Ổn định mặt bằng lãi suất
Trước đây, trong bối cảnh lãi suất quốc tế gia tăng, NHNN Việt Nam đã điều hành đồng bộ các giải pháp chính sách tiền tệ nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý. Giai đoạn hiện nay, kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất điều hành. Trong nước, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, thị trường tiền tệ, ngoại hối diễn biến ổn định. Từ ngày 16-9-2019, NHNN Việt Nam quyết định điều chỉnh giảm lãi suất, theo đó: Giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN Việt Nam): Việc thực hiện giảm lãi suất nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD). Với nền tảng kinh tế vĩ mô trong nước tích cực như hiện nay, lãi suất về cơ bản sẽ diễn biến ổn định, được hỗ trợ bởi các yếu tố tích cực, như thanh khoản hệ thống được bảo đảm, tín dụng tăng phù hợp với chỉ tiêu định hướng. Ngoài ra, xu hướng ngân hàng trung ương các nước không còn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt như giai đoạn trước giúp giảm áp lực cho lãi suất trong nước. NHNN Việt Nam điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành sẽ giúp các TCTD có thể tiếp cận nguồn vốn từ NHNN Việt Nam với chi phí thấp hơn, hỗ trợ ổn định mặt bằng lãi suất của các TCTD.
 |
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Ảnh: NGỌC KHÁNH. |
Tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia cho biết: "Hiện tại, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức tương đối thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng năm 2019 tăng 2,57%, thấp nhất trong vòng 3 năm qua. Thông thường, khi lãi suất điều hành giảm thì sẽ tạo áp lực tăng lạm phát nên việc hiện tại giữ được lạm phát tương đối thấp là thời điểm thích hợp để giảm lãi suất. Ngoài ra, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam cũng sẽ giúp ổn định mặt bằng lãi suất đầu ra, tức lãi suất cho vay ít nhất sẽ không tăng, trong bối cảnh lãi suất đầu vào có nhích lên trong thời gian qua".
Đánh giá về việc giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời gian tới, TS Cấn Văn Lực cho rằng: Sẽ cần có lộ trình và độ trễ nhất định. Vì khi các TCTD vay từ NHNN Việt Nam, có thể vay dưới dạng tái cấp vốn, vay liên ngân hàng qua đêm… Chỉ ở những trường hợp nhất định, ví dụ có các gói tín dụng mà NHNN Việt Nam yêu cầu phải ưu tiên, hỗ trợ, nếu các NHTM tham gia các gói hỗ trợ đó thì sẽ được vay tái cấp vốn từ NHNN Việt Nam với lãi suất thấp hơn một chút và mức vay sẽ không nhiều.
Trao đổi với chúng tôi, TS Đỗ Hoài Linh, Phó trưởng Bộ môn NHTM, Viện Ngân hàng-Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Việc hạ lãi suất điều hành của NHNN Việt Nam là phù hợp với động thái của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Hiện tại, ngoài những nước phát triển thì cũng có hơn 40 ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi đã tiến hành hạ lãi suất. Tuy nhiên, ở nước ta mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) hiện vẫn thấp hơn lãi suất điều hành. Do đó, việc giảm lãi suất điều hành mang tính định hướng và hỗ trợ tâm lý nhiều hơn việc thực sự tác động vào lãi suất liên ngân hàng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng tương tự như vậy đối với lãi suất huy động của các ngân hàng từ dân cư và tổ chức kinh tế (thị trường 1). Khi tâm lý thị trường tốt lên, các NHTM sẽ không chạy đua lãi suất trên thị trường 1 nữa, dần dần sẽ có thể làm mặt bằng lãi suất ổn định lại và có cơ hội giảm lãi suất cho vay.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chia sẻ: "Quyết định giảm lãi suất điều hành phù hợp với định hướng từ đầu năm của NHNN Việt Nam là thận trọng, linh hoạt, theo sát tình hình diễn biến chung của cả kinh tế trong nước và thế giới. Lãi suất điều hành thể hiện thông điệp định hướng của NHNN Việt Nam trong việc sẵn sàng cung ứng vốn với chi phí hợp lý cho nền kinh tế, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trước mắt, giảm lãi suất điều hành không tác động nhiều đến tình hình kinh doanh của ngân hàng. Vì các ngân hàng chủ yếu kinh doanh trên thị trường 1. Còn trên thị trường 2, lãi suất cũng đang ổn định và đã giảm về mức hợp lý.
Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng: Việc NHNN Việt Nam giảm lãi suất điều hành giúp các NHTM giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ vốn vay đối với doanh nghiệp xuất khẩu, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất có khả năng làm tăng lạm phát vì với chi phí vốn rẻ sẽ khuyến khích người vay nhiều hơn. Bên cạnh đó, giảm lãi suất có khả năng đẩy tỷ giá lên, song tốc độ tăng thế nào thì còn chờ mức độ thẩm thấu chính sách và tác động từ những thông số khác, như: Tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán…
Về mặt định hướng, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN Việt Nam) khẳng định: Thời gian tới, NHNN Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Về tín dụng, tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%; thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất. Về tỷ giá, theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.
NGUYỄN ANH VIỆT