Với quy mô dân số 100 triệu dân và tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam đang đứng trước cơ hội để vươn lên trong lĩnh vực sản xuất và sử dụng xe điện, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường. Tham gia giao thông xanh-sạch-đẹp thông qua thay đổi thói quen từ sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân sang xe đạp, xe điện, phương tiện công cộng và đi bộ cũng phù hợp với định hướng chung về an toàn giao thông đường bộ toàn cầu, được Việt Nam tích cực hưởng ứng thông qua phát động của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Để thực hiện hóa cơ hội này, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì phát triển ngành công nghiệp sản xuất phương tiện, trang thiết bị giao thông vận tải sử dụng điện, năng lượng xanh. Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh trong giao thông vận tải…
    |
 |
Phát triển phương tiện giao thông xanh thân thiện với môi trường đang ngày càng được quan tâm tại Việt Nam.
|
Bài 1: Những người tiên phong, mở đường
Để sản xuất phương tiện giao thông thân thiện với môi trường cần nền tảng khoa học, công nghệ tiên tiến, ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0. Thị trường xe điện đã chứng kiến những bước đi tiên phong, từ những doanh nghiệp lớn, đầu tư dây chuyền, máy móc hiện đại đến các đơn vị khởi nghiệp (startup). Điểm chung giữa họ là nhìn thấy cơ hội từ sự dịch chuyển trong giao thông mà cả trăm năm mới có một lần.
Xe xanh - hút người tiêu dùng
Nhiều năm sử dụng xe máy điện cho các nhu cầu đi lại cá nhân, chị Trần Thị Thủy (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhìn nhận, ưu điểm của xe điện là vận hành êm thuận, ít hỏng hóc phải bảo dưỡng, sửa chữa, tiết kiệm chi phí vận hành, thân thiện với môi trường. Việc sạc pin cho xe máy điện cũng khá thuận tiện khi có thể sử dụng nguồn điện tại nhà. Chị Trần Thị Thủy đang tìm hiểm về ô tô điện để sử dụng trong thời gian tới. Theo đánh giá của chị, xe điện hiện nay nhiều mẫu mã với nhiều phân khúc, đáp ứng đa dạng nhu cầu, giá thành không quá cao và nhận được nhiều ưu đãi từ nhà sản xuất.
Báo cáo nghiên cứu về người tiêu dùng ô tô năm 2023 của Deloitte, đơn vị chuyên về kiểm toán cho thấy, có sự dịch chuyển trong nhu cầu sử dụng xe ô tô động cơ đốt trong sang các loại xe điện ở Việt Nam. Trong đó, hai dòng xe điện được người tiêu dùng Việt Nam cân nhắc nhiều nhất cho chiếc xe tiếp theo là xe hybrid sạc điện (xe có cả động cơ điện và động cơ đốt trong) với 18% và xe thuần điện 19%.
    |
 |
Người dân tham quan mẫu ô tô thuần điện được sản xuất, lắp ráp trong nước. Ảnh: BẢO LINH |
Một trong những ưu thế của xe điện, xe hybrid là thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Hiện nay, xe máy điện đã trở nên phổ biến tại đô thị và nông thôn, phù hợp cho hạ tầng giao thông hiện tại. Đa số người tiêu dùng đánh giá xe máy điện kiểm soát tốc độ tốt, nâng cao tính an toàn khi tham gia giao thông, thân thiện với môi trường.
Tiếp sau xe máy điện, ô tô điện đang mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tượng sử dụng. Thời điểm hiện tại, trong nước có 2 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô điện gồm VinFast (thuộc tập đoàn Vingroup) và Công ty cổ phần ô tô TMT. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công và Công ty CP ô tô Trường Hải cũng đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện của Huyndai, KIA tới khách hàng để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian tới.
Con số về tăng trưởng doanh thu, sản lượng của đơn vị sản xuất ô tô điện cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam còn rất lớn. Như với VinFast, công ty chuyên về sản xuất ô tô điện, quý II-2023, mảng sản xuất ghi nhận doanh thu 8.017 tỷ đồng, tăng 352% so với quý I-2023 và tăng 169% so với cùng kỳ năm 2022. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu sản xuất đạt 9.790 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm 2023 VinFast bán ra 11.638 ô tô điện. Năm 2022, VinFast có doanh số bán xe đạt 24.000 ô tô (cả xe xăng và xe điện), 60.300 xe máy điện, tổng doanh thu mảng sản xuất 12.664 tỷ đồng.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo, Việt Nam có thể đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và mốc 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Xác định lộ trình thay thế phương tiện chạy bằng xăng, dầu
Một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển của thị trường là việc xác định rõ lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh đối với ngành giao thông vận tải theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải.
Quyết định nêu rõ, giai đoạn 2022-2030 sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện; phát triển hạ tầng sạc điện đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp. Từ năm 2025, có 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, có 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh.
    |
 |
Trải nghiệm một số tính năng của ô tô điện tại Việt Nam. Ảnh: BẢO LINH |
Đến năm 2030, sẽ thúc đẩy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và chuyển đổi sử dụng các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng điện. Đến 2040, từng bước hạn chế tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sử dụng trong nước
Đến năm 2050: 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh, toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Hình thành hệ sinh thái cho xe điện
Vào tháng 12-2021, mẫu xe điện Vfe34 của Công ty VinFast được ra mắt trở thành mẫu xe điện đâu tiên được sản xuất tại Việt Nam. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu bước phát triển mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Từ đó, nhiều mẫu xe điện với các tính năng hiện đại đã gia nhập thị trường, đến tay người tiêu dùng.
