Trên các chuyền may, công nhân tập trung làm việc, đôi tay thoăn thoắt đưa vải vào máy, điều khiển từng đường kim mũi chỉ đều tăm tắp. Đây là doanh nghiệp có tiền thân là Xí nghiệp May Thương binh và hiện nay vẫn là nơi tạo việc làm cho nhiều con thương binh, liệt sĩ.
Mạnh dạn đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại
Dẫn chúng tôi tham quan nhà xưởng, anh Lê Anh Dũng, Giám đốc CTCP 199 cho biết: “Công ty đang khẩn trương hoàn thành đơn hàng với số lượng 15.000 sản phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đơn hàng này được công ty hoàn thành trong 2,5 tháng”.
Tiền thân của CTCP 199 là Xí nghiệp May Thương binh của Bộ CHQS tỉnh Hà Nam Ninh (trước đây), thành lập ngày 27-7-1974 với nhiệm vụ thu dung toàn bộ người lao động là thương binh, bệnh binh của tỉnh Hà Nam Ninh về làm việc. Năm 1998, công ty trực thuộc Cục Quản lý hành chính, Bộ Tổng Tham mưu; năm 2001, công ty chuyển về thuộc Công ty 20, Tổng cục Hậu cần (nay là Công ty Cổ phần X20), đến năm 2005 là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Quốc phòng tiến hành cổ phần hóa.
 |
Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần 199. Ảnh: THÁI HƯNG |
Kế thừa và phát huy truyền thống của thế hệ đi trước, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty bảo đảm tăng trưởng tốt, xây dựng được thương hiệu với nhiều khách hàng trong và ngoài nước. Công ty sản xuất nhiều đơn hàng cho lực lượng dân quân tự vệ của một số tỉnh, một số đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội, sản xuất quần áo bảo hộ lao động, may hàng xuất khẩu sang các thị trường, như: Hàn Quốc, châu Âu... Trong đó, có những mặt hàng sản xuất mang lại giá trị gia công khá cao như áo bông nhồi và áo nhồi lông vũ. Công ty hiện tạo việc làm cho 200 lao động với thu nhập trung bình khoảng 7,7 triệu đồng/người/tháng. Dịch Covid-19 khiến không ít doanh nghiệp may mặc phải cắt giảm quy mô sản xuất, giãn việc, tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty vẫn cố gắng bảo đảm nguồn hàng ổn định, không để bất kỳ lao động nào phải nghỉ việc. Việc có thể giữ chân và tuyển mới công nhân, bảo đảm công việc không bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 là sự nỗ lực rất lớn của lãnh đạo công ty.
Trong lĩnh vực dệt may, năng suất lao động là yếu tố then chốt quyết định khả năng cạnh tranh và sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp. Chính vì thế, CTCP 199 đã đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc hiện đại theo hướng tự động hóa, cụ thể như: Máy gá cữ, máy nhồi lông vũ và nhồi bông tự động, máy kiểm vải, máy vẽ sơ đồ tự động, máy cắt... Theo nhận định của chị Vũ Thị Hương, Trưởng phòng Kỹ thuật công ty: “Trước đây khi chưa có máy gá cữ, công nhân làm gá bằng tay rất mất thời gian, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao. Tuy nhiên, từ khi đưa máy gá cữ vào hoạt động, thời gian cho công đoạn làm gá rút ngắn một nửa, hiệu quả tăng lên rõ rệt. Hơn nữa, do được lập trình bằng máy nên những chiếc gá được làm ra có kích thước đều và chính xác”.
Theo anh Lê Anh Dũng, đầu tư trang thiết bị, máy móc tự động tốn nhiều chi phí nhưng giúp công ty nâng cao năng suất lao động, giảm tối đa sản phẩm lỗi, đáp ứng ngày một đa dạng các loại hàng khác nhau. Đây là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.
Tri ân cội nguồn
CTCP 199 không chỉ tập trung phát triển kinh doanh mà còn quan tâm đến đời sống của các thương binh, bệnh binh cũng như tạo điều kiện về việc làm cho con em của họ. Trong số 200 lao động đang làm việc tại công ty có những sĩ quan quân đội về hưu và không ít công nhân là con thương binh, liệt sĩ.
Vào dịp 27-7 hằng năm, với mong muốn tri ân những người có công với nước, đồng thời động viên con của thương binh, bệnh binh, liệt sĩ đang làm việc tại công ty tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, công ty đều có những hoạt động thăm hỏi, tặng quà thương binh, bệnh binh tại các trung tâm điều dưỡng thương binh ở Kim Bảng và Duy Tiên (Hà Nam)... Đối với thân nhân của liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đang làm việc tại công ty, công ty đều có những phần quà vào dịp 27-7. Chị Nguyễn Thị Chinh (sinh năm 1969) có bố là liệt sĩ chia sẻ: “Tôi làm việc tại công ty từ năm 1987. Sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn lựa chọn công ty để ký kết hợp đồng làm việc. Với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng cũng đủ để tôi chi tiêu và lo cho con ăn học. Vào dịp 27-7, công ty đều có hoạt động tri ân tới gia đình tôi khiến chúng tôi rất cảm động, muốn gắn bó với công ty”.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng, có bố là thương binh hạng 2/4 trong kháng chiến chống Mỹ, hơn ai hết, Giám đốc Lê Anh Dũng không bao giờ quên công ơn của thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh xương máu để có cuộc sống hôm nay. Anh Lê Anh Dũng bày tỏ, thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục thực hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", chăm sóc gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, tạo điều kiện về việc làm cho con em của họ.
TRÀ MY