Kênh tiêu thụ hiệu quả

Mùa vải thiều ở Bắc Giang vừa qua được đánh giá là khó khăn chồng chất khi dịch Covid-19 lần thứ tư bùng phát đúng vào kỳ thu hoạch. Nhưng hơn 200.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ thuận lợi, với mức giá ổn định, trong đó, việc huy động các kênh tiêu thụ qua các sàn TMĐT góp phần quan trọng vào thành quả này. Mùa vụ 2021, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang chính thức phân phối trên cả 6 sàn TMĐT lớn tại Việt Nam, bao gồm: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Postmart, Lazada với giá ưu đãi và chuyển phát nhanh toàn quốc thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” do Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức. Đây cũng là niên vụ đầu tiên, vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang châu Âu theo hình thức TMĐT xuyên biên giới thông qua sàn TMĐT Vỏ Sò, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel.

Bưởi da xanh của tỉnh Vĩnh Long đang cần được hỗ trợ tiêu thụ. Ảnh: VĂN THƯƠNG 

Không chỉ hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, thời gian qua, Chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” cùng các sàn TMĐT tổ chức những sự kiện mang tính lan tỏa, đem lại hiệu quả thiết thực, như: Ngày đặc sản Sơn La, Ngày hội xứ dừa-quê hương Bến Tre; đẩy mạnh tiêu thụ hành tím Sóc Trăng, Phiên chợ nông sản Việt, hay chương trình hỗ trợ nho xanh Ninh Thuận, bơ Đắc Lắc, khoai lang tím Vĩnh Long, mận hậu Sơn La, lê thơm Tai Nung (Lào Cai), sầu riêng Ri6 Trà Vinh... Hàng trăm tấn nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP được hỗ trợ tiêu thụ thông qua kênh TMĐT mà Bộ Công Thương đã và đang triển khai.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, mô hình phân phối nông sản thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" được triển khai từ cuối năm 2019, hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên các sàn TMĐT, đồng thời truyền thông, quảng bá sản phẩm địa phương khắp các vùng miền. Đây là một trong những giải pháp kịp thời giúp mở rộng kênh tiêu thụ cho nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến kênh tiêu thụ truyền thống bị thu hẹp.

Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp tham gia kênh TMĐT

Với lợi thế tốc độ nhanh, phạm vi tiếp cận rộng, chi phí thấp hơn so với thương mại truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa trên kênh TMĐT được xác định là giải pháp cứu cánh, trở thành xu thế kinh doanh tất yếu cho tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. Hiện đang là mùa thu hoạch của na Chi Lăng (Lạng Sơn), bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), khoai lang tím (Vĩnh Long), khoai môn (Đồng Tháp)... Các sàn TMĐT đang đẩy mạnh kết nối nông sản nhiều địa phương để tiêu thụ.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc bán nông sản qua các sàn TMĐT gặp phải một số khó khăn trong việc cung ứng. Điển hình, trái cây, nông sản từ vườn đến tay người tiêu dùng trải qua nhiều bên trung gian và để giữ được độ tươi ngon đòi hỏi quy trình bảo quản nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất là nhận thức của người nông dân về TMĐT còn nhiều hạn chế. Vì vậy, các cơ sở sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp cần được huấn luyện, đào tạo bài bản về cách thức quảng bá trực tuyến, xây dựng hình ảnh sản phẩm. Đồng thời, cần chú ý tới cách thức chăm sóc khách hàng, những dịch vụ sau bán hàng, các hình thức cam kết, quản lý chất lượng sản phẩm. Theo bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hướng đi của các đơn vị sản xuất, kinh doanh lên sàn TMĐT là đúng đắn. Nhờ đó, có thể đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà còn vươn ra thế giới. Tuy nhiên, để đẩy mạnh thị trường qua TMĐT, các nhà sản xuất cần xây dựng thêm phòng chuyên môn để có thể hỗ trợ tiêu thụ và quảng bá sản phẩm tốt hơn nữa.

Bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho biết, với vai trò đầu mối về quản lý và phát triển TMĐT, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ kết nối và tổ chức cùng với các sàn TMĐT đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ phân phối sản phẩm chất lượng ở các tỉnh, thành phố. Khi tham gia “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia", doanh nghiệp sẽ được các chuyên gia TMĐT tư vấn miễn phí từng bước, từ khâu đăng ký gian hàng, xử lý hình ảnh, đăng bán đến đóng gói, giao hàng, các kỹ thuật hỗ trợ bán hàng hiện đại... Đặc biệt, tham gia phân phối trên “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia”, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ truyền thông quảng bá sản phẩm, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ các sàn TMĐT; được hỗ trợ chi phí chuyển phát và hỗ trợ những giải pháp tài chính từ các đối tác của chương trình.

KHÁNH AN