* Cho ý kiến về xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

QĐND - Thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế sáng 4-11, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất tăng thuế suất đối với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Không vì sợ buôn lậu mà không tăng thuế

Trước một vài ý kiến băn khoăn về việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá có làm tăng tình trạng buôn lậu, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng thuốc lá trong nước, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước và bà con nông dân trồng cây thuốc lá hay không, các ý kiến đồng tình với việc tăng thuế cho rằng, băn khoăn đó là chưa thỏa đáng nếu đem so sánh với sức khỏe của cả cộng đồng.

Với thuận lợi được theo dõi quá trình soạn thảo, xây dựng dự án Luật này ngay từ ban đầu, đại biểu Đinh Trịnh Hải (Ninh Bình) chia sẻ, thuế suất đề xuất lần này của Chính phủ đã giảm hơn so với đề xuất ban đầu do “sức ép từ dư luận”. Đại biểu nói, ai cũng biết, việc tiêu thụ 3 mặt hàng này có tác động không tốt đến sức khỏe con người. Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và tăng giá bán với mặt hàng này là đương nhiên. Theo báo cáo của Bộ Y tế, nếu theo đúng lộ trình tăng thuế, phải đến năm 2020, Việt Nam mới đạt được tỷ lệ thu thuế với mặt hàng thuốc lá là 145% như cam kết. Đại biểu cũng chia sẻ thông tin về phản ứng của Hiệp hội Thuốc lá, rằng họ không đồng tình với việc tăng thuế thuốc lá do chưa chống được buôn lậu mặt hàng này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng lý giải như vậy là chưa thuyết phục. Ngay cả lý giải tăng thuế thuốc lá làm ảnh hưởng tới bộ phận doanh nghiệp và người lao động tham gia quy trình sản xuất thuốc lá cũng chưa thuyết phục, bởi mục tiêu của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là để định hướng người tiêu dùng giảm dần những mặt hàng mà nhà nước không khuyến khích, chứ không chỉ nhằm tới mục tiêu thu ngân sách. Do vậy, đại biểu đề xuất, cần phải tiếp tục tăng thuế với mặt hàng thuốc lá để đến năm 2018 có thể đạt được mức thuế hơn 90%.

Đại biểu Đinh Trịnh Hải phát biểu tại cuộc họp tổ sáng 4-11. Ảnh: http://thoibaotaichinhvietnam.vn

Đại biểu Huỳnh Văn Tí (Bình Thuận) không những đồng tình với dự thảo Luật, mà còn đề xuất mạnh mẽ hơn là đánh thuế cao ngay, không theo lộ trình với các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, game để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng. Theo đại biểu, không thể lấn cấn quyền lợi của một bộ phận người lao động trong các ngành này mà làm ảnh hưởng tới quyền lợi của cả cộng đồng.

Cũng như đại biểu Huỳnh Văn Tí, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) thẳng thắn nói không tán thành với kiến nghị không tăng hoặc chậm tăng thuế các mặt hàng này để bảo đảm sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Đại biểu khẳng định tán thành với đề xuất tăng mạnh thuế suất với rượu, bia, thuốc lá, “chứ không theo lộ trình chậm chạp như đề xuất của Ủy ban Tài chính, Ngân sách”. Đây cũng là đề xuất của đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương).

Giải thích cho sự đồng tình của mình với đề xuất tăng thuế suất với thuốc lá, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) dẫn kết quả nghiên cứu của một chuyên gia nước ngoài cho hay, mỗi năm, Việt Nam có khoảng từ 66.000 đến 76.000 người tử vong vì thuốc lá, chưa kể những người hít khói thuốc thụ động. Trong khi đó, giá thuốc lá tại Việt Nam lại nằm trong nhóm rẻ nhất trên thế giới. Đại biểu làm phép tính quy đổi, 1 bao thuốc lá ở Việt Nam có thể đổi được 1 lít sữa, trong khi 1 bao thuốc lá ở nhiều nước khác có thể đổi được tới 4 lít sữa. Do vậy, dẫu biết rằng “tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến sản xuất”, nhưng theo đại biểu, “không nên hy sinh sức khỏe của người dân để bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp”.

Tăng thuế, giảm hậu quả do rượu

Cũng như thuốc lá, đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng rượu, bia cũng nhận được sự đồng tình của đa số đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Hà Thị Vân (Thanh Hóa) cho rằng, rượu, bia là mặt hàng mà đa số người dân Việt Nam dùng hằng ngày. Trong khi đó, mỗi ngày, xã hội đều phải chứng kiến những hậu quả do rượu, bia gây ra, làm tổn thất sức khỏe, thậm chí là tính mạng, ảnh hưởng xấu tới hạnh phúc gia đình của người uống rượu, bia, làm mất trật tự trị an… Do vậy, việc tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng rượu, bia là cần thiết. Không chỉ vậy, đại biểu còn đề xuất đưa cả nước uống có ga vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi “mặt hàng này gây ra nguy cơ béo phì, thừa cân, đái tháo đường ở trẻ em”.

Ngày 5-11, Quốc hội sẽ lần lượt nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân; Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề; thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Chiều 5-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) đưa ra khuyến cáo cho các cơ quan quản lý, rằng trong thực tế đang xuất hiện tình trạng “lách luật” để tránh bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc tránh bị đánh với mức thuế suất cao. Theo đại biểu, có 2 dạng lách luật kiểu này, đó là báo không đúng về nồng độ cồn trong rượu và gắn mác thuốc hay thực phẩm chức năng, trong khi thực chất, “thuốc” hay “thực phẩm chức năng” ấy vẫn là rượu vì nồng độ cồn đều vượt ngưỡng 10%.

Tuy đồng tình với việc tăng thuế suất với các mặt hàng rượu, bia, nhưng đại biểu Nguyễn Minh Quang (TP Hà Nội) lại cho rằng, cần cân nhắc việc tăng thuế suất của bia quá cao so với thuế suất của rượu, vì nồng độ cồn trong bia thấp hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe ít hơn so với rượu.

Cũng liên quan tới việc phân chia nồng độ cồn, đại biểu Đào Tấn Lộc (Phú Yên) nêu hàng loạt thắc mắc, tại sao cơ quan soạn thảo lại lấy mốc nồng độ cồn là trên hay dưới 20% để phân định thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt? Vì sao không tính thuế suất lũy kế theo nồng độ cồn? Cơ sở nào để đánh thuế với mặt hàng bia lên tới 65%, trong khi thuế suất của rượu dưới 20 độ lại chỉ là 35%?

Lý giải về điều này, đại biểu Đinh Trịnh Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nói: Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đã nêu câu hỏi này với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính. Câu trả lời của Bộ Tài chính là việc phân loại rượu từ 20 độ trở lên, rượu dưới 20 độ cũng như việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cao với mặt hàng bia là theo thông lệ quốc tế.

Cho ý kiến về xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành

Chiều 4-11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật.

Thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện sự tán thành với chủ trương của Đảng và Nhà nước nước ta cần có một cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế-xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ Chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần làm sáng tỏ hơn về tính cấp thiết của việc xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn khi so sánh suất đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành cao hơn so với các nước khác và đề nghị vấn đề này cần được làm rõ hơn trong báo cáo khả thi của Chính phủ. 

CHIẾN THẮNG