Năm nay, Rằm tháng Giêng rơi vào ngày Chủ nhật (5-2). Theo phong tục xưa có câu "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", do vậy ngày lễ này rất được chú trọng. Đây là một dịp đặc biệt trong văn hóa của người dân Việt Nam từ xưa tới nay; là dịp để con cháu ở xa không về kịp vào dịp Tết có thể về sum vầy quây quần ăn Tết muộn bên gia đình.

Giá cả ổn định

Theo khảo sát cho thấy, thị trường các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, hoa tươi trong dịp này có sức mua tăng mạnh nhưng giá cả đã ổn định trở lại như ngày thường; nhiều mặt hàng giảm nhiều so với những ngày cận Tết, không xảy ra tình trạng tăng giá "chặt chém" khách hàng. 

Qua khảo sát tại các chợ truyền thống tại Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm... và các siêu thị lớn như BigC, MM Mega Market, Co.opmart...cho thấy, hàng hóa rất đa dạng, phong phú, dồi dào; giá cả đều giảm so với các hôm trước; các mặt hàng tươi sống giá khá ổn định; riêng nhiều mặt hàng rau xanh thì giảm giá so với thời điểm trước và sau Tết. Mặt khác, do Rằm tháng Giêng trùng vào dịp cuối tuần nên các siêu thị cũng tung ra nhiều khuyến mãi, giảm giá sâu để hút khách hàng. 

Cụ thể, thịt lợn có giá dao động từ 100.000 đến 160.000 đồng/kg sấn, ba chỉ, bắp giò. Thịt bò có giá quanh mức 300.000 đồng/kg. Gà trống nguyên con có giá 120.000 - 140.000 đồng/kg. 

Giá rau bắp cải, cải thảo giá chỉ quanh mức 16.000 đồng/kg; cà rốt 13.000 đồng/kg; củ cải 10.000 đồng/kg; khoai tây 23.000 - 25.000 đồng/kg; dưa chuột 15.000 đồng/kg; súp lơ từ 8.000 đến 10.000 đồng/cây; rau cải cúc từ 4.000 đến 5.000 đồng/mớ, cà chua, bí xanh có giá từ 10.000 đến 36.000 đồng/kg; cải bó xôi 13.000 đồng/kg; nấm kim châm 13.000 đồng/kg; nấm đùi gà 23.000 đồng/kg....

leftcenterrightdel
Giá cả hàng hóa đã ổn định, nhiều mặt hàng giảm nhiều so với những ngày cận Tết. Ảnh minh họa: Siêu thị MM Mega Market 

Ngoài ra, giá các loại hải sản giá cũng hạ nhiệt so với thời điểm trước và ngay sau Tết. Cụ thể với mặt hàng tôm tươi, cua tươi trước Tết có thời điểm lên tới 400.000 - 500.000 đồng/kg, thì nay giá dao động từ 180.000 đến 350.000 đồng/kg tùy loại. Các loại cá như cá trắm, cá chép… giá ổn định, không có gì đột biến, từ 50.000 đến 80.000 đồng/kg tùy kích cỡ.

Không chỉ mặt hàng thực phẩm tươi sống mới ổn định giá mà mặt hàng hoa quả cũng trong tình trạng tương tự mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh dịp này.

Theo chị Lê Thanh Hồng, chủ cửa hàng rau ở chợ Cổ Nhuế (Hà Nội), nhìn chung hoa quả phục vụ nhu cầu thờ cúng dịp Rằm tháng Giêng năm nay đa dạng, giá giảm nhiều so với thời điểm trước Tết, song sức mua của người dân cũng không có gì đột biến so với năm trước.

Hiện dưa hấu có giá 18.000 - 29.000 đồng/kg; thanh long có giá 45.000 - 50.000 đồng/kg; bưởi 25.000 - 30.000 đồng/quả; cam sành có giá khoảng 20.000 đồng/kg; cam Canh, quýt Sài Gòn 40.000 - 60.000 đồng/kg; xoài Cát Chu 55.000 - 60.000 đồng/kg; roi đỏ 45.000 đồng/kg; dâu tây Hàn Quốc 300.000 đồng/0,5kg...

