Công an quận Lê Chân, TP Hải Phòng vừa phối hợp với cơ quan chức năng của Quân đội bắt giữ tên Nguyễn Hữu Chính về hành vi giả danh "đại tá Cục bảo vệ An ninh Quân đội". Vụ việc lại thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng các đối tượng lưu manh lợi dụng chức danh cán bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quân đội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Thủ đoạn của bọn chúng dù có ranh ma, xảo trá đến đâu nhưng với "tai mắt nhân dân", sự hiệp đồng chặt chẽ của các lực lượng chức năng, bộ mặt thật kẻ lừa đảo và những thủ đoạn của chúng cũng bị vạch trần.
"Đại tá” Nguyễn Hữu Chính là ai?
Nguyễn Hữu Chính (còn gọi là Hoàng Ngọc Tuân, Hoàng Mạnh Hùng) sinh năm 1970 tại An Hải; hộ khẩu thường trú tại 44/8 Thượng Lý, quận Hồng Bàng (Hải Phòng). Mặc dù đã có vợ và hai con, nhưng Chính đang tâm bỏ vợ, con ở quê để lao vào con đường sống buông thả, lang thang "cặp bồ" với một đối tượng nghiện hút ở khu vực cầu Niệm, TP Hải Phòng để rồi cuối cùng sa vào con đường phạm tội lừa đảo.
Sinh ra trong một gia đình nền nếp, bố và mẹ đều là cán bộ, công nhân Nhà nước (hiện đã nghỉ hưu), nhưng Chính không chịu học hành, tìm lấy một nghề lương thiện để kiếm sống, mà luôn ôm mộng làm giàu bằng những hành vi bất minh. Học hết lớp 6, Chính đã bỏ học đi làm phụ nề, rồi sau đó xin vào làm thuê cho một số công ty tư nhân. Sau nhiều năm làm nhiều nghề, năm 2007, Chính lao vào nghề thầu xây dựng. Nhưng thực chất, đó chỉ là cái vỏ bọc để che mắt bà con khu phố nơi mình sinh sống, còn ở những nơi khác, Chính hiện lên trong mắt mọi người với cái "mác": Sĩ quan quân đội.
Trượt dài trên con đường phạm tội
Những năm gần đây, do nắm bắt được nhu cầu ngày càng nhiều người muốn xin vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước, nhất là các đơn vị lực lượng vũ trang, sẵn có mối quan hệ quen biết trong thời gian làm hợp đồng ở Xí nghiệp 296, Công ty 319 (Quân khu 3), nên Chính nảy sinh ý tưởng giả danh cán bộ quân đội để lừa đảo. Chính hiểu rằng, muốn nhanh chóng lừa bịp được những người thiếu hiểu biết thì phải gắn cho mình những "cái mác thật oách". Càng "oách" người ta càng tin, càng kính nể và càng dễ lòe thiên hạ. Do vậy năm 2002, Chính đã mua bộ quân phục, mang quân hàm sĩ quan, tự gắn cho mình các "mác" như: cán bộ Phòng Thiết kế xây dựng, Công ty 319; cán bộ Tổng Cục 2 (Bộ Quốc phòng)... Và mới đây, Chính còn tự xưng là cán bộ Đoàn an ninh 4, Cục Bảo vệ An ninh Quân đội để lừa đảo người dân, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng. Với những "nhãn mác” tự "dán" năm 2003, Chính ba hoa giới thiệu với một số người là Trung tá, cán bộ Đoàn An ninh 4, Cục Bảo vệ An ninh, có thể "chạy" việc vào cơ quan này, cơ quan khác. Nhưng tất cả những thủ đoạn của Chính không qua mắt được cơ quan chức năng. Ngày 29-7-2003, Chính đã bị Đoàn An ninh 4 phối hợp với Công an huyện An Lão (Hải Phòng) bắt quả tang khi đang đóng giả trung tá, cán bộ Đoàn An ninh 4 để lừa đảo. Xét thấy hành vi của Chính chưa nghiêm trọng, Công an Hải Phòng xử lý hành chính rồi trả tự do cho y.