Gần đây, tháng 5-2023, Công ty cổ phần ô tô TMT đã xuất xưởng xe ô tô điện mini đầu tiên tại nhà máy ở Hưng Yên. Cùng với đó, số lượng xe ô tô điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tại nước ta gia tăng nhanh chóng trong những năm gần đây.
Để phát triển xe điện cần xây dựng hệ sinh thái cho loại hình phương tiện này, trong đó có 4 thành phần chính là xe điện thông minh, pin có tính tương thích cao, trạm đổi pin tự động và nền tảng quản lý sử dụng công nghệ IoT (internet vạn vật).
Theo bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, ngay từ đầu khi thành lập khoảng 6 năm trước đây, VinFast đã đặt cho mình sứ mệnh thay đổi cuộc cách mạng xanh ở thế giới, đặt mục tiêu sản xuất xe điện để ai cũng có thể mua được xe điện. Bà Lê Thị Thu Thủy nhận định, nhu cầu xe điện trên thế giới rất cao khi các nước dứt khoát trong việc đặt mục tiêu chống phát thải, chuyển xe xăng sang xe điện và ý thức của người dân về bảo vệ môi trường. Xe điện được thị trường đón nhận mạnh giúp tạo chuyển biến về phương tiện đi lại, người tiêu dùng được sử dụng và hiểu về xe điện.
Không chỉ ô tô điện, tại Việt Nam, xe máy điện đã có nhiều đơn vị tham gia sản xuất và ngày càng đa dạng sản phẩm gia nhập thị trường. Là một trong những đơn vị tiên phong trong sản xuất xe máy điện với mục tiêu hướng đến thay thế xe máy xăng, đại diện Công ty cổ phần Phát triển năng lượng Sơn Hà cho rằng, trong các nhóm giải pháp đối với chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon, khí mê-tan, nhóm giải pháp về chuyển đổi cá nhân sẽ có tinh lan tỏa cao.
Phương tiện cá nhân chạy bằng điện khi lưu thông trên đường phố sẽ là hình ảnh trực quan, sinh động để tuyên truyền, thay đổi nhận thức của nhân dân về sử dụng xe điện.
    |
 |
Các loại xe máy điện, xe đạp điện cũng được ngươi tiêu dùng Việt Nam quan tâm. Ảnh: BẢO LINH |
Cuối tháng 7-2023, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã thăm nhà máy sản xuất xe máy điện của Công ty Selex Motors tại Hà Nội. Đây là một công ty khởi nghiệp mới được thành lập vào tháng 6-2018 từ ý tưởng của 3 sáng lập viên ban đầu.
Đáng chú ý, 2 trong số 3 sáng lập viên này đều lấy bằng tiến sĩ ở Mỹ. Như chia sẻ của anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên, Tổng giám đốc Công ty Selex Motors, bỏ qua nhiều lời mời từ các tập đoàn lớn ở nước ngoài, anh về nước với mong muốn cống hiến, tạo ra những giá trị mới từ kiến thức mà mình đã thu nhận được.
Nhận thấy sự chuyển dịch từ xe sử dụng động cơ đốt trong sang xe điện cũng giống như khi xe động cơ thay thế xe sức kéo, theo anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên điều này tạo ra cơ hội cả trăm năm mới có một lần. Điều đó thôi thúc anh khởi nghiệp làm xe điện với mong muốn chớp lấy cơ hội, canh tranh sòng phẳng với sản phẩm nước ngoài, hướng đến phát triển bền vững.
Bên cạnh sản xuất trong nước, nhiều hãng sản xuất ô tô nước ngoài đã nhập khẩu, phân phối ô tô thuần điện, xe hybrid tại Việt Nam. Có thể kể đến một số mẫu xe điện nhập ngoại như Hyundai Ioniq 5, Kia EV6. Còn có cả dòng xe sang chạy điện như Mercedes-Benz EQS, Porsche Taycan... Thị trường xe điện Việt Nam hứa hẹn sẽ có những bước phát triển mới trong tương lai gần.
Hiện nay, xe ô tô điện được chia thành những loại chính như sau:
Xe ô tô điện chạy pin (Battery electric vehicles - BEV) là loại xe điện chạy hoàn toàn bằng pin, cấu trúc của xe không bao gồm động cơ xăng hay ống phun xăng, nguồn điện được lưu trữ trong pin sạc và sạc từ nguồn bên ngoài, từ phanh tái tạo ngay bên trong xe.
Xe ô tô điện sử dụng pin nhiên liệu (Fuel cell electric vehicles- FCEV) là dòng xe điện dùng pin nhiên liệu để vận hành, xe sử dụng phản ứng hóa học giữa Hydro hóa lỏng (Hydrogen, H2) kết hợp Oxy từ không khí tạo ra năng lượng điện cho hoạt động của xe.
Xe ô tô năng lượng mặt trời (Solar electric vehicles - SEV) là xe điện sử dụng các tế bào quang điện, giống như loại được sử dụng trong các tấm pin mặt trời được lắp trên nóc xe, trực tiếp chuyển đổi năng lượng từ ánh sáng mặt trời thành điện năng và nạp cho bộ ắc quy để xe có thể hoạt động được liên tục.
|
MẠNH HƯNG - VŨ DUNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.