Bước sang năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra 0,5 điểm phần trăm. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, để đạt được mục tiêu này là rất thách thức, nhưng trong thách thức, vẫn có các cơ hội tốt nếu chúng ta biết tận dụng.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương. 

Phóng viên (PV): Thứ trưởng ấn tượng với kết quả nổi bật nào về kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước trong năm 2020?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: GDP năm 2020 của Việt Nam tăng 2,91%, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020. Nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực KT-XH thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Điều này cho thấy tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng, chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển KT-XH”.

Trong một năm vô cùng khó khăn, việc thực hiện tốt giải ngân vốn đầu tư công đã góp phần quan trọng đưa Việt Nam vào nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Nhưng đầu tư công không phải động lực tăng trưởng duy nhất. Bên cạnh những khu vực tăng trưởng âm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, như: Du lịch, vận tải hay khu vực khai khoáng liên tục giảm từ năm 2017 tới nay, nhìn chung cả công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ đều có đóng góp tăng trưởng. Trong đó, đáng chú ý là từ cuối năm 2020, công nghiệp chế biến, chế tạo đã phục hồi mạnh mẽ và có sự tăng trưởng trở lại. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% cho năm 2021 mà Chính phủ đề ra?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Tăng trưởng GDP từ mức 2,91% lên 6,5% như mục tiêu Chính phủ đặt ra là không dễ bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh, căng thẳng thương mại và biến đổi khí hậu. Nhưng những điều kiện, nền tảng trong năm 2020 cho phép chúng ta tin rằng mục tiêu này sẽ đạt được. Có thể thấy các động lực tăng trưởng chính là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư đều có những tín hiệu tốt; kinh doanh đã phục hồi với công nghiệp và nông nghiệp đang dần khởi sắc. Riêng nông nghiệp năm 2020, sản lượng và diện tích giảm so với năm trước nhưng giá trị lại tăng lên; dịch vụ cũng có thể tốt hơn với dịch vụ số được kỳ vọng phát triển mạnh năm 2021, xuất khẩu đang được kỳ vọng nhờ các FTA mới.

Hoạt động tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh. Ảnh: HOÀNG VÂN 

PV: Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Liên quan đến gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai, về mặt nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ quản phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2021 và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong báo cáo đánh giá, Bộ KH&ĐT cũng báo cáo với Chính phủ lộ trình năm 2021, tình hình dịch Covid-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta và còn kéo dài thêm một số năm sau đó. Theo đó, các giải pháp trực tiếp hỗ trợ nền kinh tế cần phải có được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của năm 2021, đòi hỏi công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, lúc đó mới đề ra được giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về mặt nguồn lực cũng như cách thức triển khai các giải pháp mà chúng ta đề ra. Trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của dịch Covid-19 và các khó khăn của nền kinh tế, Bộ KH&ĐT sẽ kết hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

PV: Dịch Covid-19 sẽ còn diễn biến phức tạp. Vậy lộ trình mở cửa nền kinh tế với ý nghĩa là giao thương hành khách sẽ được tính toán như thế nào, thưa thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Việc mở cửa giao thương vận tải hành khách phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn rất phức tạp, thậm chí còn có các chủng mới như ngành y tế đã thông tin; thêm nữa, vaccine chúng ta chỉ mới có thông tin ban đầu và cũng chưa khẳng định việc tiêm vaccine trong năm 2021 là bảo đảm an toàn để chúng ta giao thương vận tải hành khách. Đặc biệt là có sự khác biệt về phạm vi, quy mô của việc tiêm vaccine; có nước tiêm được nhiều, được ít, cũng như khả năng bao quát, bao phủ của tiêm vaccine... Do vậy, việc mở cửa nền kinh tế với ý nghĩa là giao thương hành khách phải có những bước đi, tính toán thận trọng, mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân. Theo đó, các bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mở lại giao thương về mặt phạm vi, quy mô, các địa bàn quốc gia có thể được để bảo đảm sự an toàn cao nhất.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

VŨ DUNG (thực hiện)