Tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước, dự trữ ngoại hối tăng, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng, đời sống của nhân dân được cải thiện.

Đánh giá cao nhiều kết quả đạt được nhờ điều hành quyết liệt của Chính phủ, các đại biểu cũng đã chỉ ra một số bất cập trong môi trường đầu tư kinh doanh, bội chi ngân sách, nợ công, chính sách lao động việc làm, cơ cấu ngành nông nghiệp...

Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trích đăng một số ý kiến của các đại biểu về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới:

Đại biểu Trần Công Thuật (Đoàn Quảng Bình)Đẩy mạnh các giải pháp chống thất thu thuế

Tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp để chống thất thu thuế, tăng thu ngân sách Nhà nước. Thuế là nguồn thu quan trọng nhất của quốc gia, nhưng thời gian qua, trốn thuế, nợ thuế, gian lận thương mại ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp. Chính sách cho doanh nghiệp tự in hóa đơn còn nhiều kẽ hở, chưa kiểm soát chặt chẽ số lượng hóa đơn do doanh nghiệp tự in và sử dụng. Chính sách cho doanh nghiệp tự kê khai nộp thuế đã bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng kê khai thiếu trung thực, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản. Thực trạng trên đã làm thất thu nguồn thuế rất lớn. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần rà soát khắc phục các kẽ hở trong các quy định chính sách, pháp luật về thuế; chủ động, tăng cường hơn nữa, chống thất thu thuế trên các lĩnh vực, thực hiện thu đúng, thu đủ, thu toàn diện vào ngân sách Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Công Thuật (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Quốc hội.

Đi đôi với việc chống thất thu thuế, cần tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu. Để nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng nguồn thu cho ngân sách, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành chức năng, các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác quản lý thuế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng nguồn thu khỏe và ổn định lâu dài.

Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Đoàn Quảng Ninh)Xem xét chuyển từ tận thu sang dưỡng thu doanh nghiệp

Nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia năm 2017 tiếp tục tăng lên so với năm trước. Trong khi đó, thu ngân sách 9 tháng năm 2017 mới đạt 69,5% dự toán; ngân sách Trung ương năm 2017 có khả năng hụt thu.

Thực trạng thu không đủ chi dẫn đến giải pháp tăng thu thông qua tăng mức thuế và phí cao nhưng điều này lại dẫn đến làm hạn chế việc đầu tư phát triển và giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là làm 10 đồng nộp thuế gần 4 đồng. Thực tế, có những lĩnh vực mà doanh nghiệp đã phải chịu từ 12 đến 15 loại thuế và phí, dẫn đến giảm sự đóng góp cho ngân sách Nhà nước.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Đoàn Quảng Ninh. Ảnh: Quốc hội.

Từ những phân tích trên đã cho thấy, dù đã tăng thu tối đa, với mức thuế và phí rất cao, song kết quả thu ngân sách Nhà nước không đạt được như mục tiêu và mong muốn đề ra. Vậy, phải chăng nên xem xét lại chính sách thuế và phí đang hiện hành thay cho việc tận thu doanh nghiệp sang dưỡng thu, nuôi dưỡng nguồn thu, từ đó tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, phí, hải quan, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu ngân sách.

Ngoài ra, nuôi dưỡng nguồn thu càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi và các quy định cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh công bằng với doanh nghiệp nước ngoài, rất cần có trang bị các “lá chắn” về mặt pháp lý để tự bảo vệ mình, đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội)Bảo đảm quyền lợi của người lao động

Tôi đồng tình với nhận định của Chính phủ trong hạn chế thứ 6 khi đề cập đến lao động, việc làm và bảo hiểm xã hội. Hằng năm, số người từ 30 đến 40 tuổi phải kết thúc hợp đồng lao động tăng mạnh, trong đó chủ yếu là lao động nữ, theo thống kê có khoảng 600 đến 700 nghìn người/năm. Thu nhập nói chung còn thấp, một bộ phận thu nhập không bảo đảm nhu cầu của cuộc sống tối thiểu. Công nhân đang thiếu thốn đủ bề, từ nhà trọ đến thời gian nghỉ ngơi, các thiết chế văn hóa, phương tiện đi lại... Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tìm mọi cách lách luật, vi phạm trắng trợn các quy định pháp luật về lao động, về bảo hiểm, về công đoàn. Tình trạng trốn đóng và nợ bảo hiểm xã hội tiếp tục gia tăng. Một số chủ doanh nghiệp ứng xử thiếu văn hóa, coi thường người lao động, đưa ra định mức cao và kéo dài thời gian lao động khiến người lao động kiệt sức.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Đoàn TP Hà Nội). Ảnh: Quốc hội.

