Thắp sáng những mảnh đời gian khó
8 năm trước đây, gia đình anh Giàng Mý Páo, dân tộc Mông ở thôn Xín Suối Hồ, xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang nghèo lắm. Nhưng nhờ được vay 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của huyện để nuôi bò, gia đình anh đã khá dần lên. Năm 2011, sau khi anh trả hết nợ, ngân hàng tiếp tục cho vay 15 triệu đồng mở rộng chăn nuôi. Năm 2015, vừa trả hết được nợ, anh Páo vừa có đàn bò cả chục con, mỗi năm trừ chi phí cũng cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Thoát hẳn nghèo, cuộc sống đầy đủ hơn, Giàng Mí Páo có điều kiê%3ḅn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiê%3ḅm sản xuất cho nhiều hô%3ḅ nghèo khác trong vùng thông qua các buổi sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn.
Cũng xuất phát từ nghèo khó, gia đình anh Tống Thanh Phúc ở Mỹ Đông 4, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH dành cho hộ nghèo trong 3 năm để đầu tư chăn nuôi vịt. Đến năm 2014, gia đình anh Phúc đã bước đầu thoát nghèo và tiếp tục được vay 20 triệu đồng vốn hộ cận nghèo để phát triển đàn vịt đẻ trứng. Đến nay, đàn vịt của gia đình anh đã lên đến hơn 700 con, chất lượng trứng được đánh giá cao, đem đến nguồn thu nhập ổn định.
Vốn vay ưu đãi đã đến kịp thời với đồng bào vùng cao Yên Bái. Ảnh: NGUYỄN TUẤN NGỌC
Câu chuyện về gia đình anh Giàng Mý Páo và Tống Thanh Phúc chỉ là hai trong số hàng vạn gia đình đã vươn lên thoát nghèo trên khắp đất nước trong những năm qua với sự hỗ trợ hiệu quả từ đồng vốn chính sách. Đặc biệt tại những khu vực trọng yếu, khó khăn nhất cả nước là: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống đáng kể. Tại Tây Bắc, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011-2015, giảm từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo tại 45 huyện nghèo ở khu vực này theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015). Khu vực Tây Nguyên tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống còn 11,22% (năm 2015). Còn Tây Nam Bộ, tỷ lệ hộ nghèo từ hai con số xuống còn 4%-5%.
Để đưa đồng vốn chính sách của Chính phủ đến tận tay người nghèo và đối tượng chính sách với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất, NHCSXH (thành lập tháng 10-2002) đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Mạng lưới hoạt động của NHCSXH có 63 chi nhánh cấp tỉnh, 629 phòng giao dịch cấp huyện và gần 11.000 điểm giao dịch (hoạt động một ngày cố định trong tháng) tại các xã/phường/thị trấn trên cả nước. Ngoài ra, còn hệ thống gần 200.000 tổ tiết kiệm và vay vốn do các hội đoàn thể quản lý tại các thôn xóm, bản làng, đến tận vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo… Tính đến tháng 9-2016, với 20 chương trình tín dụng, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt hơn 157.000 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 150.000 tỷ đồng, góp phần giúp hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển sản xuất; hơn 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Các chương trình của NHCSXH đã tạo việc làm mới cho 3,2 triệu lao động, trong đó 107.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 8.000 căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, hơn 104.000 căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 484.000 căn nhà cho hộ nghèo và các gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc… Đặc biệt, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh giảm đáng kể khi chỉ chiếm 0,87% tổng dư nợ.
Mô hình xóa đói nghèo hiệu quả của Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định: “Chúng ta từng đi học hỏi các mô hình cho vay xóa đói, giảm nghèo ở nhiều nước và tự hỏi có làm được tốt như nước bạn không. Nhưng hơn 10 năm qua, kể từ khi thành lập NHCSXH đã cho thấy mô hình của chúng ta còn ưu việt hơn, quy mô lớn hơn nhiều ngân hàng đã tồn tại trong khu vực và trên thế giới chuyên về phục vụ người nghèo”. Còn theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, hoạt động tín dụng chính sách là một giải pháp có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn đất nước. Đây là kênh quan trọng để chúng ta phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người nghèo; đồng thời giảm thiểu tư duy trông chờ, ỷ lại. Vì khi sử dụng vốn vay, người dân có ý thức chủ động hơn so với với các chương trình hỗ trợ cho không, phát không, các chương trình hỗ trợ trực tiếp.
Bên cạnh các chính sách chung, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) còn chỉ đạo điều hành các chương trình: Cho vay tạm trữ lúa gạo; tín dụng hỗ trợ cho người nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn; tín dụng phục vụ phát triển thủy sản, hỗ trợ khai thác hải sản xa bờ, tái canh cây cà phê... Đồng thời hỗ trợ khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn và khôi phục sản xuất. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ được cơ cấu là gần 202 tỷ đồng đối với gần 6.000 khách hàng; cho vay mới ổn định sản xuất với số tiền hơn 397 tỷ đồng đối với 16.251 khách hàng. Trong việc khắc phục thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, các ngân hàng đã hỗ trợ cho 3.825 ngư dân vay mới 306,8 tỷ đồng; dư nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ là 112,8 tỷ đồng cho 1.279 ngư dân và dư nợ được miễn, giảm lãi là 892,4 tỷ đồng cho 563 ngư dân.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, giai đoạn 2016-2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, tổng số hộ nghèo trên toàn quốc là hơn 2,3 triệu hộ; hộ cận nghèo hơn 1,2 triệu hộ. Như vậy, đối tượng có nhu cầu vay vốn rất lớn, đây là thách thức đối với NHCSXH trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp. Công cuộc thực hiện giảm nghèo bền vững thêm thách thức khi thực tế những năm qua cho thấy, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn thấp so với nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách. Kế hoạch giao tăng trưởng tín dụng hàng năm chưa phù hợp với Chiến lược phát triển NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; vốn ngân sách Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách chưa kịp thời,… Điều này Ban Bí thư Trung ương Đảng đã nêu rõ tại Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22-11-2014: “Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội…”.
Trong buổi làm việc gần đây với NHCSXH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, muốn nâng cao hơn nữa hiệu quả của NHCSXH thì cần có sự quan tâm chỉ đạo hơn nữa và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong hệ thống NHCSXH. Đồng thời, các địa phương cần ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
TRƯỜNG GIANG - NGỌC QUYẾT