 |
Chọn mua sách giáo khoa ở Hà Nội |
QĐND Online - Bắt đầu từ năm học 2002-2003, Bộ giáo dục và đào tạo tiến hành triển khai đại trà chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) mới ở cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở trên phạm vi cả nước. Sau một số năm triển khai, có ý kiến khẳng định những yếu tố tích cực của CT, SGK đổi mới, nhưng cũng có ý kiến phê phán gay gắt về CT, SGK mới...
Quá tải và hàn lâm
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT), về cơ bản CT giáo dục các cấp học, môn học hiện nay đã đảm bảo được tính khoa học, hiện đại, cập nhật và tiếp cận được trình độ giáo dục ở các nước phát triển trong khu vực, đáp ứng xu thế phát triển của xã hội Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Không những vậy, nhiều ý kiến còn cho rằng, CT Trung học phổ thông (THPT), xét về nội dung còn tương đương với CT tú tài của các nước và đã cập nhật các kiến thức hiện đại.
Tuy nhiên Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận những nhược điểm của CT giáo dục hiện nay. CT một số môn học còn tương đối nặng, hàn lâm với phần đông học sinh như môn Ngữ văn, Sinh học, Vật lý, Nghề phổ thông cấp Trung học... Yêu cầu của CT học có biểu hiện quá tải, nhất là ở giai đoạn đầu của quá trình thực hiện với đại bộ phận học sinh có lực học yếu kém, thuộc dân tộc thiểu số và học sinh ở vùng có điều kiện khó khăn. Sự chênh lệch về nội dung kiến thức và mức độ yêu cầu giữa CT và chuẩn CT nâng cao cấp THPT có quy định là 20% nhưng trên thực tế chưa thể hiện rõ ràng. Còn một số nội dung CT, một số môn học chưa thực sự cơ bản làm cho khối lượng kiến thức gia tăng quá mức. Một số chủ đề ở CT một số môn học cấp THPT còn chưa thể hiện đầy đủ mức độ hiện đại, cập nhật cần thiết trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Chẳng hạn trong môn Vật lý nhấn mạnh quá mức Vật lý học cổ điển; môn Sinh học chưa thể hiện được khoa học của sự sống; môn lịch sử thì quá nhấn mạnh đến lịch sử quân sự, lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và đấu tranh cách mạng có phần xem nhẹ lịch sử kinh tế - văn hoá - xã hội...Có hiện tượng trùng lặp nội dung ở CT một số môn học như: Đạo đức và Tiếng Việt; Sinh học và Công nghệ; Hoạt động giáo dục ngoài giờ và Giáo dục công dân; hoạt động hướng nghiệp và nghề phổ thông. Nội dung của một số môn học có quan hệ mật thiết với nhau chưa thực sự hỗ trợ cho nhau như môn Vật lý phải sử dụng những kiến thức mà tại thời điểm đó môn toán học sinh chưa được học. Ở một vài chủ đề, thuộc một số môn học chưa thực sự cân đối, nặng về lý thuyết, ít nội dung thực hành, luyện tập kỹ năng. CT còn quy định cứng, không có độ mở cần thiết để giáo viên có thể vận dụng linh hoạt phù hợp với việc giảng dạy ở các vùng miền có trình độ kinh tế - xã hội và trình độ phát triển giáo dục khác nhau.
Còn với sách giáo khoa cũng có không ít những bất cập. Yêu cầu tích hợp giữa các môn học chưa được thực hiện tốt trong SGK cùng một lớp học, cấp học, tính liên môn trong SGK chưa thể hiện rõ. Một số SGK còn chừa chỗ trống để học sinh điền câu trả lời ngay lên đó gây nên khó khăn cho việc quay vòng sử dụng SGK nhiều lần.
Áp lực thi cử lớn
Theo GS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), CT và SGK thực chất không nặng, nhưng do áp lực thi cử và việc bố trí các tiết học không hợp lý nên học sinh bị quá tải. Nếu giáo viên cứ dạy đúng như SGK thì học sinh học không có gì là nặng. Nhưng phụ huynh học sinh lo con em mình thi trượt Đại học, thi không đỗ cấp ba... nên bắt con đi học thêm, thầy cô luyện thêm cho các em nhiều bài tập nên áp lực học mới nặng nề. Thêm nữa CT quy định mỗi tuần chỉ có ba tiết toán, nhưng ở trường Lương Thế Vinh phải dạy thành sáu tiết học sinh mới tiếp thu hết được. Như vậy quy định số tiết quá ít dành cho một môn học cũng làm cho học sinh bị quá tải.
