Dự thảo Nghị quyết 19-2018 có một số điểm nhấn trọng tâm như: Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành du lịch, ngành dịch vụ logistics; tạo áp lực và kỷ luật hành chính mạnh mẽ hơn đối với các chỉ số mà thứ hạng và điểm số còn thấp; hoàn thành mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành ở tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế…
Theo các chuyên gia kinh tế, Dự thảo Nghị quyết 19-2018 đặt ra mục tiêu cao, nhưng khả thi nếu được triển khai quyết liệt, đầy đủ. Thế nhưng, sau 4 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18-3-2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (Nghị quyết 19/NQ-CP) đến nay, một trong những tồn tại, “điểm nghẽn” lớn ảnh hưởng đến kết quả của Nghị quyết được các chuyên gia chỉ ra là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thực tế cho thấy, rõ ràng thời gian vừa qua, Chính phủ đã triển khai quyết liệt các biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính... nhưng một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sự vào cuộc một cách quyết liệt.
 |
Ảnh minh họa. TTXVN. |
Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong cải thiện môi trường kinh doanh vẫn diễn ra phổ biến ở các cấp, ngành và địa phương trên cả nước. Điều này tạo ra sự không đồng đều, nhiều mục tiêu về cải thiện môi trường kinh doanh đặt ra nhưng không đạt được. Chẳng hạn, chưa đạt được mục tiêu trung bình ASEAN 4 về môi trường kinh doanh; chỉ số điều kiện kinh doanh bãi bỏ còn thấp so với mục tiêu bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP, trong hai năm đầu triển khai Nghị quyết chưa có sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, tuy nhiên, hai năm gần đây đã có sự vào cuộc tích cực hơn. Một số bộ đã có được kết quả rõ ràng như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, nhưng vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương có cảm giác đang “đứng ngoài lề”, chưa có những động thái quyết liệt thực hiện Nghị quyết.
Bà Nguyễn Minh Thảo cũng chỉ rõ, đang có một sự quan tâm không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP thời gian vừa qua. Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đưa ra ví dụ: Theo yêu cầu của Chính phủ, hằng quý các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp xem các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện Nghị quyết như thế nào. Nhưng nhìn chung, các báo cáo gửi về thường mang tính chất báo cáo thành tích nhiều hơn là vấn đề tồn tại. Báo cáo chưa đạt được những yêu cầu đề ra của Chính phủ là báo cáo toàn diện, báo cáo kết quả thực hiện mà chỉ nêu nội dung đầu mục, không đánh giá được tác động của những thay đổi đến xã hội, môi trường kinh doanh.
Rõ ràng, một trong những “điểm nghẽn” khi thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP nằm ở sự thiếu đồng bộ trong khâu thực hiện. Không lâu nữa, Dự thảo Nghị quyết 19-2018 sẽ được Chính phủ thông qua, chính thức có hiệu lực và đi vào đời sống, nhiều chuyên gia kinh tế kỳ vọng, với sự quyết liệt từ Chính phủ, tác động lan tỏa mà Nghị quyết 19 đã tạo được trong thời gian qua sẽ khắc phục được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tạo áp lực, thúc đẩy những bộ, ngành, địa phương còn đang "lạnh" thực hiện thành công các mục tiêu mà Dự thảo Nghị quyết 19-2018 đặt ra, cải thiện tốt môi trường kinh doanh.
BĂNG CHÂU