Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thuế có nội dung cơ bản là xoá bỏ về căn bản những thủ tục mang tính quan liêu, rườm rà, gây phiền hà và hoàn thiện nó theo hướng công khai, đơn giản và thuận tiện, rút ngắn thời gian cho người nộp thuế khi giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục về thuế. Cụ thể là đổi mới thủ tục kê khai, đăng ký cấp mã số thuế, thủ tục hoàn thuế, miễn giảm thuế, thủ tục trong công tác thanh tra, kiểm tra, cải tiến tờ khai thuế. Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2014, nhiều doanh nghiệp cho rằng TTHC thuế hiện nay vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Còn rườm rà, gây phiền hà cho doanh nghiệp
Theo khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong TTHC thuế chiếm tới 17%, chỉ sau thủ tục hành chính về đất đai. Trong một số trường hợp doanh nghiệp có khó khăn, vốn nhỏ, hàng hóa không tiêu thụ được dẫn đến nợ đọng, không hoàn thành được báo cáo thuế thì dễ dàng bị gắn cho mác là doanh nghiệp bỏ trốn, người đại diện bị “treo” tư cách pháp nhân, nếu muốn khôi phục lại hoạt động thì việc đầu tiên phải đảm bảo là hoàn thành các nghĩa vụ thuế trước, vượt quá khả năng của doanh nghiệp trong quá trình phục hồi sản suất kinh doanh.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang cũng nêu ra trên thực tế, việc giảm, giãn nợ thuế để đến năm sau mới thu và thu cùng một lúc sẽ làm doanh nghiệp không đủ khả năng chi trả, nhất là thời điểm phải nộp thuế rơi vào lúc doanh nghiệp đang khó khăn về tài chính. Ngoài ra, chính sách miễn, giảm thuế cũng chưa có tác dụng thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp bởi doanh nghiệp đang khó khăn, thua lỗ thì đâu có thu nhập để chịu thuế, do đó chính sách này tuy được công bố cũng không có tác dụng đối với việc hỗ trợ doanh nghiệp.
 |
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội.
|
Bên cạnh đó, với các hoạt động thanh, kiểm tra, nhiều doanh nghiệp đề nghị cơ quan thuế trong tình hình khó khăn hiện nay cần hạn chế thanh tra đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có truyền thống thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về thuế, tránh việc thanh, kiểm tra chồng chéo, gây nhũng nhiễu doanh nghiệp. Quá trình thanh, kiểm tra phải có kế hoạch sớm từ đầu năm, có sự phối hợp cùng với các cơ quan khác, nhằm giảm thiểu thời gian, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp…
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng thanh tra, kiểm tra thuế, là chuyện cấp thiết, nhưng mong muốn công tác này của Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ không tiến hành chồng chéo. Từ đó, bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng, nếu cùng một nội dung thanh, kiểm tra, mà trước đó có một cơ quan đã thực hiện, thì cơ quan khác sử dụng kết quả thanh, kiểm tra trước đó để phục vụ cho công tác quản lý nhà nước theo yêu cầu, mà không thanh, kiểm tra lại. Đây là biện pháp cần sớm áp dụng để giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp… Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn kiến nghị chính sách thuế cần phải ổn định trong 5-10 năm mới giúp doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất lâu dài được.
Rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thuế
Theo Nghị quyết 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được Chính phủ ban hành, năm 2015, thời gian thực hiện các thủ tục về thuế của doanh nghiệp phải giảm còn 171 giờ/năm. Nhưng theo số liệu khảo sát của các tổ chức quốc tế thì thời gian bình quân để doanh nghiệp của Việt Nam thực hiện các thủ tục về thuế hiện nay vẫn mất 876 giờ. Chính điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng thời hạn thực hiện đang tới rất gần, khó có thể giảm được thời gian làm thủ tục thuế từ 876 giờ/năm xuống còn 171 giờ/năm như mục tiêu đã đề ra.
Tổng cục Thuế cho biết, đây là thách thức rất lớn, nhưng có thể thực hiện được. Theo ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thì thời gian tới, bên cạnh việc triển khai các luật thuế, để rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế, Tổng cục Thuế đã và đang tiếp tục rà soát các văn bản chính sách, đánh giá lại và cải tiến quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế hơn nữa theo hướng đơn giản hóa, xóa bỏ các thủ tục rườm rà, phức tạp hoặc trùng lắp nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế; công khai, minh bạch thủ tục hành chính thuế, để doanh nghiệp và người dân dễ tiếp cận… Tính đến tháng 12/2013 đã có 12 TTHC được thay thế và bãi bỏ, giảm đáng kể chi phí TTHC, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, theo ý kiến của một số chuyên gia để đẩy mạnh cải cách TTHC thuế ở Việt Nam, thì cần rút ngắn thời gian thực hiện TTHC thuế đi đôi với việc nâng cao chất lượng phục vụ và đảm bảo hiệu quả công tác quản lý thuế cũng là một hướng đi trong quá trình cải cách TTHC; giảm tần suất kê khai, Nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” giải quyết các TTHC thuế tại cơ quan thuế các cấp, cũng như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Đặc biệt, Tổng cục Thuế nhấn mạnh sẽ tự động hoá quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, TTHC thuế của người nộp thuế thông qua các chương trình thuế điện tử. Mở rộng diện áp dụng đăng ký, kê khai thuế qua mạng internet; phát triển và áp dụng hình thức khai trực tuyến qua cổng thông tin điện tử ngành thuế. Đồng thời, tiếp tục mở rộng hình thức thu nộp thuế qua hệ thống ngân hàng thương mại, qua ATM; phát triển và áp dụng hình thức thu nộp thuế qua mạng internet, qua bưu điện và qua mạng điện thoại di động. Đồng thời, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phối hợp thu ngân sách nhà nước với các ngân hàng thương mại.
Theo TTXVN