trong số 12 quyền thành phần nêu trên được chấm theo thang điểm từ 0 đến 100. Điểm tổng của một nền kinh tế tại một quốc gia được tính bằng mức trung bình của 12 quyền tự do kinh tế kể trên. Theo Quỹ Di sản, thứ bậc xếp hạng của Việt Nam còn có thể tăng hơn nữa nếu chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa các quy tắc đầu tư và lĩnh vực tài chính.

Việt Nam xếp thứ 90/178 nền kinh tế về xếp hạng Chỉ số tự do kinh tế năm 2021 của Quỹ Di sản. Nguồn: heritage.org 

Quỹ Di sản (The Heritage Foundation) được thành lập vào năm 1973 bởi Paul Weyrich, Edwin Feulner và Joseph Coors tại Hoa Kỳ. Tuyên ngôn của Quỹ là “hình thành và đẩy mạnh các chính sách công cộng theo quan điểm bảo thủ, dựa trên các nguyên tắc kinh doanh tự do, Nhà nước có quyền hạn chế, tự do cá nhân, các giá trị truyền thống và nền quốc phòng hùng mạnh”. Tổng thống Ronald Reagan từng ca ngợi Quỹ Di sản đóng “vai trò sống còn” cho sự thành công trong nhiệm kỳ của mình. Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan và George H. W. Bush, Quỹ ngày càng được mở rộng và dần trở thành một “bộ não” cho chính sách đối ngoại của nước Mỹ.

Kể từ đó đến nay, Quỹ Di sản đã trở thành một tổ chức uy tín hàng đầu trên thế giới về nghiên cứu chiến lược độc lập và có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình hoạch định, thực thi chính sách của Hoa Kỳ và nhiều vấn đề quốc tế.

Chỉ số tự do kinh tế đo lường chính sách tự do kinh doanh ở các nền kinh tế trên thế giới. Chỉ số này đánh giá 10 yếu tố cơ bản của mỗi nền kinh tế, được nhật báo The Wall Street Journal và Quỹ Di sản công bố thường niên.

Nỗ lực cộng hưởng và thành tích ấn tượng

Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế dương giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng trên khắp thế giới, với GDP cả nước tăng 2,91%. Đặc biệt, Việt Nam đã ký 15 Hiệp định FTA (năm 2020 Việt Nam đã phê chuẩn và triển khai có hiệu quả EVFTA; tham gia ký Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và ký FTA Việt Nam - Anh), đang đàm phán hai FTA; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực; có 71 nước đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường…

Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo ra một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo với chỉ số HDI năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước tức nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Cũng trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, có 5 tỷ phú USD đến từ Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chứng tỏ bản lĩnh với nhiều đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ bằng những dự án đầy triển vọng, xứng tầm quốc tế.

Bên trong một nhà máy của Công ty VinSmart thuộc Tập đoàn Vingroup của Việt Nam. Ảnh: Bloomberg  

Quốc gia này cũng xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 67/141 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 10 bậc so với năm 2018.

Năm 2020 cũng là năm chứng kiến sự thành công của gạo Việt Nam khi sản phẩm Gạo ST25 được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới. Việt Nam được coi là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và phục hồi kinh tế nhanh hình chữ V, với mức tăng trưởng dự báo từ hơn 6% tới 11,2% trong năm 2021.

Theo Brand Finance (Anh), hãng chuyên định giá thương hiệu quốc tế, trong năm 2020, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 319 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2019, mức tăng nhanh nhất thế giới. Nhờ đó, giá trị thương hiệu Việt Nam đã tăng 9 bậc so với cùng kỳ và đạt thứ hạng 33 trên thế giới. Kết quả ấn tượng này nhờ vào việc phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Việt Nam cũng nổi lên trở thành điểm thu hút đầu tư hàng đầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Đông Nam Á, nhất là các tập đoàn Hoa Kỳ khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung vẫn chưa hạ nhiệt.

Cũng theo kết quả đánh giá chỉ số quyền lực châu Á (Asia Power Index) năm 2020 của Viện Lowy công bố ngày 19-10-2020, Việt Nam tiếp tục tăng một bậc, từ 13 lên 12 trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ, vượt lên trên cả New Zealand. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có sự tăng thứ hạng mạnh nhất với 1,3 điểm. Bên cạnh đó các chỉ số về cạnh tranh kinh tế và mạng lưới quốc phòng của Việt Nam cũng đều gia tăng.

Giống như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Những thành quả đó không phải là ngẫu nhiên, mà là sự phấn đấu, quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ, cũng như toàn thể cộng đồng doanh nghiệp, cùng nhân dân cả nước.

LÊ ANH