Thêm một nguyên nhân khiến cho việc học trở nên nặng nề là áp lực thi cử. Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng trường hợp một em học sinh lớp 12 phải thức đến 2 giờ sáng để học thuộc lòng một bài văn mẫu. Nếu ra đề mà cứ buộc học sinh học thuộc nhiều thì chắc chắn sẽ làm học sinh rất nặng nề, vất vả. Cứ duy trì phương pháp hỏi như thế thì CT thay đổi kiểu gì cũng vẫn quá tải.
Ông Đào Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK Vật lý cũng chỉ ra có những điểm bất cập trong ra đề thi, cách làm đáp án đã làm tăng thêm gánh nặng học hành của học sinh. Ví như, có những thầy cô chép y nguyên một đoạn trong SGK ra làm đáp án, học sinh đi thi phải học thuộc mới được điểm cao.
Kiên quyết sửa chữa sai sót
Để khắc phục những yếu kém, bất cập nêu trên, phương hướng hiện nay là phải rà soát lại một cách cẩn thận để phát hiện thêm những sai sót và kiên quyết sửa chữa những sai sót đã phát hiện để kịp thời sửa chữa trong năm học 2008-2009. Điều chỉnh ngay kế hoạch giáo dục các cấp các vùng miền.
Đặc biệt, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nghiên cứu xây dựng kế hoạch giáo dục riêng theo hướng tăng thời lượng để các em tiếp thu tốt hơn kiến thức các môn học. Tổ chức nghiên cứu thấu đáo chuẩn bị cho việc xây dựng CT giáo dục chuẩn quốc gia mới, trong khoảng 10 năm nữa sẽ áp dụng trên toàn quốc. Tổ chức biên soạn một số bộ SGK dựa trên CT quốc gia và tích hợp được nhiều bộ môn. Các bộ SGK này sẽ do Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định và trao quyền lựa chọn giảng dạy cho các địa phương để phù hợp với từng vùng miền.
Tuy nhiên, về việc biên soạn bộ SGK mới, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân băn khoăn đặt câu hỏi có nên xem xét khởi động viết một bộ SGK mới trên nền CT chuẩn trong lúc vẫn tiếp tục sử dụng bộ SGK cũ hay không? Nếu ngay từ bây giờ các cá nhân đăng ký viết SGK, Bộ sẽ xem xét thẩm định các bộ SGK đó. Nếu làm tốt thì từ 2010 chúng ta có thể có một bộ SGK mới.
PGS Lê Bá Trọng, Liên hiệp các hội KH-KT Việt Nam:
Quy trình xây dựng ngược
Quy trình xây dựng CT giảng dạy và SGK là ngược. Chính lẽ phải có CT trước, rồi mới viết SGK. Nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại tổ chức viết SGK, rồi CT được xây dựng sao cho phù hợp với SGK. Vì vậy cần xây dựng lại hệ thống giáo dục phổ thông, xác định đúng đắn mối quan hệ giữa yêu cầu bảo đảm trình độ học vấn phổ thông và và chuẩn bị cho học sinh vào các trường đại học.
Phó chủ tịch Hội cựu giáo chức Việt Nam GS. TS Nguyễn Mậu Bành:
Chương trình học cao siêu không phù hợp với lứa tuổi
Tổng cộng số trang SGK mà học sinh lớp 1 phải đọc là 1.500 trang, trong khi đó sinh viên đại học năm thứ nhất cũng không nhiều như vậy. CT bậc tiểu học còn thiếu sự phù hợp với tâm lý học sinh, do đó không có sức hút đối với lứa tuổi ở bậc học này. Ở bậc THPT kiến thức mà học sinh được học cũng không phù hợp với lứa tuổi, học sinh phải học nhiều CT cao siêu như triết học duy vật biện chứng. Học sinh lớp mười đã phải học nhiều bài thơ dài bằng chữ Hán, môn Toán thì học xác suất thống kê - phần kiến thức mà sinh viên Đại học tiếp cận cũng khó. Cần đưa các môn học về an toàn giao thông, tìm hiều về HIV/... vào giờ hoạt động ngoại khoá để giảm tải.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đồng Tháp Phan Thu Hà:
Chấn chỉnh tình hình biên soạn sách tham khảo tràn lan
Ban hành rộng rãi tài liệu chuẩn kiến thức CT giáo dục, xem đó là “thước đo” kiểm định chất lượng giáo dục chung. Hoàn thiện hệ thống cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục để có công cụ và lực lượng đủ mạnh đánh giá chất lượng giáo dục. Trên nền tảng đó mới xây dựng được CT giáo dục và SGK đáp ứng mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ nên chấn chỉnh tình hình biên soạn tràn lan sách.
Bài, ảnh: Phương Lan