Điều này đặt ra không ít thách thức cho công tác bảo đảm an toàn, an ninh của từng chuyến bay cũng như các sân bay. Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) về những giải pháp giữ vững an ninh, an toàn, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.

Ông Tô Tử Hùng.

Ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi gây rối

Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về mức độ ảnh hưởng của những hành vi gây rối, hành hung nhân viên hàng không đối với an ninh, an toàn hàng không?

Ông Tô Tử Hùng: Các sự việc vừa qua xảy ra ở một số sân bay tại Việt Nam liên quan đến loại hình mà Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) phân loại là hành vi gây rối. Theo đó, có 8 loại hành vi gây rối. Phân tích của IATA cho thấy, giai đoạn năm 2007-2010, cứ 1.600 chuyến bay trên toàn cầu mới có một chuyến xuất hiện hành vi gây rối. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, cứ 1.200 chuyến bay lại có một chuyến xảy ra. Tại Việt Nam, năm 2018, chúng tôi nhận được báo cáo có 13 vụ hành khách, người qua đường đánh nhân viên hàng không khi làm nhiệm vụ hoặc đánh lẫn nhau; 5-7 vụ hành khách lăng mạ nhân viên đang làm nhiệm vụ. Nếu so với năm 2017 (khoảng 10 vụ), thì năm 2018 số vụ việc có tăng lên. Tuy nhiên, cũng cần nhìn vào góc độ phát triển của ngành hàng không dân dụng nước ta với tăng trưởng gần 13%, hơn 100 triệu lượt hành khách thông qua cảng hàng không trong năm 2018, hàng trăm đường bay trong nước và quốc tế, gần 100 hãng hàng không hoạt động. Điều đó cho thấy song hành với sự tăng trưởng, phát triển của hàng không toàn cầu thì hành vi gây rối cũng có xu hướng tăng lên.

Hành khách qua cửa kiểm tra an ninh tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: HƯNG ĐỖ

PV: Theo ông, lực lượng an ninh hàng không đã thể hiện vai trò như thế nào trong xử lý các hành vi gây rối cũng như các tình huống khác để bảo đảm môi trường hàng không an toàn?

Ông Tô Tử Hùng: Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không do Bộ Giao thông vận tải tổ chức tại cảng hàng không, sân bay nhằm mục đích thực hiện biện pháp và dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không theo quy định của pháp luật. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của lực lượng này là ứng phó ban đầu với những hành vi gây rối tại sân bay, sau đó cùng với cảng vụ xác minh bản chất vụ việc và bàn giao cho cơ quan chức năng xử lý. Hành vi hành hung nhân viên mang tính côn đồ, hung hãn, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của ngành hàng không, nhân viên hàng không. Những hành vi này đều được bàn giao cho công an xác minh, xử lý nghiêm minh. Với vai trò như vậy, lực lượng kiểm soát an ninh phải xử lý, khống chế kịp thời các tình huống. Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định đưa Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các công trình đài kiểm soát không lưu, đài ra-đa tại hai cảng hàng không này vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Những công trình này sẽ có sự bảo vệ tốt hơn, sâu hơn của lực lượng chức năng. Vì vậy, đối tượng nào có ý định gây rối hay phá hoại sẽ được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tăng cường kiểm soát an ninh trong dịp cao điểm

PV: Ngành hàng không sẽ có giải pháp gì để ngăn chặn hành vi vận chuyển hàng lậu, hàng cấm cũng như các hoạt động khác ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong dịp Tết Nguyên đán, thưa ông?

Ông Tô Tử Hùng: Lượng hành khách, hàng hóa đi qua đường hàng không dịp Tết Nguyên đán tăng cao đặt ra không ít thách thức cho ngành hàng không, bởi với cơ sở vật chất, số lượng nhân lực hiện có nhưng phải xử lý khối lượng công việc gấp 2-3 lần ngày thường. Đây cũng là dịp bọn tội phạm lợi dụng để tìm cách xâm nhập vào hệ thống. Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải để có chỉ thị về tăng cường an toàn, an ninh và sẽ xem xét những khu vực có tính rủi ro cao để ban hành chỉ lệnh về tăng cường an ninh theo các cấp độ nhằm đưa ra biện pháp phòng ngừa thích đáng. Cùng với đó, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn sân bay để bảo đảm an toàn, an ninh tuyệt đối.

PV: Có ý kiến cho rằng mức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực hàng không chưa đủ sức răn đe, thưa ông?

Ông Tô Tử Hùng: Nghị định số 147/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng có quy định về các hình phạt bổ sung, ví dụ cấm vận chuyển hoặc biện pháp phòng ngừa như kiểm tra an ninh trực quan bắt buộc để loại bỏ yếu tố rủi ro hay đe dọa từ hành khách. Các hãng hàng không cũng được phép từ chối vận chuyển đối với những trường hợp có nguy cơ mang lại rủi ro cho hãng. Thời gian qua, nhiều hành khách không hiểu rõ, không ý thức được lời nói đùa của mình nên có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Không thể vì quyền lợi, ích kỷ của bản thân mà làm ảnh hưởng đến hàng trăm hành khách xung quanh. Hàng không mang tính kết nối liên tục, nếu một chuyến bay bị chậm sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến khác, đồng nghĩa với hàng trăm hành khách bị chậm chuyến. Với tinh thần chia sẻ cộng đồng, chúng ta sẽ xây dựng văn hóa an toàn, an ninh hàng không, giúp việc đi lại thuận tiện, đúng giờ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MẠNH HƯNG (thực hiện)