Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho thấy, năm 2019, VNPay-startup trong lĩnh vực tài chính công nghệ đã được định giá 1 tỷ USD. Cùng với môi trường cho startup ngày càng được hoàn thiện thì việc Việt Nam có thêm những "kỳ lân" mới là chuyện không xa. 

Startup Việt Nam vươn tầm quốc tế

Theo báo cáo “Bức tranh khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam 2019” của Cơ quan Thương mại và Đầu tư thuộc Chính phủ Australia, hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng startup với hơn 3.000 startup đang hoạt động. Nhiều thương vụ đầu tư hàng triệu USD cho các startup Việt được diễn ra trong năm 2019. Một trong những khoản đầu tư đình đám nhất cho thấy sức hút của startup Việt Nam, mà cụ thể là các startup trong lĩnh vực fintech, chính là việc Quỹ Vision Fund của SoftBank và Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC đầu tư 300 triệu USD cho VNPay. Với khoản tài trợ này, VNPay chính thức được liệt kê vào nhóm các "kỳ lân".

Cùng với đó, hàng loạt startup đã tự tin xuất ngoại, tham gia đấu trường quốc tế. Điển hình là Abivin-startup cung cấp phần mềm quản lý chuỗi cung ứng tối ưu vận tải, là đại diện đầu tiên của Việt Nam vượt qua nhiều startup đến từ hơn 40 quốc gia trên thế giới để trở thành quán quân Cuộc thi Startup World Cup 2019 (tại San Francisco, Mỹ) và giành giải thưởng 1.000.000 USD. Bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Abivin, chia sẻ: "Hành trình chinh phục Startup World Cup 2019 là một cái duyên. Để đạt được thành công ngoài mong đợi này cần rất nhiều yếu tố, bao gồm thế mạnh của đội ngũ chủ chốt ở Abivin, yếu tố thị trường và đặc biệt là nhờ sự kết nối của Bộ KH&CN để chúng tôi trở thành đại diện của Việt Nam tham gia tranh tài". 

Đại diện của Abivin nhận giải nhất Cuộc thi Startup World Cup 2019 (tại San Francisco, Mỹ) với giải thưởng 1.000.000USD. Ảnh do Abivin cung cấp

Theo Bộ KH&CN, năm 2019 (số liệu thống kê đến hết tháng 10), lượng vốn gọi được từ 29 thương vụ đầu tư vào các startup Việt Nam lên đến hơn 750 triệu USD. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đánh giá, những năm qua, cơ chế, chính sách và hành lang pháp lý liên quan tới KH&CN và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) dần được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống sáng tạo quốc gia; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo và sự phát triển của hệ thống sáng tạo quốc gia; đề xuất các hướng công nghệ ưu tiên phát triển nhằm tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhận định, quy mô đầu tư ngày càng tăng cho thấy, tiềm năng Việt Nam sẽ tạo ra những "kỳ lân" mới.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, toàn diện của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao năng lực ĐMST quốc gia, chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) của Việt Nam những năm gần đây liên tục tăng cao (năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng tiếp 2 bậc và năm 2019 tiếp tục tăng 3 bậc, xếp 42/129 quốc gia), đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.

Ông Phạm Văn Hồng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN thuộc Bộ KH&CN cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của KH,CN&ĐMST trong phát triển bền vững và tăng cường đầu tư cho KH&CN. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước, như: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)… đã đầu tư rất lớn cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo, thành lập viện nghiên cứu, trường đại học của doanh nghiệp. Đơn cử, mỗi năm, Viettel dành hơn 4.000 tỷ đồng, PVN đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho hoạt động KH&CN. Gần đây, Vingroup dành 2.000 tỷ đồng cho Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ nghiên cứu KH&CN ứng dụng và lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ, đầu tư 3,5 tỷ USD xây dựng Nhà máy VinFast. Theo Bộ KH&CN, tỷ trọng đầu tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp cho KH&CN đã có thay đổi, từ mức 7:3 như trước đây, nay đạt khoảng 5,2:4,8.

