QĐND - "Hải Phòng ơi, hôm nay bé nhỏ, mai ta đã thấy rộng, dài, rực sáng..." - câu hát hào hùng, thiết tha trong bài hát “Thành phố Hoa phượng đỏ” của nhạc sĩ Lương Vĩnh, phổ thơ Hải Như đã từng làm rung động con tim hàng triệu người con đất Cảng từ mấy thập kỷ trước, nay đã trở thành hiện thực. Hải Phòng hôm nay đang “rộng, dài, rực sáng. Sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương”…
Diện mạo mới
“Thành phố thay đổi nhanh quá, đường phố mới rộng thênh thang, thêm rất nhiều công trình kiến trúc đẹp, nhiều khu công nghiệp hiện đại…” . Đó là cảm nhận của bà Đào Tuyết Nhung, 82 tuổi, Việt kiều tại Pháp khi về thăm Hải Phòng vào đúng dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng thành phố.
 |
Khu đô thị mới Hải Phòng. Ảnh: Duy Thính
|
Cảm nhận của bà Tuyết Nhung cũng là cảm nhận của rất nhiều người con thành phố Cảng nay trở lại quê nhà. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, Hải Phòng chỉ có 3 quận nội thành với diện tích khá khiêm tốn, nay đã có 7 quận với diện tích tăng gấp hàng chục lần so với trước. Nếu như trong những năm 80 của thế kỷ trước, Hải Phòng tự hào vì có “bốn cống, ba cầu, năm cửa ô” thì đến nay, toàn thành phố đã có hàng trăm cây cầu hiện đại. Trong đó có cầu Rào 2 bắc qua sông Lạch Tray, được hoàn thành năm 2013 kết nối quận Lê Chân với quận Dương Kinh, góp phần mở rộng đô thị thành phố về hướng đông-nam. Cầu Tam Bạc mới vừa hoàn thành khơi dậy tiềm năng kết nối giữa quận Lê Chân và quận Hồng Bàng qua sông đào Thượng Lý. Nhiều cây cầu hiện đại khác cũng vừa được khánh thành. Dự án nâng cấp đô thị Hải Phòng vừa kết thúc sau 10 năm triển khai đã tạo ra một diện mạo mới cho thành phố Cảng, những khu nhà lụp xụp thuở trước nay không còn nữa, thay vào đó là những khu chung cư hiện đại, đầy đủ tiện nghi.
Chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng thành phố Hải Phòng, từ cuối tuần qua, công trình nhạc nước hoành tráng với tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng tại hồ Tam Bạc đã chính thức được khai trương, thu hút hàng trăm nghìn người dân đổ về hồ để thưởng thức. Với những hình ảnh đầy ấn tượng bởi hiệu ứng laser 3D, pháo hoa, hiệu ứng nước và ánh sáng được kết hợp trong show nhạc nước… đã tạo ra những bữa tiệc ánh sáng và âm thanh của thành phố Cảng. Những hiệu ứng độc đáo như: Phun nước thẳng đứng, vòi rồng, phun sương, rẻ quạt, cánh chim, cánh hoa, lắc lư, đuôi công, chụm xòe… gây ấn tượng mạnh với người xem.
Thành phố “đi trước về sau”
Đồng chí Dương Anh Điền, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết: Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954) đã buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong khi các địa phương khác ở miền Bắc đã được hưởng hòa bình, tự do, thì Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng còn phải tiếp tục cuộc đấu tranh kiên cường, dũng cảm trong vùng tập kết, chuyển quân 300 ngày của quân đội Pháp. Đến ngày 13-5-1955, Hải Phòng mới được giải phóng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hải Phòng là thành phố “đi trước về sau”. Hải Phòng đã bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 20-11-1946 với trận đánh “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bảo vệ Nhà hát thành phố, trước một tháng so với ngày Toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946). Nhiều trận đánh nổi tiếng của quân dân Hải Phòng trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã đi vào lịch sử của dân tộc như: “Đường 5 anh dũng”; “Đường 10 quật khởi”; “Sở Dầu, Cát Bi rực lửa”; ...
 |
Pháo hoa chào mừng 60 năm Giải phóng Hải Phòng. Ảnh: Duy Thính
|
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hải Phòng trở thành quê hương của phong trào thi đua “Sóng Duyên hải” trong công nghiệp, phong trào xây dựng tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; là nơi xuất phát của những chuyến tàu “không số” chuyên chở vũ khí chi viện cho các chiến trường miền Nam, làm nên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển.
