 |
Tiến sĩ Bùi Thị Nhung. Ảnh: DIỆP ANH |
Phóng viên (PV): Thưa Tiến sĩ, nguy cơ động đất ở Việt Nam hiện nay được xếp ở mức độ nào so với các nước trên thế giới?
Tiến sĩ Bùi Thị Nhung: Trên lãnh thổ Việt Nam động đất mạnh nhất ghi nhận được là một trận động đất lịch sử và hai trận động đất ghi nhận bằng máy, đó là: Động đất Điện Biên năm 1935 có M (độ lớn, cường độ của trận động đất) = 6,7 và Tuần Giáo năm 1983 có M = 6,7; ngoài ra có động đất hòn Tro nguồn gốc núi lửa (M = 6,1). Trong thời gian kể từ năm 1903 đến nay hệ thống mạng trạm địa chấn quốc gia ghi nhận hơn 1.000.000 trận động đất có M ≥ 2,5, trong đó có 13 trận có độ lớn M vượt trên 5.
Theo tiêu chuẩn đánh giá mức độ động đất trên thế giới: Các trận động đất nhỏ là động đất có M = 2-3,9; nhẹ (M = 4-4,9); trung bình (M = 5-5,9); mạnh (M = 6-6,9); lớn (M = 7-7,9); cực lớn (M ≥ 8). Như vậy theo tiêu chuẩn quốc tế, động đất Việt Nam ở mức trung bình, trung bình yếu. Tuy nhiên thực tế động đất xảy ra tại Việt Nam không phải là hiếm.
PV: Khu vực nào của Việt Nam có nguy cơ cao về động đất, thưa Tiến sĩ?
Tiến sĩ Bùi Thị Nhung: Khu vực Tây Bắc có độ nguy hiểm động đất cao nhất. Trong khoảng thời gian từ năm 1903 đến nay, trên khu vực này đã ghi nhận được 545 trận động đất. Hai trận động đất mạnh nhất ghi nhận được trên khu vực này có độ lớn đạt tới 6,8 độ. Khu vực Bắc Trung Bộ có độ nguy hiểm động đất cao thứ hai với 129 trận động đất đã ghi nhận được. Động đất mạnh nhất ghi nhận được có độ lớn 5,7 độ. Khu vực Đông Bắc có độ nguy hiểm động đất cao thứ 3, với động đất cực đại ghi nhận được có độ lớn 5,6 độ. Khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, khu vực Đông Nam Bộ có độ nguy hiểm động đất cao thứ 4, với động đất cực đại ghi nhận được có độ lớn 5,3 độ cả trên đất liền và ngoài khơi. Khu vực đồng bằng sông Hồng có độ nguy hiểm động đất cao thứ 5, với động đất cực đại ghi nhận được có độ lớn 5,1 độ. Khu vực miền Tây Nam Bộ có độ nguy hiểm thấp nhất trên cả nước. Động đất xảy ra ở đây khá thưa thớt và đều là động đất yếu. Độ lớn động đất cực đại đạt 4,6 độ.
 |
Trạm đo địa chấn đặt tại TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: QUỐC BẢO |
PV: Được biết trên thế giới việc dự báo chính xác thời điểm động đất vẫn là một khó khăn, thách thức và với Việt Nam cũng vậy. Tiến sĩ có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Tiến sĩ Bùi Thị Nhung: Cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất. Đối với mỗi đứt gãy cụ thể, các nhà khoa học biết rằng có thể sẽ có một trận động đất khác xảy ra trong tương lai, nhưng họ không có cách nào để biết khi nào nó sẽ xảy ra.
Ngay tại Nhật Bản, một nước thường xuyên xảy ra động đất, Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề này, nhưng dù các nhà khoa học Nhật Bản đã thử nhiều biện pháp, cuối cùng họ cũng phải công nhận thất bại. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới chỉ tập trung vào bàn bạc về các biện pháp giảm nhẹ hậu quả động đất, ưu tiên nghiên cứu xây dựng những công trình có khả năng chịu động đất cao, cũng như huấn luyện cho người dân những kỹ năng tồn tại và sống sót sau thảm họa. Hiện đã có hệ thống cảnh báo sóng thần quốc tế (Hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWS). Đây là hệ thống cảnh báo sóng thần lớn nhất thế giới do tổ chức UNESCO lập ra, với 43 nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam.
Còn tại Việt Nam, ngay sau khi ra đời, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã đại diện cho Việt Nam trở thành một thành viên chính thức của PTWS. Với 14 năm hoạt động, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã khẳng định vai trò của mình như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại do động đất và sóng thần trên toàn đất nước Việt Nam.
PV: Thưa Tiến sĩ, để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại về tính mạng và tài sản trước, trong và sau động đất, người dân và cộng đồng cần phải làm gì?
Tiến sĩ Bùi Thị Nhung: Cần phải nhớ các kỹ năng cơ bản như: Trước động đất-chuẩn bị sẵn sàng. Trong động đất-bình tĩnh. Sau động đất-thận trọng. Điều quan trọng đầu tiên là khi xây dựng nhà cửa phải theo đúng tiêu chuẩn kháng chấn (chống động đất); dự trữ vật dụng thiết yếu (như nước uống, thuốc, đèn pin...), lập kế hoạch an toàn trong động đất và luyện các kỹ năng...
Còn trong động đất phải bình tĩnh. Khi ở trong nhà hãy quỳ gối xuống, dùng tay hay bất cứ vật gì có thể che đầu, ẩn nấp dưới cái bàn lớn, chắc chắn. Nếu không có bàn hoặc đồ vật có thể trú bên dưới, ít nhất hãy tránh xa các cửa sổ có kính, tới góc tường và ở nguyên vị trí đó, cúi xuống nhiều nhất có thể để bảo vệ các bộ phận quan trọng của bạn. Nếu động đất xảy ra khi bạn đang ngủ, hãy ở yên trên giường, bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Không sử dụng thang máy, hãy ở yên trong nhà hoặc sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu động đất xảy ra khi bạn đang ở ngoài đường, hãy tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Khi đang lái xe, hãy dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại. Không cố chui hoặc vượt qua những cây cầu vì chúng có thể bị sập. Nếu ở gần một quả đồi nghiêng dốc, hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì chỗ đó có thể bị lở đất. Nếu ở gần bờ biển, hãy ngồi xuống, bảo vệ đầu bằng tay, khi hết rung lắc chạy thật nhanh tới vùng đất cao hơn và vào sâu trong đất liền. Khi bị kẹt trong đống đổ nát, không la hét mà hãy lấy tay, khăn che mũi, miệng. Dùng vật cứng gõ 3 tiếng một vào vật cứng để báo vị trí của mình cho lực lượng cứu hộ.
Sau động đất, hãy kiểm tra thương tích của bản thân trước khi giúp đỡ người khác. Sơ cứu và gọi cứu thương, cứu hộ. Đừng tự ý bật lại gas, điện. Không sử dụng diêm, bật lửa. Tránh xa các bức tường bằng gạch bởi chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn...
PV: Trân trọng cám ơn Tiến sĩ!
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)