Cần có môi trường pháp lý thuận lợi hơn

Theo ông Phạm Văn Hồng, bên cạnh những thành tựu đạt được, KH,CN&ĐMST vẫn còn những hạn chế trong đóng góp đối với phát triển bền vững ở Việt Nam. Về kinh tế, KH,CN&ĐMST chưa thực sự làm biến đổi cơ sở vật chất kỹ thuật của nền kinh tế, thay đổi về cơ cấu kinh tế, chưa tạo ra nhiều việc làm mới chất lượng cao, chưa thúc đẩy phân công lao động quốc tế và quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Về xã hội thì KH,CN&ĐMST chưa bảo đảm đô thị hóa bền vững, thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng giá trị lao động của con người, nâng cao chất lượng giáo dục. Về môi trường, KH,CN&ĐMST chưa thực sự góp phần tạo sự chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Về phía doanh nghiệp, đại diện của Viettel cho rằng, hiện các chính sách KH&CN của Nhà nước được thiết kế chủ yếu là phục vụ quản lý hoạt động KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước tại các đơn vị sự nghiệp KH&CN công lập, trong khi đó các chính sách cho doanh nghiệp còn thiếu. Bên cạnh đó, quan điểm coi việc đầu tư cho các nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) như là dự án đầu tư phát triển đang làm chậm lại quá trình nghiên cứu tại doanh nghiệp nhà nước khi mua sắm thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ nhiệm vụ nghiên cứu thông qua đấu thầu. Việc mua sắm phục vụ các nhiệm vụ nghiên cứu thông qua các thủ tục đấu thầu khó thực hiện, mất nhiều thời gian. Ngoài ra, chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể hoặc cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ và ĐMST. Kết quả nghiên cứu thường là các sản phẩm mẫu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu là một quá trình mất nhiều thời gian và nguồn lực hơn cả quá trình nghiên cứu. Trong khi đó, chính sách Nhà nước hiện nay chủ yếu nghiêng về quá trình tạo ra kết quả nghiên cứu, chưa quan tâm đúng mức quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tại Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Bộ KH&CN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định rằng, KH,CN&ĐMST là nền tảng thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước, là lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực chính của mô hình phát triển kinh tế xã hội. Thủ tướng cho rằng, cần đề xuất cơ chế, chính sách vượt trội để tạo ra sự đột phá trong ứng dụng KH,CN&ĐMST trong khu vực doanh nghiệp, dịch vụ công. Mục tiêu là lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống ĐMST quốc gia. Xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ giữa pháp luật về KHCN với pháp luật về thuế, đầu tư, tài chính và pháp luật liên quan để nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và từng bước phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đồng thời tạo thuận lợi cho nghiên cứu, chuyển giao kết quả KHCN phù hợp với cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, tập trung phát triển mạnh thị trường KHCN gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KHCN, phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới đánh giá, chuyển giao công nghệ. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao để hình thành các ngành nghề mới và các sản phẩm mới, giá trị gia tăng cao, nhất là lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin.

Nội dung phát biểu trên đây của Thủ tướng là cơ sở, là sự động viên rất lớn cho giới startup Việt Nam trên con đường chinh phục KH&CN, tạo ra những giá trị kinh tế ngày càng cao cho đất nước.

Bộ KH&CN cho biết, năm 2020, bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy sự phát triển của KH,CN&ĐMST thông qua việc hoàn thiện thể chế kinh tế vĩ mô; sửa đổi, bổ sung các chính sách về tài chính, đầu tư, KH&CN để thúc đẩy sự phát triển của KH,CN&ĐMST. Bên cạnh đó, rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nội dung chi và quản lý quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp nhằm trao quyền tự chủ, tự quyết định sử dụng quỹ cho hoạt động nghiên cứu KH,CN&ĐMST và đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bài và ảnh: LA DUY