Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, mặc dù hoạt động xuất khẩu (XK) đạt được nhiều kết quả khả quan, tuy vậy cũng không thể chủ quan. Năm 2021, chúng ta cần tận dụng tối đa lợi thế, tiếp tục giữ vững đà XK.

Đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu

Phóng viên (PV): Nhìn lại kết quả năm 2020 của ngành công thương, điều gì khiến Bộ trưởng hài lòng nhất và điều gì còn trăn trở?

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển các mặt của đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH), song nước ta cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát của năm 2020. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Trong thành công chung này, có những đóng góp quan trọng của ngành công thương, như: Bứt phá trong công tác hội nhập; XK vượt khó bất chấp đại dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng dương; xuất siêu đạt mức cao kỷ lục, duy trì mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp của cán cân thương mại Việt Nam; công nghiệp chế biến chế tạo vượt qua khó khăn, tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế cả nước.

  Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương.

Song hành với những thành tựu đó vẫn còn những khó khăn, thách thức, hay nói cách khác là những điểm còn tồn tại, có thể kể đến trong phát triển của ngành, như: Năng suất lao động thấp, quy mô doanh nghiệp (DN) nhỏ, tiêu hao năng lượng và sử dụng tài nguyên nhiều, hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm chưa cao, tái cơ cấu trong các ngành, lĩnh vực diễn ra chậm. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xu hướng hợp tác và hội nhập của thế giới có những thay đổi khá căn bản và diễn ra nhanh chóng... Những điều đó đặt ra cho ngành công thương yêu cầu về phản ứng chính sách không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả việc xem xét để điều chỉnh mang tính chiến lược trong dài hạn.

PV: Con số xuất siêu kỷ lục trong năm 2020 rất đáng ghi nhận, song vẫn có ý kiến cho rằng, chớ nên vội mừng vì khó khăn thách thức vẫn đang ở phía trước. Bộ trưởng đánh giá sao về quan điểm này?

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Kim ngạch XK năm 2020 ước đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm trước. Xuất siêu cả năm ước đạt khoảng 19,1 tỷ USD, qua đó đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp đạt xuất siêu với mức thặng dư năm sau cao hơn năm trước. Dưới góc độ vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu bổ sung nguồn thu ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo động lực tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, đổi mới cũng như thu hút đầu tư.

Mặc dù hoạt động XK đạt nhiều kết quả khả quan, nhưng tôi cũng cho rằng, không nên chủ quan, vì trong cơ luôn có nguy và trong nguy cũng luôn có cơ, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Chúng ta cũng cần nhìn nhận một số hạn chế, khó khăn để chung tay tháo gỡ trong thời gian tới. Với nông sản, việc đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng, quản lý an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã được nước ngoài giảm thuế về 0% nhưng một số nông sản của Việt Nam vẫn chưa được phép nhập khẩu vào một số thị trường. Một số ngành trong nhiều năm là động lực tăng trưởng XK, như: Sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học, đặc biệt là điện thoại di động không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước...

Việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) bước đầu mở cửa các thị trường thị trường chủ chốt và định vị Việt Nam như là một điểm sáng trong cải cách và thu hút vốn đầu tư để hình thành nên các chuỗi cung ứng mới. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh, hoạt động thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa có sự cải thiện rõ rệt để tận dụng tối đa lợi ích mang lại. Vẫn còn một số DN chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến mẫu mã sản phẩm, phương thức marketing trong thương mại quốc tế. Ngoài ra, nhu cầu trên thị trường quốc tế vẫn chưa thể phục hồi do đại dịch kéo dài và một số ngành hàng XK vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo sát diễn biến tình hình thị trường để có ứng phó linh hoạt

 PV: Tình hình dịch Covid-19 dự báo có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều thị trường XK trọng điểm, Bộ Công Thương có những giải pháp như thế nào để duy trì được đà xuất nhập khẩu?

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Bước sang năm 2021, dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu sẽ được khắc phục hoàn toàn trong ngắn hạn. Các hoạt động kinh tế tiếp tục được thực hiện trong trạng thái “bình thường mới”, XK năm 2021 vẫn tiếp tục đối mặt với những rủi ro tiềm tàng. Tuy nhiên, sang năm 2021, XK của ta có những cơ sở để tin tưởng vào một kết quả tích cực. Đó là tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt các FTA thế hệ mới CPTPP và EVFTA đã trải qua giai đoạn thực thi ban đầu, với ưu đãi về thuế quan và các điều kiện tiếp cận thị trường mở ra cơ hội đẩy mạnh XK các mặt hàng mà ta có lợi thế sang thị trường các nước thành viên. Nếu tình hình dịch bệnh ở châu Âu khả quan hơn nhờ hiệu quả của việc sử dụng vaccine trong tiêm chủng phổ thông thì cơ hội này càng trở nên rõ rệt. Ngoài ra, năm 2021 cùng kỳ vọng sự dịch chuyển luồng đầu tư của các DN FDI từ các nước trong khu vực sang Việt Nam, định vị lại chuỗi cung ứng cũng như tận dụng các ưu đãi mang lại từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Thời gian tới, dịch Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống KT-XH còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. Do vậy, Bộ Công Thương, bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thường xuyên và cũng thông qua hệ thống thương vụ, cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài, tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thị trường, đặc biệt là tình hình phòng, chống dịch Covid-19 ở các thị trường đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam. Từ đó, kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động triển khai các biện pháp để tận dụng cơ hội thị trường, giảm thiểu khó khăn, tác động bất lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

 Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam (tỉnh Vĩnh Phúc).


PV:
Bộ trưởng từng nói các FTA không phải là “bàn tiệc dọn sẵn”. Vậy theo Bộ trưởng, cần có những thay đổi chính sách như thế nào để tận dụng hiệu quả các FTA?

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc tham gia các FTA đã tạo thêm động lực và mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế Việt Nam. Tới nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA, vươn lên trở thành nước thuộc nhóm đầu ASEAN trong việc tham gia các FTA thế hệ mới và tận dụng các cơ hội của thương mại và đầu tư quốc tế. Có thể thấy, cơ hội lớn nhất mà các FTA mang lại là mở rộng thị trường XK nhờ các cam kết về cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ rào cản thương mại, tạo cơ hội để DN tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, việc ký kết các FTA cũng góp phần tăng cường hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống. Đồng thời, các cam kết về dịch vụ và đầu tư cũng giúp thị trường dịch vụ phát triển hơn, có thêm sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống chính sách, luật pháp cũng từng bước được cải thiện hướng tới các chuẩn mực quốc tế, tạo ra môi trường kinh doanh ngày càng hấp dẫn hơn.

Tuy nhiên, việc tham gia các FTA nói riêng và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung cũng đặt ra không ít thách thức. Đầu tiên là sự gia tăng áp lực cạnh tranh đối với hàng hóa và DN Việt Nam trên chính thị trường “sân nhà”, đặc biệt trong những lĩnh vực còn yếu của chúng ta. Bên cạnh đó, hạn chế về trình độ nguồn nhân lực trong các DN của Việt Nam cũng ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Những bất cập, chưa kịp hoàn thiện của hệ thống pháp luật; chính sách KT-XH, văn hóa, đặc biệt là về minh bạch hóa, cải cách hành chính, cải thiện môi trường pháp luật cũng gây không ít khó khăn cho việc thực thi cam kết và tận dụng các FTA của Việt Nam.

Nói như vậy, để thấy rằng việc ký kết và tham gia các FTA đồng nghĩa với việc hội nhập, bước vào sân chơi lớn, chấp nhận đương đầu với khó khăn, thách thức mới để vượt lên nắm bắt cơ hội phát triển. Do vậy, để hội nhập kinh tế quốc tế thành công, tận dụng được những lợi ích mang lại và vượt qua thách thức đặt ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, giữa Trung ương và địa phương và với cộng đồng DN. Các cơ quan có liên quan cũng cần có chiến lược tuyên truyền cụ thể để cộng đồng DN nắm vững các cam kết, luật chơi đối với từng FTA.

 Hoạt động sản xuất tại Nhà máy Daikin Việt Nam, Hưng Yên.


PV:
Cộng đồng DN cũng cần có những thay đổi gì để thích nghi được với “tình hình mới” thưa Bộ trưởng?

 Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: DN Việt Nam hiện đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 và diễn biến kinh tế-chính trị phức tạp trên thế giới và khu vực. Việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn gây khó khăn cho việc tiếp cận nguồn nguyên, vật liệu đầu vào, thu hẹp thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, cản trở việc lưu thông hàng hóa, gây sụt giảm doanh thu cũng như đe dọa khả năng đứng vững của DN. Tuy nhiên, ẩn sau những thách thức trên lại là những cơ hội đầy hứa hẹn cho các DN biết tự điều chỉnh chiến lược đầu tư kinh doanh, thích nghi, nắm bắt, tận dụng cơ hội.

Một trong những giải pháp ưu tiên DN cần chú trọng để đối phó với khó khăn, thách thức hiện tại và vượt lên tận dụng thành công các cơ hội mang lại là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh của mình, qua đó cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực. DN cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Cộng đồng DN cần tận dụng cơ hội để ứng dụng công nghệ kỹ thuật cũng như công nghệ thông tin trong tiếp cận, tiếp thị thị trường, giao dịch với các đối tác, tạo ra những giá trị thặng dư cao hơn cho DN.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

 VŨ DUNG (thực hiện)