Khẳng định sự đúng đắn trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu

PV: Nhìn lại nhiệm kỳ Đại hội XII, nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng nhờ vào những đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng về phát triển kinh tế. Theo ông, chủ trương nào có vai trò quan trọng nhất, góp phần vào thành công của cả nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Hoàng Văn Cường: Trong nhiệm kỳ vừa qua, đường lối phát triển kinh tế đã được xác định rất rõ trong các nghị quyết của Đảng. Trong đó, hai điểm mang tính chất bao trùm là chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế.

PGS, TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn TP Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội. 

Đây là chủ trương lớn, quan trọng xuyên suốt từ Đại hội XI và được nhấn mạnh, có những phát triển về định hướng và giải pháp đổi mới trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Nếu trước đây mô hình tăng trưởng của ta theo hướng bề rộng, dựa vào yếu tố nguồn lực đầu vào là chính, như khai thác tài nguyên thiên nhiên và đầu tư rất nhiều vốn nhằm tạo ra nguồn lực đầu vào thì đến nhiệm kỳ vừa qua, Đảng đã vạch ra đường lối là: Phải đổi mới mô hình tăng trưởng, không đi theo mô hình bề rộng mà chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, lấy hiệu quả là tiêu chí phấn đấu.

Đổi mới mô hình tăng trưởng dẫn đến thay đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng không đi vào đầu tư mở rộng mà theo hướng phát triển những ngành, lĩnh vực có thể tạo ra được giá trị mới nhiều hơn, như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Những ngành này không đơn thuần là khai thác sản phẩm tự nhiên rồi bán mà phải qua quá trình chế biến, chế tạo để tăng thêm giá trị gia tăng của nó. Trong cơ cấu kinh tế nước ta hiện nay, công nghiệp chế biến - chế tạo tăng rất mạnh, chiếm tỷ trọng cao.

 

Chúng ta cũng coi trọng phát triển những ngành thế mạnh, tạo ra giá trị mới cao, như ngành du lịch. Trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đặt ra mục tiêu là ngành du lịch sẽ trở thành một ngành chiến lược mũi nhọn cho phát triển và trên thực tế chúng ta cũng thấy rằng đóng góp của ngành du lịch vào sự phát triển kinh tế của đất nước trong nhiệm kỳ vừa qua đã có sự thay đổi vượt bậc. Mặc dù tỷ trọng của ngành du lịch trong nền kinh tế chưa cao nhưng so với bản thân ngành du lịch là đã có sự thay đổi rất mạnh.

Hay với ngành nông nghiệp, trước kia ngành nông nghiệp của ta chỉ là những ngành có tính chất sản xuất lạc hậu hoặc phát triển ở bậc thấp thì trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã vươn lên trở thành một ngành chiếm vị trí rất quan trọng, là trụ đỡ cho nền kinh tế. Trong tất cả quá trình biến động của nền kinh tế, từ khủng hoảng kinh tế đến dịch bệnh Covid-19... nền kinh tế của ta rất ổn định nhờ dựa vào nông nghiệp. Hơn nữa, ngành nông nghiệp của chúng ta đã vươn ra thế giới, rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của ta đã trở thành những sản phẩm có thương hiệu, có giá trị. Chúng ta cũng tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị, có chỗ đứng trong thị trường cao cấp.

Điều đó chứng tỏ rằng, chúng ta đã tái cấu trúc nền kinh tế khá tốt theo các ngành, lĩnh vực để chú trọng những ngành nào có hiệu quả hơn, ngành nào tạo ra được nhiều giá trị mới hơn, ngành nào tạo ra được sản phẩm mang thương hiệu, giá trị Việt đứng trên thị trường thế giới; đồng thời, khẳng định sự đúng đắn của đường lối chỉ đạo của Đảng trong đổi mới mô hình tăng trường.

PV: Chủ trương của Đảng về coi trọng kinh tế tư nhân cũng góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế thời gian qua. Đồng chí đánh giá thế nào về điều này?

