Tiềm năng chưa được phát huy

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại với nhiều phần việc như: Nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, làm thủ tục hải quan, đóng gói bao bì, giao hàng… Trong đó, nhà cung cấp dịch vụ với năng lực của mình, có thể cung cấp từng phần việc hoặc tất cả các loại dịch vụ của chuỗi cung ứng.

Cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Tân Cảng Shipping (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn) đã có chuyến tàu hàng đầu tiên vào luồng sông Hậu cập cảng Cái Cui (TP Cần Thơ), mang theo 4.488 tấn hàng hóa (nhập, xuất) của 19 khách hàng tại TP Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cà Mau. Đây là chuyến tàu đi thẳng từ TP Hải Phòng vào TP Cần Thơ, không qua trung chuyển và thực hiện dịch vụ logistics trọn khâu, giúp cho khách hàng tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Tại ĐBSCL hiện nay, nhà cung cấp dịch vụ logistics trọn khâu như nói trên rất ít, phần lớn là các dịch vụ logistics nhỏ lẻ. Chiều 22-12, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết: Do ĐBSCL chưa có chuỗi cung ứng dịch vụ logistics hoàn chỉnh nên hàng hóa của công ty phải vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh hoặc Đồng Nai để làm thủ tục xuất khẩu. Điều này không chỉ phát sinh chi phí, thời gian vận chuyển, thủ tục thông quan mà còn làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. “Nếu ĐBSCL có đầy đủ dịch vụ logistics, mỗi tấn hàng hóa vận chuyển đường bộ sẽ giảm được khoảng 30.000 đồng, đường thủy thì khoảng 15.000 đồng”, ông Bình tính toán.

Đại tá Vũ Khánh Dương, Giám đốc khu vực Tây Nam Bộ của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn chia sẻ: Hằng năm, ĐBSCL có khoảng 17 đến 18 triệu tấn hàng hóa thuộc các ngành hàng chủ lực như gạo, thủy sản, trái cây xuất khẩu. Trong đó có đến 70% lượng hàng hóa vẫn phải vận chuyển lên TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai bằng đường bộ, khiến doanh nghiệp gánh chịu thêm chi phí vận chuyển cao hơn 10 đến 40% so với khi xuất khẩu tại chỗ. Đại tá Vũ Khánh Dương cho rằng, ĐBSCL vốn có tiềm năng to lớn để phát triển dịch vụ logistics nhưng chưa được phát huy. Vùng đất này có chiều dài bờ biển hơn 700km nhưng không có cảng biển lớn. Toàn vùng có gần 2.170 cảng sông và bến xếp dỡ nhưng chủ yếu là cảng sông nhỏ và không có cảng công-ten-nơ chuyên dùng, chỉ có một vài cảng đủ khả năng tiếp nhận công-ten-nơ với quy mô hạn chế, trang thiết bị thô sơ và năng suất thấp.

Cơ sở hạ tầng (đường bộ, đường thủy, cảng sông, cảng biển, kho tàng, bến bãi…) là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển dịch vụ logistics nhưng ĐBSCL hiện đang rất yếu. Ông Nguyễn Công Bằng, Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải đánh giá: Sự phối hợp giữa hai phương thức vận tải thủy, bộ tại ĐBSCL chưa phát triển do kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ và hoạt động trung chuyển giữa các loại hình vận tải chưa thực sự thuận lợi. Các tuyến đường thủy nội địa hạn chế khả năng khai thác phương tiện lớn, tốc độ cao. Hệ thống bến, bãi thủy nội địa chưa đáp ứng được các hình thức vận tải đa phương tiện.  

leftcenterrightdel
Tàu chở hàng của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cập cảng Cái Cui (TP Cần Thơ) với dịch vụ logistics trọn khâu. 

Trung tâm logistics của vùng vẫn chưa hình thành

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 3-7-2015 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có ĐBSCL, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã kiến nghị chọn TP Cần Thơ làm nơi xây dựng trung tâm logistics cho toàn vùng.

Việc xây dựng trung tâm logistics tại TP Cần Thơ nhận được sự đồng thuận cao của lãnh đạo thành phố, nhiều nhà đầu tư cũng rất quan tâm, bày tỏ ý định xây dựng hệ thống logistics nơi đây. Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương TP Cần Thơ, cho biết:  Sở Công Thương TP Cần Thơ đã đề xuất lên UBND thành phố dự án xây dựng trung tâm logistics hạng 2 (cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế) tại TP Cần Thơ. Tính đến nay, đã có nhiều nhà đầu tư tìm hiểu, có ý định đầu tư xây dựng hệ thống logistics...

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay việc lựa chọn địa điểm xây dựng trung tâm logistics tại TP Cần Thơ vẫn chưa thống nhất do còn vướng về thủ tục, quy hoạch, quy mô xây dựng. TP Cần Thơ cũng đang cân nhắc, xem xét năng lực tài chính, kinh nghiệm của nhà đầu tư để lựa chọn mời gọi đầu tư sao cho hiệu quả nhất.

Ông Trương Quang Hoài Nam, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, nhu cầu xây dựng trung tâm logistics tại TP Cần Thơ là cấp bách và cần thiết. Việc thành lập được trung tâm logistics đúng tầm cỡ sẽ góp phần tích cực cho sự phát triển bền vững và ổn định của vùng ĐBSCL. Sự hoạt động hiệu quả của trung tâm sẽ giảm thiểu chi phí đầu vào, tăng giá trị gia tăng của hàng hóa đối với các mặt hàng chủ lực của vùng.

Nhận thấy vai trò quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của ĐBSCL, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ ĐBSCL sớm thành lập trung tâm logistics, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích các nhà đầu tư (cả trong và ngoài nước). Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương cho vùng ĐBSCL trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, mục tiêu của vùng đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó có việc thúc đẩy nhanh tiến trình thành lập trung tâm logistics tại vùng ĐBSCL.

Bài và ảnh: HỒNG HIẾU