Người tiêu dùng sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm tại Tuần lễ nhận diện nông sản thực phẩm an toàn và đặc sản Nam Bộ tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Kiểm
- Phóng viên (PV): Xin ông cho biết cụ thể về hệ thống thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử đối với các nông sản, thực phẩm?
- Ông Đỗ Hoàng Thạch: Để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc, nhận diện sản phẩm nông sản, năm 2016, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT) triển khai hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho cơ sở sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn. Năm nay, chúng tôi triển khai xây dựng cho 5 cơ sở sản xuất với gần 100 sản phẩm và 6 doanh nghiệp phân phối với 350 sản phẩm. Việc sử dụng truy xuất nguồn gốc điện tử có 3 tác dụng: Thứ nhất, đối với đơn vị quản lý nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm sẽ từ đó tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai, đối với doanh nghiệp có thể bảo vệ được thương hiệu sản phẩm, có thể tiếp cận thông tin phản hồi để từ đó sản xuất các sản phẩm nông sản thực phẩm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Thứ ba, doanh nghiệp qua hệ thống này có thể bán được nhiều sản phẩm hơn do có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, người tiêu dùng tin tưởng. Lợi ích nữa là người tiêu dùng có thể nhận diện sản phẩm an toàn, chất lượng sản phẩm, sản phẩm đang sản xuất ở đâu? Ai, doanh nghiệp nào sản xuất? Đồng thời người tiêu dùng có thể đặt mua hàng trực tuyến. Tôi nghĩ rằng hệ thống này tốt cho người sản xuất, doanh nghiệp phân phối lẫn người tiêu dùng cũng như công tác kết nối giao thương.
- PV: Xin ông cho biết, cụ thể trung tâm sẽ trang bị gì cho các cơ sở, doanh nghiệp thực hiện việc này?
- Ông Đỗ Hoàng Thạch: Để thực hiện hệ thống này, chúng tôi quản lý trên phần mềm trang web, đối với doanh nghiệp cũng quản lý trên trang web. Ở doanh nghiệp sẽ có phần mềm quản lý riêng; tất cả thông tin của doanh nghiệp khi đăng tải về sản phẩm, về các loại giấy chứng nhận kết nối qua trang web của đơn vị quản lý. Sau khi đơn vị quản lý kiểm tra xác nhận đúng nội dung thông tin cũng như các giấy tờ chứng nhận, lúc bấy giờ chúng tôi mới đồng ý cho phép kết nối, cập nhật thông tin vào hệ thống. Như vậy, mới có thể quản lý chéo được doanh nghiệp. Năm đầu tiên, chúng tôi sẽ hỗ trợ doanh nghiệp (trong 1 năm) xây dựng tem code, khi doanh nghiệp có QR code sẽ in tem dán lên sản phẩm của mình. Khi doanh nghiệp cần thay đổi thông tin liên quan đến sản phẩm thì phải có sự đồng ý của đơn vị quản lý, như vậy công tác quản lý thông tin sẽ được tốt hơn.
Đối với người tiêu dùng, có thể sử dụng phần mềm này rất đơn giản. Chúng tôi có in tờ hướng dẫn. Người tiêu dùng có thể vào tất cả các kênh phân phối để lấy thông tin về sản phẩm, ở nơi có internet hoặc chưa có đều thực hiện được. Người tiêu dùng sử dụng smartphone bấm vào chụp hình QR code đó, trên điện thoại sẽ hiển thị giao diện, trong giao diện sẽ giới thiệu hình ảnh sản phẩm, nơi sản xuất sản phẩm, giấy chứng nhận, kênh phân phối sản phẩm của doanh nghiệp và cơ sở sản xuất... Để cung cấp thông tin về sản phẩm cho người tiêu dùng một cách tốt nhất, chúng tôi sẽ có buổi tập huấn cho các đơn vị quản lý, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng như người tiêu dùng sử dụng công nghệ mới này.
- PV: Quản lý, giám sát việc sử dụng QR code như thế nào, liệu chất lượng sản phẩm có bảo đảm, thưa ông?
- Ông Đỗ Hoàng Thạch: Ở đây chúng tôi thực hiện việc minh bạch thông tin về sản phẩm nông sản thực phẩm chứ không phải quản lý chất lượng sản phẩm đó. Chúng tôi chỉ minh bạch cho người tiêu dùng biết sản phẩm đó đã được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận. Trên phần mềm của chúng tôi cũng xác định giấy chứng nhận có thời gian bao lâu, khi giấy chứng nhận gần hết hạn thì hệ thống sẽ báo đỏ để người tiêu dùng và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất biết, giúp doanh nghiệp bổ sung, cập nhật giấy chứng nhận mới.
- PV: Trong trường hợp phát hiện tem code của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được cung cấp bị làm giả, làm nhái sẽ bị xử lý như thế nào, thưa ông?
- Ông Đỗ Hoàng Thạch: Tham gia hệ thống này doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm chất lượng cuối cùng về sản phẩm của mình đối với người tiêu dùng. Mục tiêu của hệ thống này là minh bạch thông tin cho người tiêu dùng. Còn về chất lượng cụ thể của sản phẩm phải do doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công bố và được các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận.
Trong trường hợp phát hiện thông tin tem code bị sử dụng sai mục đích, không đúng sản phẩm, tên nhà sản xuất thì người tiêu dùng phải phản hồi thông tin về hệ thống. Từ đó, đơn vị quản lý sẽ phản hồi về cho doanh nghiệp để doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, chống sản phẩm bị làm giả, làm nhái.
Chúng tôi cũng yêu cầu doanh nghiệp khi tham gia hệ thống này phải có cam kết rằng, thông tin về các sản phẩm của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chuyển cho chúng tôi phải bảo đảm chính xác, an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ. Doanh nghiệp phải cam kết, quá trình lưu thông chất lượng sản phẩm có vấn đề thì doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.
- PV: Xin cảm ơn ông!
NGHINH XUÂN (thực hiện)