Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế
 |
Bà Nguyễn Thị Hương. Ảnh: MINH NGỌC |
Phóng viên (PV): Thưa bà, nền kinh tế 9 tháng năm 2021 có điểm gì đáng lưu ý?
Bà Nguyễn Thị Hương: Nền kinh tế 9 tháng năm 2021 bị tổn thương nặng nề bởi tác động của dịch Covid-19. Trong đó, quý III là thời điểm thực hiện giãn cách xã hội được duy trì nghiêm ngặt nhất. GDP quý III giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ năm 2010-khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay. Tính chung 9 tháng năm nay, tăng trưởng vẫn đạt mức 1,42%. Tuy không đạt như kỳ vọng nhưng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy hiểm thì mức tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng là nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị, nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp và lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Trong bức tranh tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,74%, đóng vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, là cơ sở quan trọng để thực hiện an sinh, an dân trong đại dịch; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,57%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,05%; khu vực dịch vụ giảm 0,69%.
PV: Bà nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế 3 tháng cuối năm?
Bà Nguyễn Thị Hương: Kinh tế Việt Nam đã đi được 3/4 chặng đường, với mức tăng trưởng 1,42% trong 9 tháng vừa qua, khả năng đạt mục tiêu kế hoạch năm 2021 là không còn khả thi. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn cơ hội để cải thiện mức tăng trưởng hiện tại nếu sớm đạt được những thành quả tích cực hơn trong PCD. Hiện nay, công tác PCD vẫn đang được Chính phủ triển khai quyết liệt và nghiêm ngặt; chiến dịch tiêm chủng toàn dân cũng đã và đang bao phủ khá rộng, mục tiêu hướng tới 70% dân số sẽ được tiêm đủ 2 mũi đến giữa năm 2022 giúp chúng ta có thể kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh; nhanh chóng thiết lập trạng thái bình thường mới cho hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, thái độ và ý thức của người dân trong phòng tránh dịch bệnh cũng là nhân tố quan trọng để đạt được bước tiến cao hơn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
 |
Người dân Hà Nội mua hàng tại Siêu thị Vinmart. Ảnh: ĐỨC QUANG |
Chính phủ cần tiếp tục duy trì, ưu tiên các gói hỗ trợ doanh nghiệp
PV: Theo bà, đâu sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm?
Bà Nguyễn Thị Hương: Trong quý IV, nếu giải quyết được vấn đề kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công làm vốn mồi cho nền kinh tế, sớm khơi thông những bế tắc trong lưu thông hàng hóa, thúc đẩy luồng tài chính vận hành thông suốt và hiệu quả, triển khai kịp thời các gói tài chính kích thích sản xuất, chớp thời cơ tận dụng cơ hội từ đà phục hồi thương mại, đầu tư và kinh tế thế giới... thì khả năng sản xuất phục hồi và bứt phá mạnh ở các ngành nông nghiệp, thủy sản, chế biến chế tạo, thương mại, vận tải, kho bãi; lưu trú ăn uống.. sẽ khả quan, đặc biệt khi nhu cầu thế giới trong những tháng cuối năm đang có xu hướng tăng cao. Đây sẽ là những động lực cho Việt Nam phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất có thể trong bối cảnh vẫn phải PCD Covid-19.
PV: Cộng đồng doanh nghiệp đang chịu những tác động tiêu cực rất lớn từ làn sóng Covid-19 lần thứ tư. Để vực dậy khu vực doanh nghiệp cần có những giải pháp gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hương: Theo thống kê, 9 tháng năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới là 85,5 nghìn, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất trong giai đoạn 9 tháng kể từ năm 2017 (trong khi bình quân 5 năm trước dịch (2015-2019) mỗi năm có hơn 130.000 doanh nghiệp thành lập mới). Trong 9 tháng, có 90,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn một cách tổng thể, sau 4 lần dịch Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp đã kiệt quệ, sức chống đỡ giảm dần. Giải pháp cấp bách hiện nay để cứu doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang trong tâm dịch phía Nam vẫn là ưu tiên PCD hiệu quả. Chính phủ cần tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ giãn, hoãn, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, chi phí cho người lao động phải nghỉ việc, thất nghiệp; có giải pháp và triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm bảo đảm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; có giải pháp hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
KHÁNH AN (ghi)