Hoàn thiện hành lang pháp lý tín dụng xanh
Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú khẳng định, tín dụng xanh và thực thi ESG là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Đây cũng là giải pháp giúp các tổ chức tín dụng định hướng lại hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh; đồng thời, đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh.
Thời gian qua, tín dụng xanh tại Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng. Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã triển khai kịp thời, tạo điều kiện cho hoạt động tín dụng xanh được thúc đẩy, phát triển. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành chính sách tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ nền kinh tế chuyển sang mô hình tăng trưởng xanh.
Trên cơ sở các khung chính sách này, các tổ chức tín dụng đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả tích cực về nhận thức, số lượng các tổ chức tín dụng tham gia tài trợ vốn cho các lĩnh vực xanh, quy mô và tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh.
“Từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế”, Phó thống đốc Đào Minh Tú thông tin.
 |
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB). Ảnh: PHƯƠNG ANH
|
Tuy nhiên, trong thực tiễn, các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn như: Chưa có danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng; yêu cầu cao hơn về quản trị, chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng trong lĩnh vực môi trường, xã hội, khí hậu để nhận diện, thẩm định quản lý, giám sát khoản cấp tín dụng cũng như tư vấn, hỗ trợ khách hàng đáp ứng các tiêu chí mới của quốc tế về phát thải...
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, bà Hà Thu Giang cho rằng, để mở rộng, khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng đòi hỏi sự phối, kết hợp từ các bộ, ngành, cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế hỗ trợ, tạo động lực huy động mọi nguồn lực từ các khu vực kinh tế. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện đồng bộ cơ chế, chính sách về đầu tư nhằm tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi; xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ, nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.
Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường
Nhằm hỗ trợ khách hàng vay vốn ưu đãi trong lĩnh vực xanh, góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch, đem lại những lợi ích về phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và đang dành 10.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay “tín dụng xanh” ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân với sàn lãi suất cho vay chỉ từ 3,5%/năm. Thời gian triển khai đến hết ngày 30-6-2025 hoặc đến khi đạt được quy mô chương trình.
 |
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam ưu tiên tín dụng cho mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững. Ảnh: THANH THUỶ
|
Đối tượng vay vốn là các khách hàng cá nhân vay vốn để thực hiện phương án, dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ thuộc lĩnh vực xanh: Sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; sản xuất, kinh doanh sản phẩm có nhãn sinh thái; sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; cơ sở sản xuất, kinh doanh đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001; sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ (bao gồm cả kinh doanh sản phẩm phục vụ việc lắp đặt điện mặt trời áp mái/điện gió hoặc khách hàng lắp đặt để sản xuất kinh doanh kết hợp với sử dụng)...
Là một trong những ngân hàng đi đầu trong việc thúc đẩy tài chính xanh và phát triển bền vững, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đã có những chính sách hỗ trợ tín dụng đặc thù.
Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB chia sẻ, tín dụng xanh không chỉ đo lường bằng lợi nhuận, đây là mảng kinh doanh mang lại giá trị cộng đồng, hỗ trợ bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Tín dụng xanh là một hình thức đầu tư dài hạn, hướng đến xây dựng nền kinh tế xanh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
 |
Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) đi đầu trong việc thúc đẩy tài chính xanh và phát triển bền vững. Ảnh: PHƯƠNG ANH
|
Thông qua các dự án xanh, MB không chỉ đồng hành cùng khách hàng mà còn góp phần định hình tương lai bền vững cho toàn xã hội. Do đó, chiến lược mở rộng sản phẩm tài chính xanh của MB dựa trên nguyên tắc và hoạt động cốt lõi sau: MB đặt mục tiêu duy trì tỷ trọng xanh ở mức 8-10% quy mô tín dụng toàn ngân hàng, trong bối cảnh MB tăng trưởng tín dụng 15%/năm giai đoạn 2024-2029 và chủ trương cho vay những dự án mang lại lợi ích cho môi trường, xã hội, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia và quốc tế. Đa dạng hóa nguồn vốn xanh huy động từ các định chế tài chính quốc tế, góp phần hỗ trợ MB trong việc tập trung nguồn lực tín dụng cho các dự án thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu
Bên cạnh đó, MB áp dụng cơ chế lãi suất giảm 1-2% so với lãi suất thông thường đối với đầu tư, cho vay lĩnh vực xanh, cụ thể: Năng lượng sạch-năng lượng tái tạo; bất động sản xanh; giao thông xanh; nông nghiệp xanh và lâm nghiệp bền vững... Đồng thời, khuyến khích tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi công nghệ để bảo vệ môi trường, giảm phát thải, bao gồm các lĩnh vực có rủi ro ESG cao (xi măng, sắt thép, nhiệt điện, dệt may...).
Một số chuyên gia cho rằng, nhận thức của doanh nghiệp và nhà đầu tư về lợi ích, tầm quan trọng của thị trường tài chính xanh chưa đồng đều, dẫn đến mức độ quan tâm của khách hàng đối với các sản phẩm huy động, sản phẩm tín dụng tài chính xanh chưa cao, tâm lý e ngại khi sử dụng các sản phẩm/dịch vụ ngân hàng mới. Ngoài ra, việc đầu tư cho các dự án xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn, năng lực thẩm định các yếu tố kỹ thuật môi trường chuyên ngành. Các tổ chức tín dụng sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư xây dựng hệ thống quản trị phù hợp mục tiêu tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh của nền kinh tế, nâng cao năng lực của cán bộ ngân hàng về ngân hàng xanh, tài chính bền vững.
Do vậy, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của cộng đồng doanh nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ từ chủ trương, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, thì rất cần sự chung tay góp sức của các ngân hàng thương mại. Và hơn hết là nêu cao nhận thức của bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp trong việc chủ động chuyển đổi hoạt động sản xuất kinh doanh tới các lĩnh vực tăng trưởng xanh, tạo sự phát triển bền vững, ổn định lâu dài cho xã hội.
ANH VIỆT
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.