Đồng chí Hoàng Văn Cường: Đảng rất coi trọng phát triển kinh tế tư nhân, thậm chí có hẳn Nghị quyết 10/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó thể hiện quan điểm rất mạnh mẽ là phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, đường lối phát triển kinh tế đã được xác định rất rõ trong các nghị quyết của Đảng. Trong đó, hai điểm mang tính chất bao trùm là chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Ảnh minh họa

Do có quan điểm mạnh mẽ đó nên trong nhiệm kỳ qua chúng ta thấy rất rõ vai trò, đóng góp của kinh tế tư nhân trong cơ cấu kinh tế càng ngày càng tăng lên. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, khi quan hệ kinh tế thế giới bị gián đoạn, đứt gãy thì chúng ta vẫn giữ vững được tăng trưởng kinh tế, trở thành một trong số những quốc gia tiếp tục có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Đó chính là nhờ vào sự khơi dậy năng lực của khu vực kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân đã tạo ra được các sản phẩm và chiếm lĩnh được thị trường trong nước, đáp ứng được nhu cầu trong nước; nhiều tập đoàn tư nhân có vị thế, nổi tiếng… Chúng ta thấy kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, để bứt phá trở thành nước phát triển thì người ta phải có các tập đoàn trong nước rất mạnh. Chúng ta hiện nay đang hình thành các tập đoàn kinh tế và thậm chí có những tập đoàn có sức cạnh tranh cao hơn hẳn so với nhiều tập đoàn kinh tế nước ngoài trong một số lĩnh vực.

PV: Từ những đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng trong nhiệm kỳ qua, ông có kỳ vọng gì vào định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn tiếp theo? 

Đồng chí Hoàng Văn Cường: Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng cần tiếp tục kiên định với con đường đã đặt ra trong nhiệm kỳ trước, tạo tiền đề cho những bước phát triển nhảy vọt trong giai đoạn tới. Đó là tiếp tục làm tốt hơn nữa đổi mới mô hình tăng trưởng tốt; tiếp tục tái cấu trúc các thành phần kinh tế, đặc biệt cần đề cao và tạo điều kiện hơn nữa để khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhằm hình thành được nhiều nhất các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh. Chúng ta cũng cần nghĩ đến chuyện tái cấu trúc mạnh hơn nữa để hình thành nên những ngành kinh tế trong nước là những ngành kinh tế trụ cột, để đó là những ngành “sản phẩm của Việt Nam”, tạo được chỗ đứng cho nền kinh tế Việt Nam, thay vì phụ thuộc vào các nhà cung cấp, chuỗi cung ứng trên thế giới trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế.

Ví dụ, chúng ta thấy hiện nay một số ngành có tính chất là trụ cột kinh tế như công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp cơ khí thì cần tạo ra những ngành xương sống cho nền kinh tế, ví dụ ngành công nghiệp đường sắt. Việt Nam có tiềm năng để phát triển ngành đường sắt thì ngành công nghiệp đường sắt đã trở thành ngành công nghiệp trụ cột. Hay là ngành công nghiệp về hậu cần biển, kinh tế biển. Nước ta đang dựa vào chiến lược phát triển kinh tế, là một nước có đường bờ biển dài, có tính chiến lược quan trọng thì ngành công nghiệp hậu cần biển, đóng tàu, sửa chữa tàu biển, vận tải biển, các dịch vụ logistics… phải trở thành những trụ cột kinh tế của riêng mình.

 

Chúng ta là nước có nền nông nghiệp đặc trưng, được xác định là trụ đỡ cho nền kinh tế, vậy thì cần phải phát triển những ngành công nghiệp phụ trợ để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, không đi theo mô hình sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu mà theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tập trung hóa và đạt được các các tiêu chuẩn cao, có kiểm soát trên thế giới… Trong hội nhập kinh tế quốc tế, cần tiếp tục hội nhập kinh tế theo hướng có chọn lọc và cần có chiến lược để làm thế nào phát huy, tận dụng tối đa những lợi thế của chúng ta trong các quan hệ hợp tác quốc tế. Vì đã là quan hệ hợp tác thì không có chuyện đối đầu với nhau. Cái gì là thế mạnh thì chúng ta cần phát huy tối đa, cái gì chưa phải thế mạnh của chúng ta thì chúng ta lôi kéo các đối tác vào hỗ trợ.