Tôi kiến nghị Quốc hội và Chính phủ, bên cạnh quan tâm các chính sách pháp luật hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cần quan tâm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm việc làm bền vững và bảo vệ người lao động, nhất là sớm sửa quy định đảm bảo quyền khởi kiện của tổ chức công đoàn đối với bảo hiểm xã hội. Các địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc phối hợp với tổ chức công đoàn, chăm lo cuộc sống người lao động, như tạo quỹ đất, dành kinh phí để bảo đảm cho người lao động có điều kiện tốt hơn.

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang)Nâng cao năng lực dự báo

Tôi cơ bản tán thành với Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 của Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này. Song nhìn một cách tổng thể về hạn chế, tôi quan tâm đến một vấn đề mà báo cáo đề cập, sẽ rất đáng lo ngại trong thời gian tới, đó là công tác dự báo phòng, chống thiên tai nhằm ứng phó kịp thời với những tình huống xảy ra bảo vệ sản xuất, tính mạng và tài sản của nhân dân trong thời gian qua còn hạn chế, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Qua thực tiễn về hậu quả của các đợt thiên tai vừa qua cho thấy, công tác dự báo, cảnh báo, phòng, chống thiên tai chưa kịp thời, còn bị động với những tình huống xảy ra.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Ma Thị Thúy. Ảnh: Quốc hội.

Để bảo đảm cho công tác phòng, chống thiên tai tốt hơn thì việc chủ động là vấn đề then chốt, quan trọng và cần thiết nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần ổn định đời sống của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tôi đề nghị Chính phủ sớm xây dựng được quy hoạch tổng thể những vùng bị ảnh hưởng thiên tai, trong đó có những khu vực nguy hiểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai để từ đó có những cơ chế chính sách đầu tư và xây dựng các chương trình dự án phòng, chống khắc phục thiên tai gây ra, nhất là dự án sắp xếp di chuyển dân cư ra khỏi khu vực thiên tai nguy hiểm, tránh gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của nhân dân.

Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống các trạm quan sát khí tượng thủy văn hiện đại, đồng bộ để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo các loại hình thiên tai nguy hiểm, nhất là lũ quét, sạt lở đất được kịp thời, chính xác để các cấp, các ngành, người dân biết, chủ động các biện pháp phòng tránh, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai gây ra.

Đại biểu Lại Xuân Môn (Đoàn Bạc Liêu)Tập trung đào tạo nghề cho nông dân

Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm 3 vấn đề, cũng là 3 vấn đề điểm nghẽn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đó là, tiếp tục hạ lãi suất tín dụng sâu hơn, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhằm huy động được các nguồn lực trong xã hội. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trong hội nhập.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lại Xuân Môn (Đoàn Bạc Liêu). Ảnh: Quốc hội.

Bên cạnh đó, phải tập trung cho vấn đề khoa học công nghệ, nhất là công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp như giống, cây con. Nhà nước đứng ra đặt hàng với các viện nghiên cứu để các viện nghiên cứu sản xuất các loại giống cây con chủ lực và chuyển giao cho nông dân. Đồng thời, phải quan tâm đầu tư đến kho bảo quản nông sản để gắn sản xuất với tiêu thụ, nhằm khắc phục quy luật muôn đời của thị trường, đó là được mùa mất giá. Đặc biệt, có kho bảo quản cũng sẽ tạo ra được sản phẩm khan hiếm để nâng thu nhập của người nông dân.

Ngoài ra, cần tập trung đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, nâng cao năng suất lao động. Hiện nay, năng suất lao động ở nông thôn rất thấp kéo theo năng suất lao động của cả nước cũng rất thấp. Trong khi đó, chúng ta đang đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Người nông dân tư duy vẫn sản xuất nhỏ và sản xuất theo truyền thống thì khó có thể thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

THẢO NGUYỄN (ghi)