Theo các siêu thị, do các đơn vị đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các đơn vị địa phương nên chủ động được nguồn cung, không bị khan hàng. Cùng với đó, năm nay do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát; thời tiết khá thuận lợi cho sản xuất rau màu nên nguồn cung đầu năm nay khá ổn định, không bị thiếu hụt như mọi năm.

Đặc biệt, giá hoa tươi ngày hôm nay cũng giảm so với hôm 30 Tết. Cụ thể, giá hoa hồng quanh mức 8.000 đồng/bông; hoa cúc 5.000 đồng/bông; hoa ly 20.000 đồng/bông; hoa lay ơn 10.000 đồng/bông; hoa violet 20.000 đồng/bó; hoa thược dược 35.000 đồng/bó...

Mặt khác, năm nay, do cau được mùa nên giá cả cũng không quá đắt đỏ và dao động ở mức khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/quả tùy loại. Những cành đào nhỏ cũng được nhiều bà con lựa chọn để cắm ban thờ thắp hương dịp Rằm tháng Giêng, mức giá dao động từ 50.000 đến 70.000 đồng/cành, tùy loại... Mặt hàng bánh chưng cũng vẫn khá hút khách với giá dao động 40.000 - 70.000 đồng/ chiếc, tùy nơi sản xuất. 

Đa dạng thực phẩm chay

Đáng chú ý, theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây, do xu hướng người dân chuyển sang thích ăn chay nhiều hơn, ưa chuộng các sản phẩm chay có nguồn gốc nông sản hữu cơ. Vì vậy, những ngày này, mặt hàng thực phẩm chay phục vụ nhu cầu cúng lễ ngày Rằm tháng Giêng rất sôi động. Sản phẩm đồ ăn chay cũng rất đa dạng, phong phú, hấp dẫn, dễ ăn không khác gì các sản phẩm mặn nên sức tiêu thụ tăng mạnh, nhất là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất. 

Số lượng các cửa hàng chay cũng khá nhiều nên rất dễ dàng cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn mua thực phẩm về làm hoặc có thể đặt sẵn mâm cơm chay. Giá mâm cỗ chay thường dao động từ 450.000 đến 1.100.000 đồng/mâm.

leftcenterrightdel
 Với người tiêu dùng bận rộn có thể đặt các mâm cỗ chay. Ảnh minh họa: Vnexpress

Chị Đặng Thu Thủy (Hai Bà Trưng, Hà Nội) - một người hay nấu đồ ăn chay cho biết, để nấu một mâm cỗ chay, người tiêu dùng có thể mua giò chả, bánh chưng chay, gà chay và xào thêm rau, nấu thêm canh nữa là đã hoàn thành mâm cỗ chay. Do đó, điều quan trọng là người tiêu dùng nên chọn các cửa hàng có uy tín để mua sản phẩm để bảo đảm an toàn thực phẩm cũng như độ ngon của mâm cỗ chay. 

Qua khảo sát một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Winmart, Big C, Co.op Mart... cho thấy, những siêu này đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất với giá khá rẻ.

Cụ thể nem chay dao động từ 60.000 đến 75.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000 - 66.000 đồng/kg; gà chay 70.000 - 100.000 đồng/con; cá, tôm chay dao động từ 100.000 đến 300.000 đồng/kg; bánh chưng chay giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/chiếc; chả cốm 30.000 đồng/chiếc; giò lụa, giò nấm, giò thủ, chả quế có giá từ 75.000 đến 150.000 đồng/kg; chả tôm chay 55.000 đồng/hộp, canh ốc chuối đậu 45.000 đồng/hộp; canh măng mọc 50.000 đồng/hộp; nộm rong sụn 40.000 đồng/gói; mọc nấm, bò xào xả ớt 40.000 đồng/hộp...

MINH AN