Niềm tin vào môi trường đầu tư Việt Nam

Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư từng làm dấy lên lo ngại về khả năng nhà đầu tư nước ngoài dịch chuyển đơn hàng, thậm chí là dịch chuyển đầu tư khỏi Việt Nam vì tình hình giãn cách xã hội kéo dài, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất.

Song, khác với dự đoán, thu hút nguồn vốn đầu tư năm 2021 của Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui khi nhiều nhà đầu tư quyết định rót thêm vốn, tiếp tục mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Điển hình như, tháng 8-2021, tại Hải Phòng, Công ty TNHH LG Display Việt Nam (Hàn Quốc) được trao giấy chứng nhận đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,4 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Hải Phòng lên 4,65 tỷ USD, trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất thành phố. Như vậy, đây là lần tăng vốn thứ tư của công ty này tại Hải Phòng.

Tương tự, năm 2021, nhiều địa phương cũng nỗ lực thu hút được những dự án đầu tư nước ngoài lớn, như Long An với dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký hơn 3,1 tỷ USD; tại Cần Thơ là dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký hơn 1,31 tỷ USD; tại Vĩnh Phúc là dự án Nhà máy Sản xuất giấy Kraft Vina (Nhật Bản), công suất 800.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD...

leftcenterrightdel
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long II, Hưng Yên). 

Khép lại năm 2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng cho thấy, trong năm 2021, số lượng dự án quy mô nhỏ dưới 5 triệu USD giảm 33,9%, các dự án có quy mô nhỏ dưới 1 triệu USD giảm 33,2% so với cùng kỳ năm 2020. Năm 2021, quy mô vốn bình quân dự án đầu tư mới gần 8,8 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức 5,8 triệu USD/dự án của năm 2020. Quy mô bình quân dự án điều chỉnh vốn đạt gần 9,2 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn so với mức 5,6 triệu USD/lượt điều chỉnh của năm 2020.

Điều này cho thấy, chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của Việt Nam (giảm số lượng, tăng về chất lượng) làm loại bỏ các dự án quy mô nhỏ, ít giá trị gia tăng. “Những con số này không chỉ cho thấy nỗ lực vượt bậc của Chính phủ và các địa phương trong triển khai nhiều giải pháp bứt phá để thu hút dòng vốn quan trọng này mà còn cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Hỗ trợ tốt nhất để nhà đầu tư nước ngoài phát triển

Trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế.

Cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Tuy vậy, năm 2022, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đầu tư hấp dẫn đối với dòng vốn ngoại, nhờ lợi thế kiểm soát, thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Ngay từ tháng đầu năm 2022, thu hút vốn đầu tư nước ngoài đã tăng tốc, đạt hơn 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021; vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Giáo sư, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, triển vọng năm 2022, Việt Nam có thể thu hút khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, để thu hút được dòng vốn chất lượng, trước hết, cần đổi mới toàn diện các khâu từ xúc tiến đầu tư, lấy hội nghị, hội thảo là chính sang tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng, nhất là các tập đoàn kinh tế lớn.

Đầu tư nước ngoài là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Để thu hút dòng vốn này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các nước trên thế giới.

Đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Cùng với đó, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư lên danh sách các doanh nghiệp quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam.

Bài và ảnh: MINH ĐỨC