QĐND - Từ lâu, xe buýt là phương tiện giao thông công cộng phổ biến tại thành phố Hà Nội. Trước thông tin từ ngày 1-5, giá vé lượt và vé tuyến xe buýt dự kiến tăng từ 11 đến 43%, dư luận người dân có những phản ứng khác nhau. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh để làm rõ những nội dung này.
 |
Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh |
Phù hợp với mức thu nhập của người dân
Phóng viên (PV): Thưa ông, đây là lần tăng giá vé xe buýt thứ hai sau lần tăng thứ nhất vào năm 2012, vậy việc liên tiếp điều chỉnh giá vé có phải là do sức ép từ ngân sách hay không?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Phải khẳng định rằng, việc điều chỉnh giá hoàn toàn không do sức ép từ ngân sách mà nằm trong lộ trình đã báo cáo UBND thành phố từ năm 2012. Thành phố yêu cầu tăng theo lộ trình, không được tăng đột ngột trong một lúc. Tôi cũng phải nói thêm, tờ trình dự kiến tăng giá vé xe buýt trong năm 2014 là tờ trình liên ngành, có ý kiến tham gia của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục Thống kê thành phố và các đơn vị liên quan. Vì vậy, các mức tăng sẽ tác động không lớn đến thu nhập của đại đa số người dân sử dụng dịch vụ xe buýt.
PV: Vậy đợt tăng giá vé này có phải là nhằm bổ sung cho quỹ lương của cán bộ, nhân viên trong hoạt động vận tải xe buýt không, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp hoạt động xe buýt có trợ giá trên địa bàn thì hưởng lương theo quy định, định mức đã được UBND thành phố ban hành và Nhà nước quy định. Việc tăng giá vé này không phải để bù vào quỹ lương.
PV: Căn cứ nào để đưa ra mức điều chỉnh giá vé lần này, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Căn cứ để đưa vào xem xét khi điều chỉnh giá vé là do chi phí cho hoạt động vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hiện nay tăng cao. Chi phí cho hoạt động này của năm 2012 là hơn 1.535 tỷ đồng, năm 2013 hơn 1.861 tỷ đồng (tăng 21,2% so với năm 2012 và tăng 256% so với năm 2006).
Tôi cũng phải giải thích rõ, hiện nay, giá vé xe buýt được đánh giá là thấp. Trong 8 năm, từ 2006 đến nay, giá vé được điều chỉnh một lần vào năm 2012. Tuy nhiên, mức điều chỉnh này vẫn chưa đủ bù đắp chi phí tại thời điểm đó. Nếu tiếp tục giữ nguyên vé thì sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đặc biệt, một lý do quan trọng để đưa ra mức điều chỉnh lần này, đó là khả năng chi trả của hành khách tăng nhiều so với thời gian trước. Trong những năm gần đây, mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể. Năm 2013, thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đạt xấp xỉ 38 triệu đồng, tăng 25% so với năm 2012 và tăng 220% so với năm 2006.
Mở rộng đối tượng ưu tiên
PV: Vậy, ông có thể nói rõ hơn mục đích của lần tăng giá này?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Hệ thống xe buýt đã góp phần đáng kể vào việc giảm ách tắc giao thông nội đô, góp phần bảo vệ môi trường, tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. Vì vậy, phải khẳng định rằng, việc điều chỉnh giá vé xe buýt nhằm đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho xe buýt, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng mạng lưới hoạt động để thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt, nhằm hạn chế phương tiện cá nhân. Đồng thời, bảo đảm chi trợ giá của ngân sách thành phố cho xe buýt ở mức hợp lý, từng bước giảm bớt gánh nặng hỗ trợ từ ngân sách, nhưng vẫn bảo đảm được mục tiêu của dịch vụ công ích và chính sách an sinh xã hội của thành phố.
PV: So với lần tăng giá vé trước, lần tăng giá này có gì mới, thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Đợt điều chỉnh giá vé xe buýt lần này có đưa ra những chính sách hấp dẫn hơn đối với người sử dụng, mở rộng đối tượng ưu tiên. Ngoài việc áp dụng các chính sách nhằm thu hút người dân đi xe buýt như: Miễn phí với các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, người có công với cách mạng; các đối tượng là học sinh, sinh viên, người cao tuổi... được giảm 50% giá vé tháng, thì với lần điều chỉnh này, các đối tượng là công nhân các khu công nghiệp cũng được giảm 50% giá vé tháng; hành khách mua vé tháng theo hình thức tập thể được giảm 30%.
PV: Năm 2014, hoạt động vận tải xe buýt của Hà Nội sẽ được đầu tư, mở rộng ra sao thưa ông?
Ông Nguyễn Hoàng Linh: Việc điều chỉnh giá vé sẽ tạo nguồn kinh phí đầu tư thay đổi các loại xe buýt hiện đại. Hiện, thành phố đang có hơn 1.400 xe buýt, trong năm 2013, đã thay thế hơn 140 xe buýt và năm nay sẽ tiếp tục thay 148 phương tiện mới với số tiền ước tính khoảng 250 tỷ đồng. Cũng từ nguồn kinh phí này, năm 2014, dự kiến sẽ thay mới 75 nhà chờ xuống cấp, phát triển thêm 35 nhà chờ xe buýt mới đạt tiêu chuẩn, bảo đảm cảnh quan đô thị xanh, sạch, đẹp, cải thiện vị trí đứng chờ xe buýt cho hành khách. Đồng thời, trong năm nay cũng thực hiện đầu tư cải tạo điểm trung chuyển Cầu Giấy, Long Biên và Hoàng Quốc Việt.
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải sẽ triển khai thí điểm lắp đặt camera giám sát trên các tuyến buýt nhằm tăng cường giám sát thái độ phục vụ của lái xe, nhân viên bán vé trên xe.
Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự kiến từ ngày 1-5, giá vé xe buýt lượt cự ly tuyến (dưới hoặc bằng 30km) là 7000 đồng; hơn 30km là 8000 đồng.
Đối với giá vé tháng, các đối tượng ưu tiên gồm học sinh, sinh viên, người cao tuổi, công nhân các khu công nghiệp, giá vé một tuyến là 50.000 đồng, liên tuyến là 100.000 đồng. Đối với đối tượng không được ưu tiên nhưng mua theo hình thức tập thể, giá vé một tuyến là 70.000 đồng, liên tuyến là 140.000 đồng. Các đối tượng khác, giá vé một tuyến là 100.000 đồng, liên tuyến là 200.000 đồng.
|
VŨ DUNG (thực hiện)