 |
Nhiều loại bánh dân gian Nam Bộ được các nghệ nhân giới thiệu tại lễ hội. |
Từng bước xây dựng thương hiệu
Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ là lễ hội thường niên, do UBND TP Cần Thơ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức. Xét về quy mô và cả nội dung, hình thức hoạt động, có thể nói càng về sau, lễ hội càng được quan tâm đầu tư có chiều sâu hơn.
Năm nay, Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ VIII với chủ đề “Hương sắc phương Nam” đã khai mạc ngày 12-4. Về quy mô, lễ hội có hơn 220 gian hàng trưng bày, giới thiệu các loại bánh dân gian và ẩm thực dân gian. Tham dự lễ hội có nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và nghệ nhân đến từ 19 tỉnh, thành phố trong cả nước và các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Italy, Pháp, Thái Lan, Malaysia, Singapore.
Nhiều năm liền được mời tham gia ban giám khảo các hội thi trong lễ hội bánh dân gian, đạo diễn, nhà nghiên cứu văn hóa Nam Bộ Nhâm Hùng cho biết: "Qua mỗi mùa lễ hội, nhiều loại bánh tưởng chừng bị quên lãng, thất truyền trong đời sống đồng bào các dân tộc (Kinh, Hoa, Khmer, Chăm) đã trở lại, như: Bánh lá, bánh nắn, bánh bầu, bánh dứa, bánh cà tum, bánh manparang… Trong nhiều loại bánh, chúng tôi nhận thấy còn có sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, thông qua cách chế biến, thưởng thức. Nhờ sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, phần lớn các loại bánh dân gian đều sử dụng nguyên phụ liệu tại chỗ, dễ tìm, dễ pha trộn và dễ chế biến, sáng tạo. Ước tính trong dân gian Nam Bộ có đến hơn 150 chủng loại bánh mang giá trị gốc và gần 400 loại bánh được biến tấu, làm mới theo từng giai đoạn".
Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và tôn vinh những giá trị truyền thống cùng nét đẹp trong văn hóa ẩm thực đối với bánh dân gian, TP Cần Thơ đã và sẽ tiếp tục duy trì lễ hội nhằm phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ và từng bước xây dựng bánh dân gian Nam Bộ thành thương hiệu quốc gia.
 |
Bánh dân gian Nam Bộ vẫn thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. |
Nhiều “điểm nghẽn” trong tìm kiếm thị trường
Qua các kỳ lễ hội bánh dân gian tại TP Cần Thơ, điều dễ nhận thấy là sản phẩm bánh tuy trông đơn giản nhưng các nghệ nhân đã vận dụng tốt những kỹ thuật truyền thống; biết chăm chút, sáng tạo tìm kiếm chất liệu và phương pháp chế biến giúp sản phẩm vừa đẹp mắt, vừa ngon, phù hợp với khẩu vị nhiều người. Thế nhưng, sản phẩm bánh dân gian vẫn chưa tìm được thị trường tiêu thụ rộng lớn, nghệ nhân làm bánh không sống được với nghề.
Trong buổi hội thảo tại Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ lần thứ VIII, ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Nhóm Thời báo Kinh tế Sài Gòn cho rằng: Sản phẩm bánh dân gian của vùng đất Nam Bộ vẫn còn đó và đang được hàng triệu người ưa thích. Tuy nhiên, do đặc điểm nhiều loại bánh dân gian liên quan tới nguyên liệu tươi, chế biến thủ công, không sử dụng chất bảo quản, bao bì tạm… nên việc tiêu thụ các sản phẩm độc đáo này phần lớn chỉ thu hẹp ở thị trường nhỏ lẻ, ngắn ngày, kiểu “trong nhà, ngoài chợ” mà chưa vào được nhiều trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Kim Cương, Phó giám đốc Co.opmart Cần Thơ: Với những đặc điểm riêng vốn có, bánh dân gian luôn thu hút khách hàng, đặc biệt là khách du lịch trong và ngoài nước nhưng phải với quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nguyên vật liệu truy xuất được nguồn gốc rõ ràng.
Ông Đoàn Hữu Đức, Phó chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Việt Nam (Vietnam Consulting Group-VCG) nhận định: Trở lực dễ nhận biết nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Các vấn đề từ truy xuất nguồn gốc đến giấy chứng nhận kiểm định chất lượng, giấy phép kinh doanh hay mã số thuế… đều là những thách thức lớn cho các nghệ nhân địa phương từ các làng nghề, các hộ kinh doanh cá thể.
Như vậy có thể thấy, sản phẩm bánh dân gian đang gặp rất nhiều “điểm nghẽn” trong tìm kiếm thị trường. Con đường để các sản phẩm bánh dân gian Nam Bộ đến với thị trường tiêu thụ rộng lớn còn gặp nhiều khó khăn. Điều đáng mừng là qua các kỳ lễ hội, ban tổ chức vẫn luôn kỳ vọng, mong muốn sản phẩm bánh dân gian Nam Bộ ngày càng được phát triển rộng khắp, được bảo tồn các giá trị gốc, được sáng tạo, phát huy và vươn ra ngoài phạm vi địa lý mà nó hình thành.
HỒNG ĐĂNG