Đó là nhận xét được đưa ra trong một bài viết mới đây trên trang mạng Jakarta Globe.

Jakarta Globe đánh giá, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới trong hơn 30 năm qua.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt 7%/năm trong giai đoạn 2009-2019. Năm ngoái, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có mức tăng trưởng GDP dương.

Phân tích các động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, Jakarta Globe cho rằng, quốc gia Đông Nam Á này đã chuyển đổi từ một nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp sang hướng công nghiệp và dịch vụ-hiện chiếm tỷ trọng khoảng 75% GDP của đất nước.

leftcenterrightdel
 Ngày 12-10-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021 do Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức. Ảnh: TTXVN

Việt Nam thu hút các doanh nghiệp toàn cầu nhờ lực lượng lao động giá rẻ, tỷ giá hối đoái ổn định và mức lạm phát thấp. Một yếu tố khác phải kể đến là cơ cấu dân số vàng của Việt Nam khi dân số trong độ tuổi lao động chiếm hơn 68%.

“Cuối cùng, một môi trường vĩ mô tích cực đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam là một trong 20 nền kinh tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hàng đầu thế giới. Năm 2021, bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, số vốn FDI vào Việt Nam dự kiến tăng 22%”, Jakarta Globe nhấn mạnh.

Theo Jakarta Globe, trong tương lai, nền kinh tế số được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì đà tăng trưởng của Việt Nam.

“Cho dù vẫn còn đang ở giai đoạn khởi đầu, song nền kinh tế số của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng to lớn nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, người dân đón nhận các xu hướng số hóa một cách nhanh chóng và đại dịch càng góp phần thúc đẩy các xu hướng số hóa”, Jakarta Globe nêu rõ.

Theo bài viết, hiểu rõ được tầm quan trọng của nền kinh tế số, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến để khuyến khích phát triển. Hồi năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Quyết định này đặt ra những mục tiêu cụ thể, như: Cải thiện cơ sở hạ tầng internet, dịch vụ mạng 5G, ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội.

Nhấn mạnh cơ cấu dân số vàng của Việt Nam, Jakarta Globe cho rằng, người tiêu dùng tại quốc gia này ngày càng hiểu biết về công nghệ và dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ trực tuyến như mạng xã hội, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong 10 quốc gia có số lượng người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) nhiều nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Jakarta Globe cho biết, dịch Covid-19 đã thúc đẩy người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các dịch vụ trực tuyến ngày càng nhiều hơn. Một khi trở thành thói quen, người tiêu dùng vẫn có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến cho các nhu cầu hằng ngày của mình ngay cả khi đại dịch đã qua đi.

Theo Jakarta Globe, tiềm năng của nền kinh tế số Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư, tạo ra một môi trường đầu tư năng động đối với các công ty công nghệ trong vài năm qua, với số vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2020.

Các quỹ đầu tư tiếp tục thể hiện cam kết với thị trường Việt Nam khi Liên minh Quỹ đầu tư Việt Nam, với sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, đã cam kết đầu tư 800 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp (startup) từ năm 2021 đến 2025.

“Nền kinh tế số sẽ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, một Chính phủ tiến bộ và dân số trẻ ngày càng hiểu biết về công nghệ, nền kinh tế số đem đến nhiều tiềm năng để các startup khám phá và tạo ra giá trị. Với tốc độ phát triển ấn tượng hiện nay, Việt Nam đang trên đà trở thành nền kinh tế số hàng đầu tiếp theo tại Đông Nam Á”, Jakarta Globe kết luận.

HOÀNG VŨ