Tạo ra bước phát triển đột phá về tăng trưởng để đạt các mục tiêu đề ra

PV: Dự thảo văn kiện Đại hội III đề ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng chí đánh giá như thế nào về những mục tiêu này?

Đồng chí Hoàng Văn Cường: Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để có niềm tin vào các mục tiêu phát triển này. Hiện nay, chúng ta đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á và nằm trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với quy mô kinh tế đạt 340 tỷ USD. Mức thu nhập bình quân đầu người của chúng ta hiện nay đạt gần 3.500 USD/người/năm (tính theo giá trong nước) và nếu tính theo sức mua tương đương (PPP) thì con số này nâng lên gần 10.000 USD/người/năm. Thu nhập bình quân cũng như mức sống và các điều kiện khác của người dân chúng ta hiện nay không thua kém so với nhiều nước trong khu vực. Với thu nhập bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương) gần 10.000 USD/người/năm hiện nay, nếu chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng từ 6,5 - 7%/năm thì cứ sau 10 năm, mức thu nhập quốc dân bình quân đầu người sẽ tăng gấp đôi. Vậy thì, đến năm 2030, chúng ta có thể đạt được mức khoảng 20.000 USD/người là mức thu nhập trung bình cao; đến năm 2040, con số này sẽ lên đến 40.000-45.000 USD/người/năm và đến năm 2045 sẽ đạt tối thiểu 45.000-50.000 USD/người/năm. Đây là mức thu nhập bình quân đầu người cao của các nước phát triển mà chúng ta có thể đạt được, với điều kiện chúng ta duy trì được tốc độ tăng trưởng đều đều 6,5 - 7%.

Dự thảo văn kiện Đại hội III đề ra mục tiêu cụ thể. 

Chúng ta có triển vọng đạt được những tiêu chí của các nước phát triển, thu nhập cao vì ngoài tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, tiêu chí thứ hai để đánh giá một nước phát triển, thu nhập cao là chỉ số phát triển con người (HDI). Chỉ số này gồm ba tiêu chí: Sức khỏe, trí tuệ và thu nhập. Đối với những nước phát triển, chỉ số HDI đạt khoảng 0,8 trở lên. Chỉ số HDI của Việt Nam hiện nay đạt 0,693 - tức là chúng ta đang ở mức cao của những nước phát triển khá và tiệm cận rất gần với các nước phát triển.

PV: Tuy vậy, làm thế nào để duy trì được tốc độ tăng trưởng 6,5 -7% là vấn đề đặt ra với chúng ta, thưa ông? 

Đồng chí Hoàng Văn Cường: Thực tế, trên thế giới không bao giờ có sự phát triển đều đặn. Đại dịch Covid-19 là một ví dụ điển hình về những yếu tố tác động làm thay đổi sự tăng trưởng đều đặn đó. Kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới cũng cho thấy, để tạo ra được sự phát triển đều đặn thì phải có một lúc nào, đó tăng trưởng phải vọt lên mức 9 - 10% để bù lại cho những giai đoạn tăng trưởng thấp. Và chính những giai đoạn tăng trưởng cao vọt đó mới tạo ra sự nhảy vọt về chất của nền kinh tế. Nếu không có đột phá về phát triển kinh tế thì không bao giờ chúng ta có thể bứt phá để đuổi kịp những nước phát triển trong khu vực. Đảng đã nhận thức rõ điều này và chỉ ra một trong những nguy cơ trước mắt là tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Chính vì vậy, Đảng đã đặt ra mục tiêu phải tạo ra bước phát triển đột phá về tăng trưởng, dựa vào đổi mới, sáng tạo và công nghệ. Muốn đổi mới, sáng tạo thì cần thay đổi phương thức quản lý từ quản lý quy trình sang quản lý theo kết quả, đầu ra công việc.

PHƯƠNG HẰNG (thực hiện)