Tổ chức công đoàn có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhân ngày Quốc tế lao động 1-5, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của một số bạn đọc gửi về tòa soạn.
 |
Tổ chức công đoàn có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ảnh: Internet
|
Có nhận thức đúng về tổ chức công đoàn: Hiện nay, có một thực tế đang tồn tại là nhận thức và hiểu biết của nhiều người về tổ chức cũng như hoạt động của công đoàn còn có những lỗ hổng, ảnh hưởng đến hiệu quả, tác dụng của tổ chức này. Không chỉ người lao động, chủ sử dụng lao động mà ngay cả các cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm vẫn còn biểu hiện xem nhẹ, chưa đánh giá hết vai trò, vị trí của hoạt động công đoàn, dẫn đến việc quan tâm, đầu tư cho công tác công đoàn chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đây là vấn đề nan giải mà chúng ta phải tìm cách tháo gỡ kịp thời. Chúng tôi nghĩ, để cho người lao động hiểu rõ về tổ chức công đoàn thì cần có các biện pháp tích cực, đồng bộ, trong đó phải tăng cường việc tuyên truyền, phổ biến các quy định, các kiến thức liên quan đến công đoàn; đồng thời tạo thuận lợi cho các tổ chức công đoàn và đoàn viên công đoàn hoạt động thường xuyên trong thực tế lao động hằng ngày. Chỉ trên cơ sở hiểu biết thì người lao động, chủ sử dụng lao động và những cá nhân, tập thể có liên quan mới có thể tham gia hiệu quả nhất vào việc xây dựng, phát triển tổ chức công đoàn.
NGUYỄN NGỌC
(Tổng liên đoàn lao động Việt Nam)
Phát triển thêm nhiều đoàn viên: Để công đoàn hoạt động có hiệu quả cao nhất thì yêu cầu đặt ra là phải bảo đảm phát triển công đoàn cả về số lượng cũng như chất lượng tổ chức công đoàn và lực lượng đoàn viên công đoàn. Hiện nay, nhiều ngành, địa phương đã và đang đẩy mạnh việc củng cố, phát triển các tổ chức công đoàn, tăng nhanh số lượng đoàn viên công đoàn ở cơ sở. Chủ trương phát triển 1 triệu đoàn viên trong giai đoạn 2003-2008 của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã và đang được các ngành, các địa phương triển khai tích cực. Thời gian qua, Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam thành lập mới 432 công đoàn cơ sở, phát triển 16.654 đoàn viên công đoàn, đưa các hoạt động của công đoàn và đoàn viên vừa có chiều rộng, vừa đi vào chiều sâu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi thấy trên địa bàn cả nước việc phát triển công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế, chưa bảo đảm cả về số lượng và chất lượng, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng nhiều hơn. Không thể vì bất cứ lý do gì mà để người lao động lại không được sinh hoạt trong tổ chức công đoàn khi mà bản thân họ mong muốn và luật pháp cho phép.
TRẦN THỊ DUNG
(Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam)
200 công trình lao động sáng tạo: Tổ chức công đoàn là môi trường tốt để đoàn viên và người lao động thể hiện năng lực, trách nhiệm của mình. Công đoàn bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động cũng như động viên, khuyến khích người lao động thực hiện chu đáo nghĩa vụ, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của mình theo những quy định của pháp luật, yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các tổ chức công đoàn cần thông qua các hoạt động cụ thể để phát động tinh thần lao động sáng tạo của người lao động. Năm 2007, công nhân – viên chức lao động tỉnh An Giang đã tham gia thực hiện gần 200 công trình sản phẩm, hưởng ứng phong trào thi đua lao động sáng tạo do các cấp công đoàn trong tỉnh phát động.
LÊ VĂN SINH
(Sở Xây dựng tỉnh An Giang)
Hỗ trợ kịp thời lao động khó khăn: Chúng tôi thấy trên báo Quân đội nhân dân thường xuyên đưa tin về các hoạt động trợ giúp các đối tượng là công nhân nghèo, người lao động gặp khó khăn, hoạn nạn. Thông tin kịp thời trên báo là nguồn động viên cổ vũ để phong trào trợ giúp lao động nghèo khó tiếp tục được triển khai tích cực. Vừa qua, nhiều công đoàn ngành thực hiện chu đáo công tác hỗ trợ, từ thiện, như Quỹ hỗ trợ xã hội của Công đoàn Dệt-May Việt Nam đã trợ giúp gần 1.000 lao động nghèo với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Khó khăn của người lao động nghèo còn nhiều, khi hỗ trợ chúng ta cần nghiên cứu, có biện pháp thích hợp, hiệu quả nhất đối với từng đối tượng cụ thể. Ví dụ, đối với các gia đình công nhân nghèo đang thiếu nhà ở thì cần tạo thuận lợi cho họ có chỗ ở với phương châm Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động cùng lo như một số nơi đã làm. Hiện nay, chủ trương phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp đã và đang được triển khai ở nhiều nơi, tạo ra thuận lợi cho người lao động nghèo chưa có nhà ở hay nhà ở quá chật, xuống cấp nghiêm trọng. Theo chúng tôi, cơ bản và quan trọng vẫn là tạo cơ hội về nghề nghiệp, việc làm để người lao động có thể tự mình lo toan cho cuộc sống một cách chắc chắn, lâu dài.
TẠ MINH ĐÔNG
(Tổ 13, khu tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội)