Vô lý từ việc bắt làm không công

Trong suốt năm 2022 và đầu năm 2023, tình trạng đứt gãy nguồn cung xăng dầu cục bộ xảy ra nhiều lần tại nhiều địa phương. Điều kỳ lạ là Bộ Công Thương khẳng định: Tổng nguồn cung xăng dầu đủ. Vậy vì sao các cây xăng lại đóng cửa, báo hết xăng, hoặc bán xăng với số lượng nhỏ giọt? Vì sao thương nhân lại không muốn bán hàng?

Đó là vì họ phải bán hàng mà không có lợi nhuận! Động lực cơ bản của thương nhân trong kinh tế thị trường là lợi nhuận. Khi không có lợi nhuận thì thương nhân không có động lực hoạt động. Cụ thể, do cơ quan điều hành không điều chỉnh giá bán lẻ theo sát diễn biến trên thị trường xăng dầu, dẫn tới giá bán lẻ thấp hơn giá cơ sở, từ đó, doanh nghiệp đầu mối lỗ, phải cắt chiết khấu đối với các khâu trung gian và khâu bán lẻ. Cơ chế điều hành cũng chưa công bằng đối với doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Mức chiết khấu lợi nhuận hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp đầu mối. Vì thế trong thời gian qua, có lúc doanh nghiệp đầu mối quy định mức chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ bằng 0 đồng, thế mà doanh nghiệp bán lẻ vẫn buộc phải hoạt động. Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) bức xúc nói: “Theo quy định, dù lãi hay lỗ thì doanh nghiệp bán lẻ vẫn phải bán hàng, khi ngừng bán phải có lý do chính đáng nếu không sẽ bị phạt, thu hồi giấy phép kinh doanh. Do đó, suốt thời gian dài vừa qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, thua lỗ nặng nhưng các cửa hàng vẫn phải duy trì kinh doanh”.

Thực trạng đó khiến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rơi vào tình trạng càng kinh doanh càng lỗ khi gồng gánh thêm các khoản chi phí như vận chuyển, hao hụt, tiền lương, khấu hao tài sản, điện, nước...

Một câu hỏi được đặt ra là cơ chế quản lý bất cập đó đã có từ lâu, tại sao thời gian qua nó mới bộc lộ rõ, gây hậu quả nghiêm trọng như vậy?

Lý giải vấn đề này, tại nhiều cuộc họp của Bộ Công Thương cũng như tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, tình trạng cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa, bán nhỏ giọt tập trung ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là do khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả. Có lượng xăng trôi nổi bù đắp nên chủ cửa hàng bán lẻ xăng dầu không quan tâm tới chi phí định mức, chiết khấu (hoa hồng) cũng như không quan tâm chuyện mua của doanh nghiệp đầu mối một cách ổn định.

“Xăng dầu lậu ngày càng bị siết chặt, chỉ còn xăng dầu chính thống. Mà đối với xăng dầu chính thống, khi nguồn cung thế giới thiếu, giá biến động, chiết khấu thấp dẫn tới việc chủ cửa hàng bán lẻ kiếm được ít tiền hơn, thậm chí lỗ, thì không ai muốn làm”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích.

leftcenterrightdel

Cán bộ đăng kiểm Quân đội hỗ trợ kiểm định ô tô cho người dân để giải tỏa ùn tắc tại các trạm đăng kiểm. Ảnh: MẠNH HƯNG

 

 

Như vậy, có thể thấy một thực trạng là xăng dầu lậu đã chiếm vai trò không nhỏ tại một số địa phương, nó là nguồn lợi nhuận chính cho doanh nghiệp bán lẻ. Khi nó bị chặt đứt bởi sự quyết liệt của cơ quan chức năng, doanh nghiệp buộc phải hoạt động bám vào các quy định chính thức thì không vận hành nổi bởi không có lợi nhuận. Đây chính là điều các cơ quan quản lý phải suy nghĩ. Bởi như trên đã nói, trong một nền kinh tế thị trường thì lợi nhuận chính là động lực của thương nhân. Khi theo tính toán thương nhân không có lợi nhuận mà vẫn hoạt động, thì có thể họ đang hưởng lợi từ các hoạt động ngầm. Sở dĩ xăng dầu lậu xuất hiện cũng do yếu tố lợi nhuận. Khi các quy định của pháp luật bảo đảm để thương nhân hoạt động có lợi nhuận, nguyên tắc của thị trường được bảo đảm, thì tự khắc xăng dầu lậu cũng sẽ không còn đất sống.

Quy định không cần thiết: Sao vẫn tồn tại trong thời gian dài?  

Liên quan đến vấn đề kiểm định xe cơ giới, thời gian qua, Bộ Công an đẩy mạnh chống tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, do đó nhiều trung tâm đăng kiểm tiêu cực bị triệt phá, nhiều đối tượng bị bắt. Điều này dẫn tới lượng xe thuộc diện phải kiểm định bị ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm còn lại. Người dân phải thức cả đêm để đi đăng kiểm mà vẫn không được.

