QĐND - Tại hội thảo "Cập nhật lâm sàng về nhiễm khuẩn sản phụ khoa và trẻ sơ sinh", PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, nhiễm khuẩn sản phụ khoa có thể dẫn tới tình trạng thai chết trong tử cung, sẩy thai, viêm niêm mạc tử cung, viêm phần phụ… Có nhiều phụ nữ khi mang thai đã bị nhiễm khuẩn mà không hề biết. Vi khuẩn xâm nhập vào âm đạo rồi vào cổ tử cung và tấn công thai nhi ngay trong bụng mẹ.
Nhiễm khuẩn từ sản phụ
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, nguy hiểm nhất là khi sản phụ nhiễm khuẩn, thai nhi sinh ra có thể sẽ bị nhiễm khuẩn huyết, đe dọa tử vong cho thai nhi và cả sản phụ. Trong trường hợp này buộc phải cắt bỏ hoàn toàn tử cung để cứu sản phụ. Ngày nay có rất nhiều kháng sinh được sản xuất để điều trị chống nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, do xuất hiện nhiều vi khuẩn như: Vi khuẩn liên cầu, tiểu cầu... tồn tại rất lâu ngày trong cơ thể bệnh nhân và bị biến dị sang các thể khác, nên các loại kháng sinh thế hệ mới cũng không thể diệt được những vi khuẩn này. Do đó, có rất nhiều phụ nữ mang thai bị nhiễm khuẩn âm thầm mà không biết. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến dẫn chứng, có trường hợp vi khuẩn từ âm đạo của người mẹ vào thai, dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh vừa ra đời đã bị nhiễm khuẩn nặng. Các triệu chứng nhiễm khuẩn xuất hiện trong vòng 72 giờ sau sinh, nhưng với các trường hợp nhiễm khuẩn nặng thì có biểu hiện ngay khi sinh. Theo con số thống kê của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, tỷ lệ tử vong mẹ hoặc con do nhiễm khuẩn rất cao, chiếm tới 20 - 55% số ca tử vong.
 |
Trẻ sau sinh cần được chăm sóc và quan tâm đúng mức. Ảnh: Dung Ngọc |
Còn theo TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, độ ẩm không khí rất cao kết hợp với điều kiện sống và làm việc chưa tốt. Đặc biệt, nhiều phụ nữ nông thôn phải làm việc dưới thời tiết khắc nghiệt với phòng hộ lao động kém, do đó tỷ lệ viêm đường sinh dục khá cao. Trong khi những thủ thuật như nạo hút thai, khám bệnh ở các phòng mạch, trung tâm vô khuẩn chưa tốt; các kiến thức vệ sinh sinh dục của phụ nữ thiếu khoa học. Sự kém hiểu biết về vệ sinh kinh nguyệt, vệ sinh khi giao hợp cũng dẫn đến viêm nhiễm bộ phận sinh dục. Một nguyên nhân khác, đó là do thói quen lạm dụng kháng sinh, dùng thuốc kéo dài thời gian của nhiều chị em cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiễm khuẩn.
Cần “bàn tay sạch” trong bệnh viện
Theo TS Trần Hữu Thăng, Phó chủ tịch thường trực Tổng hội y học Việt Nam, khi chăm sóc người phụ nữ trong lúc sinh nở, nếu nhà hộ sinh, phòng đẻ, đặc biệt là dụng cụ và bàn tay người đỡ đẻ càng sạch sẽ bao nhiêu, càng được tiệt trùng bao nhiêu, thì tỷ lệ tử vong và tai biến sản khoa cũng giảm đi bấy nhiêu, giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh ở những tuần đầu, tháng đầu.
Tại các bệnh viện, nhiễm khuẩn bệnh viện là nỗi kinh hoàng của cả bệnh nhân và nhân viên y tế. Vì thế gần đây, công tác chống nhiễm khuẩn đã được đặc biệt quan tâm tại các bệnh viện. Viện nào cũng có các khoa, trung tâm chống nhiễm khuẩn để hạn chế nhiễm khuẩn từ bệnh nhân này sang bệnh nhân khác; từ khâu chăm sóc của y tá, điều dưỡng (nếu bàn tay không được sạch) hoặc từ các trang thiết bị, giường, đệm tại bệnh viện…
Theo PGS. TS Nguyễn Viết Tiến, ở lĩnh vực sản khoa và nhi khoa, chống nhiễm khuẩn bệnh viện càng đặc biệt quan trọng bởi nguy cơ cho thai phụ và trẻ sơ sinh rất cao. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thường xuyên tiếp nhận nhiều thai phụ do không biết cách thực hành vệ sinh tốt, bị nhiễm khuẩn phần phụ và tình trạng này có thể gây viêm nhiễm ngược dòng lên tử cung, đe dọa sự an toàn của thai nhi, khi sinh con trẻ bị nhiễm khuẩn rất nặng ngay trong buồng tử cung, thậm chí không giữ được thai do viêm nhiễm dẫn đến vỡ ối non.
Sau khi sinh, người phụ nữ luôn phải đối mặt với những viêm nhiễm phụ khoa, chính vì vậy giai đoạn này người phụ nữ phải chăm sóc thật tốt khâu vệ sinh và đi khám phụ khoa ngay khi có những biểu hiện bất thường. Bác sĩ Lê Thị Thanh Vân (Bệnh viện Phụ sản Trung ương) cho biết, nhiễm khuẩn xuất phát từ bộ phận sinh dục dễ xảy ra trong thời kỳ hậu sản (42 ngày sau sinh), sau nạo hút thai. Những ca nhiễm trùng hậu sản đều rất nguy hiểm, vì vậy chăm sóc sản phụ khi sinh, càng vệ sinh sạch sẽ bao nhiêu thì tử vong tai biến sản khoa càng giảm đi bấy nhiêu. Người bệnh, sản phụ và cả gia đình bệnh nhân, nhân viên y tế cần có ý thức giữ vệ sinh bàn tay, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn để phòng lây nhiễm bệnh; phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Nếu bị sốt sau sinh, sản dịch có mùi hôi, ấn tử cung thấy đau nhiều… chị em cần đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời.
PGS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, theo thống kê của Bộ, tại Việt Nam có hơn 80% dân số không rửa tay với xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh; 74% bà mẹ nuôi con dưới 5 tuổi không rửa tay xà phòng trước khi cho con ăn; cứ 100 người trưởng thành (tuổi từ 15 - 60) chỉ 1,5 người rửa tay sau khi chăm người ốm; chỉ gần 53% học sinh rửa tay với xà phòng sau khi đi đại tiện; đặc biệt, tỷ lệ người rửa tay sau khi chơi với các vật nuôi, dọn dẹp chuồng trại gia cầm, gia súc, dọn dẹp nhà cửa, đổ rác… vẫn còn rất thấp, cho thấy ý thức giữ gìn vệ sinh của người Việt chưa cao.
|
THU HƯƠNG