Các chuỗi bán lẻ hút khách

Trong dịp nghỉ lễ, các siêu thị và trung tâm thương mại lớn trên địa bàn TP Hà Nội thu hút khối lượng lớn khách tới mua sắm. Không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, các hệ thống bán lẻ Thủ đô đã tận dụng được lợi thế về sự đa dụng chủng loại hàng hóa, cơ sở vật chất hiện đại để hút khách không chỉ tại Thủ đô, mà còn từ các tỉnh, thành lân cận.

Hệ thống siêu thị Big C mỗi ngày thu hút từ 60.000 – 70.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm khiến địa điểm sôi động từ sáng tới tận tối muộn… Giám đốc siêu thị Co.op Mart cho biết, các mặt hàng được người dân lựa chọn nhiều nhất vẫn là quần áo, thực phẩm, hàng tiêu dùng Việt Nam do các chương trình khuyến mại từ nhà sản xuất và hệ thống bán lẻ. Cá biệt, có những mặt hàng được giảm giá tới 50%.

Dịch bệnh được kiểm soát đã giúp các hoạt động kinh tế, dịch vụ Thủ đô được phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. 

Ghi nhận tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom, Aeon… lượng khách vào mua sắm, ăn uống rất đông. Các quán ăn gần như quá tải khi luôn trong tình trạng kín khách. Khu vui chơi dành cho trẻ em trong các trung tâm thương mại quá tải ngay từ lúc vừa mở cửa. Tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như: BRG, GO!, Big C, Co.opmart, V+..., lượng hàng hóa bày bán trong các kệ hàng khá dồi dào, bắt mắt.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail (đơn vị quản lý vận hành GO!, Big C), cho biết: "Nhằm đảm bảo lượng hàng hóa phục vụ trong dịp 2-9, hệ thống siêu thị GO! và Big C đều tăng lượng dự trữ lên 30% so với bình thường. Đồng thời, các siêu thị đã thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm tri ân khách hàng, đó là Chương trình Tự hào chào Đại lễ, bao gồm hoạt động quảng bá hàng Việt - “Tự hào hàng Việt”, được triển khai đúng vào dịp Quốc khánh. Đây là hoạt động thiết thực để Central Retail đóng góp vào sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và nâng cao chất lượng sống của người Việt".

Còn tại hệ thống siêu thị BRG đã phối hợp và ký cam kết với các nhà phân phối tăng lượng hàng dự trữ lên 40% so với trước đó và đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Siêu thị bố trí các quầy hàng phù hợp, tăng nhân viên phục vụ sẵn sàng bổ sung lượng hàng lên quầy, kệ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ quảng bá hàng hóa nông sản chất lượng của Việt Nam, BRGMart đưa ra mục tiêu tiêu thụ khoảng 12 tấn nhãn lồng Hưng Yên trong dịp này.

Thực tế cho thấy, không chỉ hệ thống siêu thị kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu mới đông khách mà tại các siêu thị điện máy lớn như Pico, Media Mart, FPT Shop... khách hàng cũng đổ về mua sắm trong những ngày nghỉ lễ, máy tính xách tay là mặt hàng được tiêu thụ nhiều do cả nước bắt đầu bước vào năm học mới.

Trái ngược với sức mua tăng mạnh tại các chuỗi bán lẻ và hệ thống siêu thị là tình trạng ảm đạm của các chợ truyền thống. Tại các chợ Thành Công (Ba Đình), Kim Liên (Đống Đa), Minh Khai (Hai Bà Trưng)… tất cả các mặt hàng kinh doanh từ thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu không còn cảnh người mua tấp nập như mọi ngày. Lý giải nguyên nhân khiến sức mua tại hệ thống chợ truyền thống giảm mạnh, các tiểu thương có chung ý kiến, kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày nên người dân Thủ đô đổ đi du lịch hoặc về quê chơi nên sức mua tại các chợ lẻ giảm mạnh là chuyện dễ hiểu. Cùng với đó, trong thời gian dịch bệnh, nhiều người dân đã có thói quen mua sắm trong các hệ thống bán lẻ để tiết kiệm thời gian và chất lượng hàng hóa đảm bảo.

Không gian đi bộ xung quanh Hồ Hoàn Kiếm là một địa điểm hút khách trong dịp nghỉ lễ. 

Du lịch Hà Nội bứt phá

Trong dịp lễ năm nay, một trong những xu hướng chủ đạo của người dân là lựa chọn các địa điểm nghỉ dưỡng, du lịch ven đô để tiết kiệm chi phí. Cùng với đó, dịch bệnh được kiểm soát đã khiến lượng du khách từ các tỉnh đổ về TP Hà Nội tăng đột biến.

Các điểm tham quan tại Hà Nội như Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám hay những điểm vui chơi giải trí như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm, Vườn thú Thủ Lệ, Công viên nước Hồ Tây... đón lượng khách tăng đột biến. Dù lượng khách đông nhưng không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thúy Lan thông tin, trong ngày đầu nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, Hà Nội xuất hiện mưa dông rải rác khiến các khu vui chơi không thể triển khai hoạt động văn hóa nghệ thuật nên rơi vào tình cảnh vắng khách. Tuy nhiên, sau đó, thời tiết tạnh ráo, mát mẻ nên không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm luôn tấp nập du khách đến vui chơi giải trí, thưởng thức các hoạt động văn hóa - nghệ thuật.

Tại Vườn thú Thủ Lệ, từ ngày 2-9, lượng khách đến tham quan cũng rất đông. Nhiều khu vực nuôi nhốt thú hay các khu vui chơi trẻ em đều chật kín khách. Trong dịp nghỉ lễ 2-9, vườn thú đón từ 80.000 khách. Để phục vụ lượng khách trong dịp này, đơn vị duy trì mọi hoạt động, chỉnh trang cây cối, chăm sóc đàn động vật. Ngoài ra, đơn vị trang trí thêm cờ hoa tạo không khí tưng bừng chào mừng ngày lễ, tăng cường lực lượng bảo vệ hướng dẫn du khách đến tham quan.

Các trung tâm thương mại hút khách trong dịp nghỉ lễ nhờ hệ thống tiện ích, dịch vụ và giá thành hợp lý. 

Trong những ngày nghỉ lễ vừa qua, Công viên nước Hồ Tây cũng đã đón một lượng lớn du khách đến vui chơi, thư giãn. Đại diện Công viên nước Hồ Tây thông tin, thời tiết tại Hà Nội dịp nghỉ lễ có nắng nóng nên nhiều người đã lựa chọn Công viên nước Hồ Tây để vui chơi. Ước tính số lượng khách tới đây trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay đạt khoảng trên dưới 20.000 người.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, do tâm lý e ngại đông tại các điểm du lịch xa, người dân Hà Nội chọn du lịch tại Thủ đô Hà Nội và các điểm du lịch nằm ở ngoại ô thành phố. Chỉ tính riêng 2 ngày nghỉ lễ (ngày 1 và 2-9), Hà Nội đón 242.200 lượt khách du lịch, bao gồm 12.000 lượt khách du lịch quốc tế và 230.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 740 tỷ đồng.

Ước tính 4 ngày nghỉ lễ, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đón trên 422.000 lượt khách. Trong đó, có gần 23.000 lượt khách quốc tế và ước đón 400.000 lượt khách du lịch nội địa. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt xấp xỉ 1.300 tỷ đồng. Đây là con số tăng đột biến so với các năm trước đó, khi ngành du lịch Thủ đô bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh.

Bài, ảnh: NGỌC HUY