QĐND Online - Có người đã mệnh danh Nhà máy Z113 là một trong những “người hùng” trong ngành công nghiệp quốc phòng của nước ta, một nhà máy có lịch sử phát triển vào hàng sớm nhất và cũng là “cái nôi” khai sinh ra hàng loạt các nhà máy khác. Tất nhiên, không thể lấy lịch sử làm thước đo bởi thương trường, trong bất kỳ thời điểm nào vẫn luôn là chiến trường thử lửa khốc liệt nhất. Song lịch sử Z113 là dòng chảy phát triển không ngừng của sự gắn kết kinh tế với quốc phòng, an ninh… 

Toả  đi các hướng tìm “ánh sáng”  và chuyện “cái cột  điện”

Thượng tá Nguyễn Văn Long, Chính ủy Nhà máy Z113 nhớ lại: Khi chuyển đổi cơ chế, Z113 gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nguồn nhân lực thì nhà máy không thiếu. Cái trăn trở chính là khai thác thể nào để nguồn nhân lực, trang thiết bị vốn có ấy không bị lãng phí vì điều này cũng liên quan đến cơm áo của người công nhân.

Việc sản xuất hàng quốc phòng thì không nói, nhưng với một nhà máy có bề dày truyền thống vào bậc nhất trong ngành công nghiệp quốc phòng như Z113 thì không thể để đời sống công nhân giảm sút, không thể để cán bộ, công nhân thiếu niềm tin vào nhà máy. Thế là công cuộc tìm tòi thử nghiệm liên tục được đưa ra. Một mặt nhà máy vẫn duy trì vững chắc sản xuất mặt hàng quốc phòng, mặt khác là sự mày mò tìm cách nâng cao đời sống công nhân. Tuy nhiên, từ một doanh nghiệp quân đội, chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang tự hạch toán kinh doanh theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không phải là chuyện dễ ở vào thời điểm đó.

Anh Long giới thiệu chúng tôi với tất cả các đồng chí trong Ban giám đốc cũ khi chúng tôi muốn tìm hiểu bước đường gian nan của Z113. Anh Dung, anh Thủy đều là thành viên Ban giám đốc cũ cho biết: Việc chuyển sang sản xuất thêm bất cứ mặt hàng kinh tế nào cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, nhiều thời điểm bị ảnh hưởng do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, giá cả các loại nguyên vật liệu chủ yếu đều biến động mạnh, nguồn cung cấp thiếu, giá sản phẩm đầu ra chậm chuyển dịch… Những cán bộ năng nổ nhất của xí nghiệp tỏa đi các hướng để tìm “ánh sáng”.

Thời điểm ấy, chủ trương “điện-đường-trường-trạm” đã “phủ sóng” toàn quốc và Tây Bắc cũng là địa bàn được Nhà nước rất quan tâm. Thế là nhà máy chuyển sang sản xuất thêm mặt hàng là cột điện. Một kíp cán bộ được cử xuống Chèm (Hà Nội)-nơi chuyên sản xuất cột điện quy mô lớn để học hỏi kinh nghiệm. Việc giúp đỡ nhà máy được phía đối tác rất ủng hộ và quá trình này cũng diễn ra rất nhanh để nhà máy có thể bắt tay vào sản xuất. Sẵn có đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề, cột điện thương hiệu Z113 đã thực sự khẳng định được chỗ đứng trên thị trường Tây Bắc.

Từ thời điểm sau những năm 1990, cột điện của Z113 có mặt ở nhiều nơi, khẳng định được chất lượng tốt trong khi giá thành rất cạnh tranh. Không chỉ sản xuất cột điện, nhà máy còn đảm nhiệm trọn gói từ cung cấp cột đến lắp đặt luôn cả hệ thống đường điện tới khắp các địa bàn. Dây chuyền sản xuất thiết bị phụ tùng xe đạp, xe máy cũng được đưa vào sản xuất. Những kế hoạch đó đã đảm bảo cho nhà máy có những bước đi chắc chắn. Tất nhiên, với những trang thiết bị lưỡng dụng của mình, nhà máy sẵn sàng đáp ứng việc sản xuất mặt hàng quốc phòng với nhiều quy mô khi có nhiệm vụ.

Sản xuất các chi tiết bán thành phẩm các mặt hàng kinh tế và quốc phòng tại nhà máy Z113

Thăm Nhà máy Z113, chúng tôi ngỡ ngàng trước một quy mô khang trang bề thế. Cái quy mô bề  thế không chỉ thể hiện bằng sự lớn mạnh của các phân xưởng, bằng những mặt hàng đang sản xuất, bằng mức lương bình quân của cán bộ, công nhân (hơn 6 triệu đồng/người/tháng) mà ngay trong lòng nhà máy, có hai thị trấn, có các trường học từ mầm non đến Trung học phổ thông ra đời. Còn các thế hệ cán bộ, công nhân của nhà máy bây giờ, có những gia đình đã có thế hệ thứ tư đang làm việc tại nhà máy.