Những tưởng rằng với những lời cảnh báo, răn đe từ phía cơ quan chức năng trong lần phạm tội này sẽ khiến Nguyễn Hữu Chính tỉnh ngộ. Nhưng "ngựa quen đường cũ", Chính tiếp tục giả danh thượng tá, rồi đại tá An ninh Quân đội để đi lừa đảo. Tháng 5-2007, khi biết một số gia đình ở khu phố 11, phường Hải Đằng và khu T2, phường Thành Tô, quận Hải An (Hải Phòng)… có nhu cầu tìm việc làm cho con, cháu, Chính đã mặc quân phục, mang quân hàm giả danh Đại tá Hoàng Tuân, cán bộ Đoàn An ninh 4, đi xe máy biển kiểm soát quân đội (TC-324) và hứa xin cho con em họ vào làm lái xe; làm công nhân trong xưởng may của quân đội; làm nhân viên Công ty Điện tử viễn thông Quân đội (Viettel). Nhưng sau khi nhận tiền của mỗi người từ 3 đến 20 triệu đồng, Chính đã lẩn trốn. Chờ mãi không thấy "Đại tá Hoàng Tuân" quay lại như đã hứa, biết bị lừa nên cuối năm 2007, những người dân trên đã gửi đơn tố cáo "Đại tá Hoàng Tuân" lên cơ quan điều tra Công an quận Lê Chân. Nhận được đơn thư tố cáo của nhân dân, Công an quận Lê Chân đã phối hợp cùng cơ quan chức năng của quân đội tiến hành điều tra, phát hiện, tại khu vực gần bến xe khách Niệm Nghĩa, phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân, Nguyễn Hữu Chính tiếp tục giả danh đại tá Quân đội, tự giới thiệu là người có quan hệ rộng rãi và đang "nhiệt tình" xin việc làm giúp cho một số người. Ngay lập tức, phương án phục kích bắt giữ đối tượng đã được triển khai. Hồi 15 giờ ngày 15-7-2008, khi tên Chính đang trên đường trở về nhà, đến ngã ba Trần Nguyên Hãn - Phạm Hữu Điều (Hải Phòng), thì bị các trinh sát bắt giữ. Khám xét nơi ở của Chính, lực lượng chức năng thu được 2 áo bộ đội, 1 quần bộ đội; 1 đôi giày sĩ quan, 1 xe máy biển kiểm soát quân đội (giả). Riêng quân hàm, phù hiệu Chính khai đã vứt xuống sông Cầu Rào.
Tại cơ quan Công an, Chính khai nhận, đã liên tiếp giả danh và tự phong quân hàm cho mình như: thiếu tá năm 2001; trung tá năm 2002; thượng tá năm 2006 và đại tá năm 2007. Thấy bà con khu phố kinh ngạc về sự “tiến bộ” của mình, Chính ba hoa giải thích: Đó là do có “thành tích đặc biệt”. Thực chất đó cũng là thủ đoạn để Chính “đánh bóng” mình, tạo thêm uy tín để lừa đảo. Chính khai nhận đã lừa đảo 9 người với số tiền 71 triệu đồng... Công an quận Lê Chân đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Nguyễn Hữu Chính để điều tra, truy tố trước pháp luật. Ai là nạn nhân của Nguyễn Hữu Chính hãy liên hệ với Công an quận Lê Chân để phối hợp điều tra, làm rõ.
Đôi điều cần bàn
Vụ việc đã khép lại, nhưng vẫn còn đó bao điều nhức nhối. Trước hết đây là bài học sâu sắc dành cho những người "nhẹ dạ cả tin" trước dáng vẻ bề ngoài hào nhoáng và những lời ba hoa, khoác lác "bốc giời" của kẻ lừa đảo. Đó cũng là lời cảnh tỉnh đối với những người quen hưởng thụ đã và đang có âm mưu lợi dụng chức danh cán bộ của các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quân đội nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân. Từ vụ việc cũng đặt ra vấn đề đối với các cơ quan chức năng, cần phải siết chặt hơn nữa việc quản lý quân trang, tránh để tình trạng những đối tượng lưu manh dễ dàng mua, sử dụng quân phục để giả danh, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, làm ảnh hưởng đến uy tín của quân đội. Đối với các đơn vị quân đội cần tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm cho quân nhân trong quản lý, sử dụng quân trang. Khi phát hiện quân nhân mang quân trang đi bán thì cần phải tịch thu và có hình thức xử lý nghiêm minh với những hành vi sai phạm. Các cơ sở bán quân trang cũng cần có biện pháp quản lý, tránh để phát triển tùy tiện, tràn lan. Song điều quan trọng là mỗi người dân phải không ngừng nâng cao cảnh giác trước các đối tượng lừa đảo. Khi phát hiện ra những bất thường cần báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp theo dõi, xử lý.
NGUYỄN AN NINH