Với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Hải Phòng đã hết lòng yêu thương, nuôi dưỡng hàng nghìn con em miền Nam tập kết ra Bắc học tập, trưởng thành và trở về quê hương chiến đấu, công tác, trở thành những “hạt giống đỏ” của cách mạng miền Nam. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.
Là thành phố Cảng, cửa ngõ nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa và quốc tế, trong cả hai cuộc chiến tranh phá hoại và phong tỏa (giai đoạn 1965-1975), Hải Phòng đã bị đế quốc Mỹ dùng máy bay và tàu chiến đánh phá hủy diệt. Song, Đảng bộ, quân và dân Hải Phòng đã kiên cường bám trụ, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc, cùng với quân, dân Thủ đô Hà Nội làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”.
Sẵn sàng bứt phá
Trong 5 năm gần đây, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn gay gắt về nguồn vốn, về thị trường và phải dành nguồn lực không nhỏ cho bảo đảm các nhu cầu an sinh xã hội; song được sự lãnh đạo, ủng hộ hết lòng của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hải Phòng đã nỗ lực phấn đấu, thu được những kết quả quan trọng, tiềm lực kinh tế thành phố được nâng lên, quy mô kinh tế được mở rộng, GDP năm 2015 ước gấp 1,52 lần năm 2010. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu nhiệm kỳ (năm 2011) đến nay ước tăng gấp 1,5 lần tổng vốn FDI của những năm trước cộng lại. Trong đó, có nhiều dự án quy mô đầu tư lớn, công nghệ cao đến từ các tập đoàn uy tín trên thế giới. Không gian kinh tế thành phố được mở rộng, thị trường xuất khẩu vươn tới 118 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kinh tế thành phố đang đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch đúng hướng; phát huy ngày càng hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố cảng.
Hiện nay trên địa bàn thành phố đang có 3 dự án đặc biệt lớn được triển khai, tạo điều kiện thuận lợi để thành phố bứt phá, đó là: Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng, đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng và Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi.
Dự án Cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện có tổng mức đầu tư lên đến 25.000 tỷ đồng. Đây là dự án lớn nhất từ trước đến nay tại Hải Phòng, góp phần đưa thành phố phát triển, vươn ra thế giới. Khi hoàn thành vào năm 2017, cảng này có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, công suất hàng triệu teus công-ten-nơ/năm, góp phần đưa hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng vượt con số 100 triệu tấn/năm. Cùng với cảng, cầu đường Tân Vũ- Lạch Huyện với mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng cũng đã được khởi công xây dựng năm 2014, khi hoàn thành sẽ góp phần đắc lực cho việc tập kết và rút hàng qua cảng.
Hiện nay thành phố đang chuẩn bị chào đón công trình trị giá đầu tư gần 45.000 tỷ đồng được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đó là dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng dài 105,5km, đoạn qua Hải Phòng dài hơn 30km, góp phần đưa hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng tiếp tục tăng cao.
Hải Phòng là địa phương đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư dự án xây dựng khu bay-Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi, đưa Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi lên cấp 4E-cấp cao nhất của Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (CIAO). Dự án không chỉ nâng cấp đường bay, tuyến bay mà còn khắc họa một Hải Phòng hiện đại trong mắt du khách và các nhà đầu tư. Dự kiến vào cuối năm nay, dự án chính thức hoàn thành và đưa vào hoạt động. Cảng hàng không Quốc tế Cát Bi sẽ chắp cánh bay cho thành phố Cảng vươn đến năm châu…
“Sáu mươi năm là một chặng đường không dài so với bề dày lịch sử hàng nghìn năm của thành phố. Song, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Hải Phòng đã cùng cả nước làm nên những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử. Đảng bộ, quân và dân thành phố Hải Phòng bằng trí tuệ, máu xương và mồ hôi, công sức đã xây nên truyền thống “Trung dũng-Quyết thắng”, đoàn kết, năng động, sáng tạo, giành được nhiều thành tựu to lớn và vẻ vang”.
Dương Anh Điền, Bí thư Thành ủy Hải Phòng
|
ĐỖ PHÚ QUÝ