QĐND Online - Trong ký ức của những người đã sinh sống ở Hà Nội từ nhiều thập kỷ trước thì không khí của những ngày Tết giờ đã khác xưa nhiều. Trước đây, từ Hàng Bồ qua phố Hàng Lược, Hàng Đường hay sang Hàng Buồm, Hàng Cân vào những ngày giáp Tết đều nhộn nhịp, rực rỡ với câu đối đỏ, tranh Hàng Trống và đủ thứ hương hoa, mứt kẹo chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán.

Lúc xưa, từ trước vài ba tháng, tranh Tết đã treo rực rỡ cả phố Hàng Bồ mang không khí Tết tràn vào 36 phố phường. Trong áo the khăn xếp ông đồ già điềm đạm cầm bút thảo từng nét lên giấy son. Người xin chữ “Phúc”, chữ “Lộc”, người xin đôi câu đối mừng xuân.

Tết ở một góc phố Hà Nội những năm trước. Ảnh minh hoạ: Internet.

Tết Hà Nội xưa ấm áp với nồi bánh chưng trên bếp lửa hồng. Dù giàu hay nghèo người dân khi ấy cũng nấu một nồi bánh chưng để đón Tết. Cũng bởi vậy mà nhà Hà Nội học quá cố Nguyễn Vinh Phúc đã coi đó là hạnh phúc lớn của ngày Tết – “hạnh phúc trong nồi bánh chưng”.

Nói đến Tết Hà Nội xưa, chị Phương (Quận Hai Bà Trưng) còn nhớ như in những phong tục truyền thống mỗi dịp Tết. “Cúng ông Táo là lễ cúng đầu tiên, hai mươi ba tháng Chạp tôi thường theo bố ra Hồ Gươm thả cá chép. Năm nào cũng vậy, mẹ luôn chuẩn bị trước cho cả nhà quần áo mới mặc hôm mồng Một để đi khai xuân. Mẹ dặn mấy chị em ngày Tết không được cãi nhau, không được làm vỡ đồ, không quét nhà hay hắt nước ra ngoài nếu không cả năm sẽ không gặp may mắn. Trong ý thức của chị em tôi ngày đó, ngày Tết vô cùng thiêng liêng, quan trọng”.

Mấy mươi cái Tết trôi qua, Hà Nội cũng ít dần những nét đặc trưng riêng trong những ngày xuân sang. Mua sắm cho ngày Tết giờ đi đâu cũng đầy đủ cả. Công việc bận rộn nên tiện ở đâu thì người ta mua ở đó chứ không còn náo nức lên phố cổ mua sắm như xưa.

Trong trí nhớ của những người đã hơn nửa đời gắn bó với Hà Nội, những phong tục Tết cổ truyền mấy chục năm nay đã thay đổi nhiều từ “ăn” cho đến “chơi” Tết. Điều kiện và lối sống của mỗi người hình thành những cách đón Tết mới như đi du lịch, đi chơi xa… Các tục lệ cũ chỉ giữ lại có lệ mừng tuổi, lệ đi chúc Tết, cúng giao thừa, cúng cơm gia tiên vào sáng mồng Một và “hoá vàng” kết thúc Tết Nguyên đán vào mồng Ba hoặc mồng Bốn Tết.

Tuy nhiên, không vì thế mà Tết mất đi những ý nghĩa đặc biệt của nó. Tạm quên đi cuộc sống bận rộn thường nhật, người Hà Nội vẫn đón Tết với hy vọng một năm mới bình an, sung túc hơn năm cũ.

MINH NGỌC