Để giải tỏa ách tắc, Bộ Giao thông vận tải đã có Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT cho phép miễn kiểm định lần đầu đối với xe ô tô chưa qua sử dụng; đồng thời kéo dài chu kỳ kiểm định cho ô tô thuộc diện xe cá nhân và xe gia đình dưới 9 chỗ (không kinh doanh vận tải). Theo lý giải của những nhà quản lý thì ô tô mới, chưa qua sử dụng đã được cơ sở sản xuất thực hiện kiểm tra chất lượng và cấp phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (giấy chứng nhận chất lượng đối với xe nhập khẩu). Do đó, việc bắt buộc kiểm định đối với xe mới là không cần thiết. Đơn vị đăng kiểm chỉ cần kiểm tra, căn cứ theo hồ sơ phương tiện để cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định. Đối với quy định ô tô dưới 9 chỗ không phải xe kinh doanh thì được kéo dài chu kỳ kiểm định là vì các loại xe này ít vận hành hơn xe kinh doanh, lại được cá nhân, gia đình bảo dưỡng tốt nên tuổi thọ của xe kéo dài hơn, chu kỳ đăng kiểm có thể kéo dài... Cách giải thích này là rất hợp lý. Thông tư 02 với những điều chỉnh quan trọng nêu trên sẽ giúp giải phóng một lượng xe lớn buộc phải đi đăng kiểm, làm giảm ách tắc tại các trung tâm đăng kiểm.

 Lật ngược lại vấn đề, các điều chỉnh hợp lý trên đã dẫn tới một thực tế là các quy định cũ được thực hiện suốt những năm qua như: Buộc phải đăng kiểm ô tô mới, chưa qua sử dụng; hay chu kỳ kiểm định giống nhau của xe không kinh doanh và xe kinh doanh là không hợp lý, không cần thiết. Các quy định này đã dẫn tới một lượng lớn xe phải đi kiểm định, tạo cơ hội cho các trung tâm đăng kiểm mọc lên như nấm. Hoạt động đăng kiểm xe mới là không thực chất và làm phát sinh chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Trong khi đó, những xe cũ nát, đã qua thời gian dài sử dụng, không đủ tiêu chuẩn vận hành, lẽ ra phải được kiểm định kỹ để loại bỏ thì dựa vào hành vi tiêu cực của các trung tâm đăng kiểm lại vẫn lưu hành bình thường. Như thế, quy định có vẻ chặt chẽ, nghiêm túc nhưng lại gây lãng phí và hiệu quả không cao.

Soi lại các quy định trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống xã hội, phát hiện ra một tình trạng là quy định thì nghiêm quá mức cần thiết nhưng hiệu quả thì thấp và nhiều đối tượng dựa vào đó để trục lợi.

Tiêu chuẩn cao một cách khó hiểu

Những vướng mắc liên quan đến thực thi quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đang là vấn đề nổi cộm được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

 Đến nay, việc thực hiện quy định theo quy chuẩn mới QCVN 06:2022/BXD vẫn khiến doanh nghiệp mắc kẹt do có những quy chuẩn chưa phù hợp với vật liệu áp dụng cho khối nhà xưởng. Cụ thể, trong QCVN 06:2022/BXD có nội dung: “Tấm lợp, kể cả tấm lợp có cách nhiệt phải đáp ứng RE15 đối với nhà xưởng áp bậc chịu lửa bậc 4”.

Nội dung này khiến các doanh nghiệp lo lắng, bởi tôn lợp mái cách nhiệt thông thường mà tất cả các dự án nhà máy công nghiệp đang sử dụng khi thí nghiệm chắc chắn không đạt yêu cầu giới hạn chịu lửa tối thiểu RE15. Đó là vì, tôn đáp ứng yêu cầu RE15 là loại tôn đặc chủng, rất dày và thường được các nước phát triển sử dụng làm mái ở những nhà máy chuyên dụng sản xuất máy bay, vũ khí. Việc áp dụng yêu cầu này với tôn làm mái nhà xưởng trong các khu công nghiệp ở nước ta là không phù hợp, gây tốn kém chi phí... Từ thực tế đầu tư, các doanh nghiệp cho rằng đây là điểm bất hợp lý cần được sửa đổi phù hợp với điều kiện trong nước.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), dù là nước đang phát triển nhưng Việt Nam có quy chuẩn PCCC cao như những nước phát triển, thậm chí còn thêm thắt khiến tiêu chuẩn trong nước gần như cao nhất thế giới. Ngoài ra, doanh nghiệp phải nhập khẩu một số vật liệu PCCC độc quyền khiến chi phí đầu tư quá cao. Chính những bất cập này khiến sức khỏe của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bất lợi.

