Những ngày đầu năm 2016 ở Tây Nguyên, nắng óng vàng như rót mật xuống cả một vùng cao nguyên trù phú, bạt ngàn cà phê, cao su. Đồng bào các dân tộc nơi đây vừa kết thúc vụ thu hoạch cà phê năm 2015 và đang hối hả bước vào vụ mùa mới với bao kỳ vọng mới. Đi trên những con đường liên thôn, liên xã được “cứng hóa” khang trang, kiên cố còn mới tinh được xây dựng từ chương trình nông thôn mới, cờ hoa rực rỡ chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng tôi như cũng vui lây trước những đổi thay từng ngày nơi miền cao nguyên đất đỏ ba-zan. Để có được những đổi thay to lớn đó, không thể không kể đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên.
Gia đình chị Mai Thị Hường (ở Đam Rông, Lâm Đồng) trồng cà phê Ca-ti-mo cho năng suất cao từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và môi trường sinh thái của đất nước. Chính vậy, những năm qua Đảng, Nhà nước rất quan tâm, ban hành nhiều chính sách nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc và giữ vững an ninh-quốc phòng trên địa bàn. Được sự quan tâm đó, đến nay Tây Nguyên đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa rất quan trọng. Kinh tế của vùng đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển theo hướng đa dạng với quy mô, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người từ 2,9 triệu đồng năm 2001 tăng lên 15,5 triệu đồng năm 2010 và đến năm 2014 đạt 32,3 triệu đồng.
Các hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở Tây Nguyên được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội có ý nghĩa rất quan trọng với các địa phương để thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững. Nguồn vốn thực sự là "cú hích" mạnh mẽ cho toàn vùng. Tiếp cận được nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân đã đầu tư vào sản xuất, lựa chọn nhiều mô hình kinh tế phù hợp và mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2012 đến nay, các chương trình tín dụng chính sách thực hiện trên địa bàn Tây Nguyên đã góp phần giúp hơn 121 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 34.000 lao động; hỗ trợ hơn 55.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 312 nghìn công trình cung cấp nước sạch ở nông thôn và hàng nghìn căn nhà trả chậm, góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên giảm từ 18,92% năm 2011 xuống còn 11,22% năm 2014.
Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh-quốc phòng trên địa bàn biên giới, cấp ủy và chính quyền các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đặc biệt quan tâm tiến hành hiệu quả công tác xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo và tạo động lực mạnh mẽ cho mỗi bứt phá đi lên của Tây Nguyên. Có lẽ bởi thế mà bất cứ ai được đến với vùng đất ba-zan này sẽ không khỏi ngỡ ngàng, cảm phục trước những đổi thay từng ngày; sẽ ấn tượng với những đôi mắt sáng ngập tràn niềm tin với Đảng, đúng như khẳng định của đồng chí Y Thek Nie, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk:
- Tây Nguyên được như hôm nay là nhờ ơn Đảng. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn tin tưởng vào chủ trương, chính sách mới của Đại hội XII lần này sẽ tiếp tục soi đường, dẫn lối cho sự bứt phá của Tây Nguyên nói riêng, đất nước nói chung trong thời gian tới.
Bài và ảnh: TRẦN MINH - NGỌC HẢI