Giai đoạn tới, để đưa Nam Định vượt qua các khó khăn thách thức, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh Nam Định cần phải có cách tiếp cận mới, hoạch định chiến lược phát triển phù hợp hơn.

Bộ mặt đô thị và nông thôn nhiều đổi mới

Những ai từng qua tỉnh Nam Định 5 năm trước, nay trở lại chắc chắn sẽ ngỡ ngàng trước diện mạo mới đô thị và vùng nông thôn của mảnh đất đa nghề vùng Đồng bằng sông Hồng. Phố phường được chỉnh trang sạch đẹp, những trung tâm thương mại sầm uất xuất hiện ngày càng nhiều; các cụm, khu công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ được hình thành góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Những con đường liên xã, liên thôn được mở mang rộng rãi, bê tông hóa sạch đẹp; hệ thống thủy lợi được đầu tư kiên cố; những cánh đồng mẫu lớn, sản xuất hàng hóa quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đó là những điều dễ nhận thấy khi đặt chân đến nhiều vùng quê của tỉnh Nam Định.

Một góc nông thôn đổi mới ở xã Hải Quang, huyện Hải Hậu (Nam Định). Ảnh: LƯƠNG THẾ TUÂN.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Nam Định, thành quả phát triển toàn diện trên các lĩnh vực của tỉnh đạt được trong những năm qua là nhờ các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, ra sức thi đua, phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Kết quả là, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu của nghị quyết đại hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra (trong đó có 6 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt).

Nổi bật, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 tăng bình quân 7,9%/năm, đạt chỉ tiêu đại hội đề ra (tăng 7,5-8%/năm) và cao hơn so với mức tăng bình quân của nhiệm kỳ trước (6,2%/năm). Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Đáng chú ý, lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt được thành tựu nổi bật, làm thay đổi cơ bản kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, cảnh quan môi trường, hình thành nếp sống mới và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh đã huy động được hơn 40.000 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, thu hút được hơn 5.000 DN đầu tư trên địa bàn nông thôn, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 đạt 52 triệu đồng, gấp 4,1 lần so với trước khi xây dựng NTM (năm 2010).

Tuy kinh tế của tỉnh Nam Định có nhiều khởi sắc nhưng thực tế cho thấy vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Nam Định chưa xúc tiến, thu hút được các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao để sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao và sức cạnh tranh. Việc xây dựng, phát triển TP Nam Định từng bước hình thành một số chức năng trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng chưa tạo sự chuyển biến rõ nét...

Xác định 3 khâu đột phá

Đến đầu tháng 7-2020, đại hội đảng bộ cơ sở và cấp trên cơ sở ở tỉnh Nam Định đã hoàn thành, đạt yêu cầu và tiến độ đề ra. Đây là cơ sở, điều kiện rất quan trọng để Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 được tổ chức thành công, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định chiến lược cho sự phát triển của tỉnh giai đoạn tiếp theo.

Thông tin về nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, đồng chí Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nam Định cho biết: Trong nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Nam Định xác định GRDP (giá so sánh năm 2020) tăng bình quân 8,5-9,5%/năm; thu nhập thực tế bình quân đầu người đến năm 2025 đạt hơn 100 triệu đồng/năm; thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn năm 2025 đạt hơn 10.000 tỷ đồng; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt 80%; tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội đến năm 2025 giảm xuống còn dưới 0,15% (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2021-2025); tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100% (trong đó tỷ lệ được cung cấp nước sạch đạt trên 98% dân số)...

Để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm kỳ 2020-2025, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.

Về 3 khâu đột phá, trước hết tỉnh tập trung xây dựng và điều chỉnh các loại quy hoạch giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050; tiếp tục đầu tư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của tỉnh đồng bộ theo hướng hiện đại, nhất là các dự án, công trình trọng điểm có tính chiến lược phát triển về giao thông, khu, cụm công nghiệp, y tế, văn hóa, giáo dục, hạ tầng TP Nam Định và vùng kinh tế biển.

Hai là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện công tác xúc tiến, thu hút đầu tư để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp sạch, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển phía Nam của tỉnh.

Khâu đột phá thứ ba được tỉnh tập trung đẩy mạnh, đó là thực hiện đồng bộ các giải pháp để khôi phục và phát triển TP Nam Định là 1 trong 3 thành phố lớn của miền Bắc và là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 109/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với 6 chức năng trung tâm vùng: Công nghiệp; giáo dục-đào tạo; khoa học-công nghệ; y tế; văn hóa, du lịch; thể thao theo quy hoạch địa giới hành chính thành phố mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Nam Định Trần Văn Chung, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX khẳng định quyết tâm chính trị của toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân, phát huy những thành tựu đạt được, tăng cường đoàn kết, tích cực đổi mới, nâng cao trách nhiệm, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, phát huy mọi nguồn lực để đưa Nam Định phát triển nhanh và bền vững.

MINH ĐỨC - HIẾU HUY