Một thủ tục hướng dẫn theo nhiều cách

Theo phản ánh của doanh nghiệp, ngày 8-9-2020, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã có Công văn số 3288/C07-P4 hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên, cơ quan PCCC các địa phương hướng dẫn thủ tục không nhất quán mà theo cách hiểu riêng làm cho quá trình thẩm định kéo dài (có trường hợp tới 9 tháng), phức tạp và thiếu minh bạch. 

Từ những vướng mắc trong quá trình thực thi quy định pháp luật liên quan đến PCCC nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị quy định cụ thể việc áp dụng thẩm định PCCC đối với hệ thống năng lượng mặt trời và làm rõ hồ sơ cần lập, thẩm định trước khi áp dụng.

Trong kiến nghị gửi tới Bộ Công an và Bộ Công Thương, cộng đồng doanh nghiệp cho biết, việc thay đổi quy định về PCCC khiến giấy phép PCCC và giấy phép hoàn công đã được cấp khi xây dựng nhà máy ban đầu mâu thuẫn với quy định quản lý hiện hành. Ví dụ, trước đây, khi sử dụng tấm thạch cao đơn giản hoặc sơn chống cháy cho tường lửa chống cháy nhà máy, doanh nghiệp không gặp trở ngại gì trong việc xin cấp phép PCCC, thì đến nay bắt buộc phải sử dụng tấm thạch cao chịu lửa. Do đó, khi xây dựng mở rộng nhà máy, chi phí thi công tăng cao vì doanh nghiệp phải thực hiện quy định hiện hành đối với cả nhà máy đã xây dựng trước đây và đang trong quá trình vận hành.

Ngày 5-4-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 220/CĐ-TTg về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác PCCC. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc về PCCC trong đầu tư xây dựng nhà và công trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải bảo đảm phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh, đồng thời cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà không cần thiết.

Doanh nghiệp hoảng hốt mỗi khi có quy định mới

Nói về tính bất hợp lý của các quy định trong việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho hay, các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này, nhất là Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải có nhiều nội dung chồng chéo, không khả thi, gây lãng phí cho doanh nghiệp. Ví dụ, quy định người học lái xe phải học tập trung, phải tham gia đầy đủ 100% thời lượng là hoàn toàn không khả thi. Chính vì có các quy định kiểu như vậy mà các cơ sở đào tạo buộc phải vận dụng ngoài quy định, do đó đang có nguy cơ bị cơ quan chức năng xử lý.

“Bỗng một ngày phát hiện ra có các quy định mới trong lĩnh vực kinh doanh của mình, doanh nghiệp thường rất hoảng hốt. Ấy vậy mà trong những năm qua thì việc này diễn ra khá nhiều. Chúng tôi khá chóng mặt trong việc tuân thủ pháp luật. Vì có quá nhiều quy định chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật giữa các bộ, các lĩnh vực. Chi phí, sức ép tuân thủ pháp luật đang quá lớn cho doanh nghiệp”, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại Lazada Việt Nam trải lòng.

Cũng theo bà Minh Tú, khi doanh nghiệp có ý kiến thì những người đề ra quy định ghi lại nhưng sau đó không tiếp thu và cũng không giải thích lý do tại sao không tiếp thu.

Chính sự phức tạp, thiếu rõ ràng, hiểu theo cách nào cũng được đã gây ra gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, và cũng là nguyên nhân không nhỏ để tạo cơ hội phát sinh các “chi phí không chính thức”-một cách gọi chính thức của các chi phí tiêu cực mà doanh nghiệp buộc phải bỏ ra cho cán bộ, công chức để việc trôi. Các chi phí không chính thức này cũng chính là dòng chảy ngầm để doanh nghiệp không tuân thủ đúng quy định, nhưng được việc.

Người dân, doanh nghiệp chấp nhận chi phí không chính thức, nhưng lòng không tin, tâm không phục. Họ chịu gánh nặng chi phí không chính thức, không còn nguồn để tích lũy, tái đầu tư sản xuất. Thiệt hại này không chỉ của riêng doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Và nguy hại hơn là khi người dân, doanh nghiệp đã có thói quen sử dụng chi phí không chính thức thì họ không còn tin vào tính nghiêm minh, trong sáng của việc thực thi pháp luật. Họ chỉ tìm cách thức phù hợp với họ nhất để "trèo qua" quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết một thông tin đáng lưu tâm. Đó là tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng công việc đạt kết quả mong đợi khi trả chi phí không chính thức đang có xu hướng giảm. Năm 2014, tỷ lệ này là 63,16%, năm 2017 là 62,69% thì năm 2021 là 55,22%. Nói một cách dễ hiểu là theo đánh giá của doanh nghiệp thì môi trường kinh doanh hiện nay đang ở tình trạng “mất tiền cũng chưa chắc được việc”. Trong khi đó, để tuân thủ được những quy định pháp luật rất phức tạp thì nhiều khi là bất khả thi. Đó cũng là một biểu hiện của sự tắc nghẽn!

(còn nữa)

 HỒ QUANG PHƯƠNG - TS NGUYỄN SĨ DŨNG - NGUYỄN CHIẾN THẮNG