Viêm phế quản, viêm phổi là bệnh viêm cấp tính các phế quản nhỏ, phế nang và tổ chức quanh phế nang. Thường viêm rải rác cả hai phổi nên bệnh rất nặng và gây suy hô hấp dễ dẫn đến tử vong. Bệnh thường xuất hiện nhiều vào mùa đông xuân, khi thời tiết thay đổi, lạnh, độ ẩm cao.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính chiếm 50% toàn thể các bệnh ở trẻ em dưới 5 tuổi và 30% ở trẻ từ 5 đến 12 tuổi. Tỉ lệ tử vong 75% trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Tổng số tử vong/năm ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới do mọi nguyên nhân là 13 triệu, trong số này viêm phổi chiếm 30% (4,3 triệu). Còn ở nước ta, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, một trẻ em có thể mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính từ 3 đến 5 lần/năm.
 |
Cho trẻ em uống vi-ta-min A theo chế độ chăm sóc sức khỏe trẻ em đến 6 tháng tuổi tại phòng khám đa khoa khu vực thị trấn Bình Dương phía bắc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Ảnh: Trang Xuân Chi |
Nguyên nhân của căn bệnh này là do vi khuẩn Hemophilus Influenzae, tụ cầu, liên cầu, kí sinh trùng, nấm, vi-rút cúm. Yếu tố thuận lợi để bệnh bùng phát là khí hậu lạnh, thời tiết thay đổi vào các tháng đông - xuân. Viêm phế quản, viêm phổi còn gặp ở người già yếu, người bị suy giảm miễn dịch. Bên cạnh đó, nguyên nhân gây bệnh còn phải kể đến vấn đề ô nhiễm môi trường, nhà cửa ẩm thấp, khói thuốc lá, cơ địa dị ứng hoặc trẻ đang mắc các bệnh sởi, cúm, ho gà.
Khi bị viêm phế quản, viêm phổi, người bệnh thường có những biểu hiện sau: Giai đoạn sớm, có thể chỉ có sốt nhẹ, ho húng hắng, chảy nước mắt, mũi, khò khè, ăn kém, bỏ bú, quấy khóc... Giai đoạn sau, nếu không được điều trị đúng và theo dõi sát thì sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ sốt cao, ho tăng lên, có đờm, xuất hiện khó thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, bỏ bú hoặc bú kém, tím môi, tím đầu chi... Ngoài ra có thể bị tiêu chảy, nôn, đau bụng, phổi có nhiều ran ẩm nhỏ hạt. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ gây thiếu ôxy cung cấp cho não, trẻ sẽ li bì hoặc kích thích, co giật... Thông thường, trẻ thường sốt cao từ 38 đến 39o . Cần chú ý, ở những người cao tuổi và trẻ bị suy dinh dưỡng có khi không có biểu hiện sốt.
Bệnh viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi thường có biểu hiện: mệt mỏi, quấy khóc, môi khô, bú ít hoặc bỏ bú. Lúc đầu ho khan, sau ra nhiều đờm rãi, trẻ em không biết khạc đờm thường nuốt. Khó thở ậm ạch, thở nhanh và nông hơn 50 lần/phút; cánh mũi phập phồng, lồng ngực co rút, môi và đầu chi tím tái, khi bệnh nặng thì có thể rối loạn nhịp thở. Khi kiểm tra thì nghe phổi có ran ẩm, ran rít, ran ngáy rải rác ở một hoặc hai bên phổi. Chụp Xquang thì thấy hai phổi có nốt mờ rải rác và xét nghiệm máu, bạch cầu đa nhân trung tính tăng cao.
Ðể phòng, tránh căn bệnh này, các bác sĩ đưa ra lời khuyên: Nơi ở phải đầy đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt, ấm áp về mùa đông, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, súc miệng hằng ngày với trẻ lớn. Tuyệt đối không hút thuốc, đun nấu trong phòng có trẻ nhỏ. Ngay từ khi mang thai, các bà mẹ cần đi khám thai đầy đủ, bảo đảm thai nhi phát triển tốt. Chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng như prô-tít, li-pít, các loại vi-ta-min, muối khoáng... Nên cho trẻ bú mẹ từ ngay sau khi sinh đến 2 tuổi, có như vậy trẻ mới phát triển toàn diện và đủ khả năng chống lại các loại bệnh tật. Bên cạnh đó, cần cho trẻ tiêm chủng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra còn có một số loại vắc-xin phòng viêm đường hô hấp khác, nhưng khi tiêm cần có sự hướng dẫn và tư vấn của cán bộ y tế. Lập sổ theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kì và lưu giữ sổ sau mỗi lần khám nhằm giúp nhân viên y tế nắm được diễn biến sức khỏe, bệnh tật của trẻ mà có hướng điều trị, phòng bệnh hiệu quả.
Viêm phổi do vi-rút có thể gây thành dịch nguy hiểm, như tình trạng viêm phổi cấp tính nặng (SARS), vi-rút cúm... ở trẻ càng nhỏ thì diễn biến bệnh càng nhanh, càng nặng. Do vậy, khi phát hiện con, em mình bị bệnh, các bậc phụ huynh cần phải tiến hành hạ sốt cho trẻ, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và có hướng điều trị thích hợp, tránh lây lan cho người khác. Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, cách li trẻ với người bị bệnh để tránh lây lan thành dịch.
Bác sĩ CÔNG THẢO