QĐND - Cùng với đặc sản bưởi, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) còn được nhiều người biết đến với sản phẩm mành cọ. Vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, mành cọ Đoan Hùng được xuất khẩu sang nhiều nước. Nghề dệt mành cọ đã từng được coi là nghề làm giàu ở đất Đoan Hùng. Vậy mà giờ đây, nghề này đang bị mai một...

Phú Thọ là xứ sở của cây cọ. Hình ảnh loại cây quen thuộc này cũng đã đi cả vào thơ ca, nhạc họa. “Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát”. Quả thật thế! Khi đặt chân đến quê hương đất Tổ, đi qua các huyện Phù Ninh, Thanh Ba, Đoan Hùng, Tân Sơn, Thanh Sơn, Hạ Hòa, Cẩm Khê…, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh của cây cọ. Rảo bước dưới những tán cọ xanh mát, chúng ta cảm nhận được không khí trong lành, dễ chịu. Quả cọ chín xanh sẫm, om bằng nước sôi hoặc kho cá bùi, thơm, ngầy ngậy. Quả thì để ăn, lá non đan nón, lá già lợp nhà, làm chổi; thân cọ làm máng thoát nước; cành cọ đan chiếu mành…

Chẻ cành cọ để sản xuất chiếu mành cọ tại gia đình ông Nguyễn Văn Lịch, khu 13, xã Tiêu Sơn, Đoan Hùng (Phú Thọ).

 

Theo các bô lão ở xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng, nghề làm chiếu mành cọ ra đời cách đây đã hơn nửa thế kỷ do gia đình cụ Nguyễn Văn Luân, trú tại khu 13 xã Tiêu Sơn sáng tạo ra. Cụ Luân vốn quê gốc ở xã An Di, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình di cư lên Phú Thọ vào đầu những năm 50 của thế kỷ trước. Cụ nhận thấy người dân nơi đây chỉ biết dùng quả cọ làm thực phẩm, lá để đan nón hoặc lợp nhà, còn cành cọ chỉ dùng làm củi. Đầu tiên, cụ đã chẻ mảnh ra dùng đan phên, đan liếp, hay một số vật dụng sinh hoạt trong nhà. Vốn có nghề dệt chiếu ở quê, dần dần, cụ nhận thấy tác dụng của nó khi dùng phần cật của cành cọ để đan chiếu thay cho cây cói miền biển. Và thế là chiếc chiếu mành cọ ra đời.

Cụ Nguyễn Văn Luân đã phổ biến rộng rãi cho người dân, đồng thời nhân rộng sản xuất các loại chiếu mành cọ. Chất lượng sản phẩm mành cọ Đoan Hùng ngày càng bền, đẹp, ngày càng khẳng định thương hiệu và được bán rộng rãi. Những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, sản phẩm mành cọ của cụ Luân còn được huyện và tỉnh thu mua để xuất khẩu sang châu Âu. Mấy chục năm qua, nghề đan mành cọ đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho không ít nông dân trong lúc nhàn rỗi. Rất nhiều hộ dân trong xã Tiêu Sơn, huyện Đoan Hùng đã coi nghề đan mành cọ là nguồn thu nhập chính của gia đình, nhất là những hộ ven Quốc lộ 2. Nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị và thuê nhân công sản xuất mành cọ, đồng thời liên hệ với các đại lý để đổ hàng, nhiều khi cung không đủ cầu, việc làm không xuể. Kinh tế nhiều hộ gia đình cũng trở nên khấm khá nhờ nghề sản xuất và buôn bán chiếu mành cọ.

Cũng vào thời điểm đó, cấp ủy, chính quyền địa phương đã không ngừng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình phát triển nghề làm mành cọ, thậm chí còn tiến hành khảo sát, lập kế hoạch đề nghị UBND huyện Đoan Hùng và tỉnh Phú Thọ công nhận làng nghề đối với một số thôn phát triển mạnh việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng mành cọ. Tuy nhiên, do việc sản xuất loại chiếu này của người dân vẫn mang tính tự phát, các tiêu chí về lịch sử hình thành, thị trường bao tiêu sản phẩm còn nhỏ hẹp nên kế hoạch đề nghị công nhận làng nghề đan mành cọ chưa thành hiện thực.

Có một thực tế đáng lo ngại hiện nay là số hộ gắn bó với nghề truyền thống này của địa phương đang dần dần mai một. Hệ thống nhà xưởng, máy móc của nhiều gia đình đã phải… đắp chiếu, chỉ còn vài hộ vẫn “túc tắc” sản xuất nhằm cố gắng giữ lại nghề truyền thống. Đó là gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở khu 13, gia đình các ông Nguyễn Văn Lịch, Nguyễn Văn Vinh ở khu 10 xã Tiêu Sơn. Họ là các con của ông Tổ mành cọ Nguyễn Văn Luân.

Tìm hiểu về sự “thoái trào” của nghề mành cọ Đoan Hùng, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Tiêu Sơn cho biết: Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhiều người dân nơi đây không còn mặn mà với nghề đan mành cọ là do thiếu nguyên vật liệu. Cây cọ trước đây phủ kín những ngọn đồi và được trồng quanh vườn nhà thì nay đã bị đốn hạ gần hết để thay thế bằng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, dẫn tới giảm nguồn cung cấp cọ cành cho các cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, sự “lên ngôi” của mành trúc, chiếu tre đã làm thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng. Vì thế, “số phận” của nghề đan mành cọ Đoan Hùng đang rất mong manh…

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG