QĐND - Bạn đọc Lê Minh Văn ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, những quy định của pháp luật về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức khoa học và công nghệ (KHCN) được quy định như thế nào?

 Ảnh minh hoạ: laodong.com.vn.

Trả lời: Tại Điều 12 “Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức KHCN” của Luật KHCN năm 2013, quy định rất cụ thể về vấn đề bạn hỏi. Cụ thể là:

1- Thẩm quyền thành lập tổ chức KHCN được quy định như sau:

       a) Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập tổ chức KHCN thuộc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

        b) Chính phủ thành lập tổ chức KHCN thuộc Chính phủ;

        c) Tòa án nhân dân tối cao thành lập tổ chức KHCN thuộc Tòa án nhân dân tối cao;

        d) Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thành lập tổ chức KHCN thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

       đ) Thủ tướng Chính phủ thành lập hoặc ủy quyền cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức KHCN thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

       e) Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thành lập tổ chức KHCN thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản này;

        g) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập tổ chức KHCN của địa phương theo thẩm quyền;

        h) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp thành lập tổ chức KHCN theo quy định của pháp luật và điều lệ;

         i) Doanh nghiệp, tổ chức khác, cá nhân thành lập tổ chức KHCN của mình.

2 - Cơ quan, tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức KHCN có quyền quyết định việc sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức KHCN; quy định chức năng, nhiệm vụ của tổ chức KHCN do mình thành lập phù hợp với quy định của pháp luật.

3 - Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức KHCN.

QĐND