“Những mũi khoan dũng cảm”

Đại tá Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Nhà máy Z113 kể rằng: Thời điểm sau năm 2000, Nhà máy đã tìm nhiều sản phẩm mang tính đột phá, trong đó việc sản xuất mũi khoan 246 là một trong những sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Tất nhiên, công nghệ chế tạo của nhà máy có tính năng vượt trội so với những cơ sở khác. Chính vì thế, việc mũi khoan 246 của Nhà máy Z113 được giải thưởng WIPO năm 2005, giải nhất VIPOTEC là sự khẳng định niềm tin của thị trường đối với sản phẩm. Sản phẩm mũi khoan 246 có thể nói là một bước đột phá lớn của Z113 trong hướng tìm tòi đổi mới.

Từ sau năm 2000, nhu cầu cần có mũi khoan xoay cầu để khoan, nổ mìn khai thác đá, khoáng sản, xây dựng cầu đường, công trình thủy điện là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp sử dụng với số lượng lớn, lên đến hàng nghìn mũi khoan xoay cầu mỗi năm. Mặc dù nhu cầu của thị trường là như vậy tuy nhiên trong nước vẫn chưa sản xuất được. Nhiều cơ sở công nghiệp có tiếng trên cả nước đã bắt tay vào nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm mặt hàng đầy tiềm năng này nhưng đã thất bại. Đây là sản phẩm không chỉ khó về thiết kế mà khó nhất về công nghệ luyện kim. Sản phẩm nước ngoài thì không thiếu, nhưng giá thành của nó khiến nhiều “đại gia” trong ngành khai thác khoáng sản cũng phải ngao ngán, thậm chí không “kham” nổi. Thế là Z113 tập trung nghiên cứu nhu cầu thị trường, căn cứ vào năng lực thực tế của mình (sẵn có dây chuyền sản xuất sản phẩm hợp kim cứng) nhà máy bắt tay vào sản xuất.

Cùng thời điểm đó, rất nhiều các đơn vị thành viên của Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam đặt hàng. Sản phẩm đã chứng minh sự vượt trội về hiệu quả ở các công trình. Từ tháng 3-1999 đến tháng 10-2000, đã có 44 mũi khoan qua 5 đợt chế thử. Sau lần chỉnh lý từ khâu thiết kế, thử nghiệm sản phẩm đã thành công, việc khoan thử nghiệm được thực hiện tại công trường của Công ty than Hà Tu và Công ty than Cọc Sáu (Quảng Ninh), kết quả khoan thử nghiệp cho thấy, các chỉ tiêu về kỹ thuật, độ bền không kém gì mũi khoan của Trung Quốc. Tháng 8-2002, hệ thống dây chuyền sản xuất mũi khoan xoay cầu của Công ty được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng ISO 9001:2000. Tháng 12-2003 mũi khoan xoay cầu được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa. Với Nhà máy Z113, sản phẩm mũi khoan xoay cầu 246 đem lại doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Trong thời gian gần đây, Tuyên Quang với địa thế  của một tỉnh miền núi có địa hình, thổ nhưỡng rất phù hợp với cây mía đường nên đã có 3 nhà máy đường mới ra đời. Nắm bắt  được nhu cầu thực tế của các nhà máy đường, đặc biệt với nguồn nhân lực vốn có, đội ngũ kỹ sư có tay nghề cao, nhà máy đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo hệ thống tháp Tuye-thiết bị quan trọng của nhà máy đường. Khi sản xuất được thiết bị này, Z113 đảm nhận cung cấp các thiết bị thay thế, sửa chữa cho các nhà máy đường trong khu vực. Tìm hiểu thực tế tại Tuyên Quang chúng tôi thấy, với việc đẩy nhanh xây dựng khu công nghiệp An Hòa với rất nhiều công trình, nhà máy cùng hai nhà máy xi măng lớn là cơ hội rất thận lợi để Z113 bắt tay vào nghiên cứu các thiết bị cung ứng cho các cơ sở này.

Có một điều mà không phải ai cũng hiểu, ở Nhà máy Z133 những dây chuyền sản xuất hàng kinh tế đều có thể chuyển đổi rất nhanh theo hướng lưỡng dụng sang sản xuất hàng quốc phòng khi có yêu cầu. Tiếp tục bám sát xu thế đổi mới của đất nước, đặc biệt là hướng đón đầu nhu cầu của xã hội, Nhà máy Z113 đã có một hướng đi ngoạn mục đó là sản xuất thuốc nổ công nghiệp. Những ngành công nghiệp được coi là đầu tàu của đất nước như làm thủy điện, khai thác khoảng sản, than hiện đều sử dụng thuốc nổ công nghiệp từ Nhà máy Z113.

Thương hiệu thuốc nổ Z113 đã có mặt có nhiều công trường, góp phần cùng đất nước bước vào thời kì phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các công trình tầm cỡ quốc gia. Hiện tại đã có nhiều nhà máy công nghiệp quốc phòng tham gia vào sản xuất mặt hàng công nghiệp này. Tuy nhiên, giải thưởng Nhà nước về công nghệ chế tạo thuốc nổ công nghiệp mà nhà máy đạt được là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực đổi mới và sáng tạo không ngừng, nó cũng chứng minh tính lưỡng dụng của các sản phẩm công nghiệp quốc phòng mà nhà máy đã làm được.

Bài và  ảnh: Nguyễn Anh Tuấn