Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lý Thanh Minh, Phó giám đốc Nhà máy Z113 nhấn mạnh tới niềm tự hào chung rất lớn này của các thế hệ cán bộ, công nhân viên, người lao động nhà máy...

Đại tá Lý Thanh Minh. 

Phóng viên (PV): Là một trong những đơn vị chủ lực của đội quân sản xuất Quân đội nhân dân Việt Nam, thời gian qua, Z113 đã thực hiện nhiệm vụ phát triển sản phẩm kinh tế như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Lý Thanh Minh: Ngay sau khi kết thúc chiến tranh, nhà máy đã tích cực tham gia sản xuất các sản phẩm kinh tế phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước, như sản xuất thiết bị phục vụ ngành công nghiệp dệt, phụ tùng xe đạp, các sản phẩm cơ khí... Năm 1990, nhận thấy nhu cầu, tiềm năng rất lớn về sử dụng thuốc nổ công nghiệp trong nước, theo đó trên cơ sở thế mạnh của mình là sản xuất các sản phẩm liên quan đến vật liệu nổ phục vụ quân đội, nhà máy đã chuyển hướng sang sản xuất vật liệu nổ công nghiệp.

Năm 1990, nhà máy hoàn thành đầu tư dây chuyền thuốc nổ a-mô-nít đầu tiên tại Việt Nam; năm 1994 hoàn thành dây chuyền sản xuất thuốc nổ nhũ tương. Đây là dây chuyền thuốc nổ sạch, không gây hại cho môi trường đầu tiên tại Việt Nam và năm 2022 hoàn thành đầu tư dây chuyền thuốc nổ nhũ tương năng lượng cao và cũng lại là đầu tiên tại Việt Nam. 

PV: Thuốc nổ công nghiệp đúng là sản phẩm không thể thiếu và có nhu cầu rất lớn trên thị trường trong nước, nhất là trong ngành công nghiệp khai khoáng...

Đại tá Lý Thanh Minh: Đúng là sản phẩm vật liệu nổ của chúng tôi đã phục vụ đắc lực cho ngành công nghiệp khai thác khoáng sản, đào hầm. Cũng liên quan tới lĩnh vực này, qua thực tế tiếp xúc với khách hàng tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp, chúng tôi phát hiện nhu cầu sử dụng mũi khoan dùng trong khai thác khoáng sản là rất lớn, nhưng trong nước chưa sản xuất được. Nhận thấy đây cũng là thế mạnh của nhà máy, vì nhà máy đang có dây chuyền hợp kim cứng và có truyền thống sản xuất cơ khí. Từ đó, chúng tôi nghiên cứu, sản xuất thành công mũi khoan khai thác gắn hợp kim cứng, theo đó đã trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên và duy nhất (cho đến bây giờ) sản xuất sản phẩm này, trong đó tiêu biểu là mũi khoan xoay cầu.

PV: Lại thêm một sản phẩm kinh tế tiên phong nữa của nhà máy. Có vẻ, Z113 “có duyên” với việc phát triển, sản xuất những sản phẩm đầu tiên phục vụ thị trường trong nước?

Đại tá Lý Thanh Minh: Nói về sự tiên phong của Z113, chúng tôi rất tự hào vì là doanh nghiệp đầu tiên ở nước ta nghiên cứu và sản xuất thành công quả cầu chữa cháy. Quả cầu này hoạt động theo nguyên lý, khi tiếp xúc với ngọn lửa trần sẽ kích hoạt quả nổ làm bung bột chữa cháy để dập tắt đám cháy. Ưu điểm là dễ sử dụng, an toàn, dập tắt đám cháy ngay khi bùng phát trong phạm vi thể tích khoảng 3m3, không chỉ kích hoạt chữa cháy mà còn báo động cho người ngủ giật mình tỉnh giấc, kịp thời phản ứng chữa cháy và thoát hiểm (nhất là vào ban đêm).

Song song với nghiên cứu sản phẩm quả cầu chữa cháy, nhà máy đang nghiên cứu thành công các thiết bị chữa cháy, như: Thiết bị bay không người lái, dàn phóng chữa cháy để xử lý các đám cháy phức tạp như cháy rừng, nhà cao tầng; kho hóa chất độc hại khó tiếp cận... Trong đó sản phẩm thiết bị bay không người lái chữa cháy vừa đoạt giải nhất, dàn phóng chữa cháy đoạt giải khuyến khích cuộc thi sáng tạo khoa học công nghệ do Bộ Công an tổ chức.

Có được những sự tiên phong ấy là nhờ từ trước tới nay, cùng với sự nhanh nhạy của người chỉ huy, sự quyết tâm, đoàn kết của ban lãnh đạo, Đảng ủy nhà máy đến toàn thể người lao động, nhà máy luôn có chiến lược khuyến khích sáng tạo, khuyến khích phát triển sản phẩm mới dựa trên lĩnh vực thế mạnh của mình, như đề ra và triển khai quyết liệt các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao; phát huy năng lực, tính sáng tạo của người lao động thông qua việc áp dụng chương trình Kaizen, 5S. Hằng tháng, các ý tưởng, sáng kiến về cải tiến tại nơi làm việc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và điều kiện làm việc đều được ghi nhận và khen thưởng.

 Dây chuyền tổng lắp quả cầu chữa cháy tại Nhà máy Z113. Ảnh: MẠNH HƯNG 

PV: Luôn tiên phong như vậy, có lẽ áp lực cạnh tranh của nhà máy ít hơn so với các doanh nghiệp khác?

Đại tá Lý Thanh Minh: Chúng tôi không chỉ nhìn thấy ánh hào quang để tự hào, mà luôn thẳng thắn nhìn nhận, phân tích, đánh giá những điểm yếu của mình để tìm cách khắc phục. Rất nhiều sản phẩm của chúng tôi liên tục có sự cải tiến về chất lượng, mẫu mã và tiện ích nhờ sự đánh giá nghiêm túc như vậy.

Trong cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp liên doanh, nhà máy tự nhận thấy còn nhiều điểm yếu, đặc biệt là trong quản trị kinh doanh và quản trị sản xuất. Người ta đã có những chuỗi cung ứng, còn mình trước giờ chủ yếu vẫn là tự phát. Giờ, chúng tôi phải học tập họ. Chúng tôi đang tập trung thu hút người giỏi, bồi dưỡng con người; thường xuyên rà soát, hiệu đính, cải tiến tài liệu, công nghệ, hiện đại hóa nhà xưởng, áp dụng công nghệ quản lý chất lượng tiên tiến; đẩy mạnh số hóa từ quy trình quản lý văn phòng điện tử, quản lý chất lượng tới tổ chức sản xuất.

Nhà máy đang áp dụng hệ thống đánh giá KPI (bộ chỉ số đánh giá hiệu quả, chất lượng công việc của người lao động) để trả lương trên cơ sở đánh giá toàn diện, cả về thời gian làm việc, kinh nghiệm và bề dày cống hiến lẫn chất lượng, hiệu quả công việc. Bởi vậy, người trẻ cũng hoàn toàn có thể được hưởng lương cao. Đồng thời nhà máy quan tâm nhiều hơn tới công tác xây dựng và phát triển thương hiệu để giành và giữ niềm tin của người tiêu dùng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HƯNG THẮNG (thực hiện)